Nhuận bút 'bèo' kìm nén sáng tác

Nhuận bút 'bèo' kìm nén sáng tác
Nhuận bút rẻ mạt, người viết chưa được coi trọng, thiếu hụt đội ngũ lý luận phê bình chuyên nghiệp, công tác dịch ngược chưa được đầu tư… là những nguyên nhân lớn khiến văn học nghệ thuật chưa bay xa.

Nhuận bút 'bèo' kìm nén sáng tác

> Nhà thơ Giáng Vân: 'Những cuộc bay của linh giác'
> Sinh mệnh ngòi bút

Nhuận bút rẻ mạt, người viết chưa được coi trọng, thiếu hụt đội ngũ lý luận phê bình chuyên nghiệp, công tác dịch ngược chưa được đầu tư… là những nguyên nhân lớn khiến văn học nghệ thuật chưa bay xa.

Nhuận bút 'bèo' kìm nén sáng tác ảnh 1

Nhìn lại 15 năm văn học - nghệ thuật, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, cho rằng chế độ nhuận bút cho một bài nghiên cứu lý luận phê bình quá thấp, chỉ từ 300.000 - 500.000 đồng, không tương xứng với công sức. Để có một cuốn sách lý luận phê bình phải viết trong nhiều năm mới hoàn thành mà nhuận bút chỉ 5 - 7 triệu đồng khiến người viết không thể sống được. Họa sĩ Chương đề xuất: “Cần nghiên cứu chế độ nhuận bút đối với những bài viết có tính chuyên sâu về lý luận phê bình để tác giả đủ sống, chuyên tâm với công việc”.

Trong khi đó, nhuận bút sáng tác cũng quá “hẻo”, trung bình chỉ chiếm từ 10 - 15% giá bìa nhân với số lượng bản in, khiến nhiều nhà văn thực sự ngại ngần không muốn dành trọn thời gian để viết lách. Việc bị phân tán thời gian cho công việc để kiếm sống và cho sáng tác chắc chắn gây cản trở nhiều cho việc ra đời các tác phẩm hay, có giá trị cao.

“Giải thưởng oan thì chung thân”

Tính tới nay, số lượng văn học Việt được dịch ra các thứ tiếng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chủ yếu lại được dịch bởi các mối quan hệ quen biết của chính tác giả với dịch giả người nước ngoài, chứ chưa xuất phát từ một dự án hoặc từ quỹ dịch thuật lớn dưới sự đầu tư và chỉ đạo của nhà nước như một đường hướng quảng bá văn học Việt (ngoại giao mềm) ra thế giới.

Trong khi nhuận bút bèo bọt thì nhiều nhà văn, nghệ sĩ cũng chỉ ra rằng hệ thống lý luận phê bình không chuẩn xác, không song hành với các nhà văn và giới sáng tác, gây thiệt thòi cho người viết.

Họa sĩ Trần Khánh Chương nói thẳng: “Các bài viết, nghiên cứu về phê bình mỹ thuật còn thiếu những nhận xét xác đáng, sâu sắc, lặp nhiều mỹ từ khiến người đọc không nhận diện được tác giả nào là tác giả đích thực, tác giả nào sáng tác chạy theo thị trường”.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng cho rằng, một trong 8 lý do chưa có tác phẩm văn chương đỉnh cao là nước ta hiện hữu một nền phê bình yếu và thiếu, không kích thích sáng tạo văn chương. “Các nhà lý luận phê bình cần phải đồng hành với người sáng tác, tránh hiện tượng khen tít tận trời xanh, chê xuống tận bùn”, nhà văn này nói. Đồng quan điểm, nhà thơ Hữu Thỉnh nhìn nhận phần lớn công tác lý luận phê bình thời gian qua đều là quá khen ngợi, khiến giới sáng tác không phấn đấu, thiên lệch trong việc nhìn nhận tài năng hoặc bị chê không chuẩn xác…

Nhuận bút 'bèo' kìm nén sáng tác ảnh 2

Còn nhà thơ Vũ Quần Phương thì dí dỏm nhận xét công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật suốt 15 năm qua như “bà ốm nghén, kiêng khem 15 năm mà mãi không sinh đẻ”. Nhà thơ cũng đề cập tới mặt trái của việc phát triển quá nhiều câu lạc bộ sáng tác, câu lạc bộ thơ khắp cả nước một cách vô tội vạ cùng việc sính “cơn mưa” các giải thưởng, huân chương. “Tù oan còn có lúc được giải oan, chứ giải thưởng oan thì chung thân”, ông Phương phê phán.

Dịch giả “ké thân phận”

Nhìn ở góc độ khác, văn học Việt thời gian qua không thiếu tác phẩm có giá trị cao nhưng chưa được chú trọng khâu dịch thuật ra các tiếng nước ngoài nên không thể vang xa. Trong khi đó, nhiều dịch giả nói rằng việc họ phải “ké thân phận” vào sinh hoạt tại các Hội Nhà văn cũng đủ cho thấy vị thế của dịch giả chưa thực sự được đánh giá cao và dù kêu gọi nhiều năm qua nhưng nước ta vẫn chưa có Hội Dịch thuật riêng biệt, tập trung các dịch giả giàu kinh nghiệm và chuyên tâm với nghề.

Nhuận bút 'bèo' kìm nén sáng tác ảnh 3

Cần nhiều nhiệt huyết

Tiến sĩ văn chương - Phó giáo sư Học viện Ngôn ngữ và văn minh phương Đông Paris Đoàn Cầm Thi cho rằng: “Giới thiệu nét đẹp của một nền văn học ra nước ngoài là một công việc cần nhiều nhiệt huyết, bền bỉ, có hệ thống và được sự tham gia của nhiều người. Chừng nào chúng ta không hội tụ đủ những yếu tố đó, thì khó làm nên cơm cháo gì, nhất là tại một thị trường sách khổng lồ như nước Pháp. Vì vậy, chúng tôi đã quyết định thành lập một tủ sách khi các điều kiện đã chín muồi. Tủ sách Văn học VN đương đại là một dự án hoạt động quy mô nhằm đẩy mạnh việc giới thiệu sách văn học Việt đến với cộng đồng Pháp ngữ”.

Trong khi đó, nhà văn Mạc Ngôn (Trung Quốc) từng thừa nhận ông đổi đời nhờ dịch giả, nếu các tác phẩm của ông không được dịch ra nhiều thứ tiếng, không được độc giả nhiều nước công nhận thì ông cũng khó có thể đoạt giải Nobel Văn học 2012. Một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… từng thành lập Quỹ hỗ trợ dịch thuật để hỗ trợ kinh phí dịch thuật cho những nước mua bản quyền văn học bản địa nước họ. Nhờ vậy, số lượng tác phẩm văn học các nước này cũng có điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài nhanh và nhiều hơn.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến từng cho rằng, trong khi chờ đợi thế giới tìm đến, chúng ta cũng có thể chủ động “giới thiệu bản thân” một cách thuyết phục thông qua những dự án dịch thuật có hệ thống. Theo ông, nhà nước nên tài trợ "xuất khẩu văn học" từ việc tổ chức tuyển chọn, dịch cho đến in ấn, phát hành. "Việc chuyển ngữ tác phẩm tiếng Việt ra tiếng nước ngoài theo tôi phải do các dịch giả nước ngoài thực hiện. Có như thế mới đảm bảo giá trị và hiệu quả tiếp nhận cho tác phẩm. Hơn nữa, chúng ta phải biết mình có những gì và hay ở chỗ nào. Không phải mọi thứ chúng ta muốn dịch đều được thế giới thích", ông nói.

 Một số sách văn học Việt hiếm hoi được dịch ra tiếng nước ngoài
Một số sách văn học Việt hiếm hoi được dịch ra tiếng nước ngoài.

Dịch giả, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên băn khoăn: "Những năm gần đây, rất nhiều sứ quán nước ngoài kết hợp với các tổ chức VN đưa tác giả, tác phẩm của họ sang giao lưu ở VN. Nhưng tôi chưa thấy một sứ quán VN nào ở nước ngoài làm được điều tương tự cho các tác giả trong nước. Các nhà xuất bản trong nước đã làm rất tốt việc đưa văn học thế giới vào VN, nhưng dường như lại chưa thật ý thức trong việc đưa văn học VN ra thế giới".

7 nhà xuất bản có nguy cơ phá sản

Lãnh đạo của 7 nhà xuất bản (NXB) tên tuổi gồm: NXB Văn hóa - Thông tin, NXB Thể thao, NXB Văn học, NXB Âm nhạc, NXB Thế giới, NXB Văn hóa Dân tộc và NXB Hà Nội vừa đồng lòng ký vào lá đơn kiến nghị gửi Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhằm cứu vãn tình trạng nợ nần, có nguy cơ dẫn đến phá sản bởi chi phí thuê đất, thuê nhà quá cao theo quy định. Theo đó, từ năm 2009, theo quyết định của UBND TP.Hà Nội, các NXB có trụ sở hoạt động trên địa bàn thành phố phải nộp tiền thuê nhà là 80.000 đồng/m2, khiến hoạt động xuất bản vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.“NXB Thế giới đã phải nộp tổng cộng số tiền thuê đất, thuê nhà là hơn 3,7 tỉ đồng/năm từ năm 2013, trong khi vốn điều lệ chỉ có khoảng 6 tỉ đồng, vốn lưu động chỉ khoảng hơn 2 tỉ đồng nhưng phần lớn nằm ở kho sách và tạp chí thành phẩm”, ông Bùi Thế Khoa, Phó giám đốc NXB Thế giới cho biết.

Các NXB cho rằng vừa phải hoạt động theo cơ chế thị trường vừa phải làm nhiệm vụ chính trị đúng theo tôn chỉ, mục đích cho phép là điều thực sự khó khăn.

Theo Ngọc Bi
Thanh Niên

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.