Như thế là tội ác

TP - Cho tới bây giờ, những lá đơn kêu cứu thấm đầy nước mắt của các giáo viên bị mất việc vì nhà nước “hết biên chế” ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn không ngừng được gửi tới báo Tiền Phong. Đơn nào cũng khắc khoải mong dù được trả lương chỉ đôi ba triệu đồng mỗi tháng mà được đứng lớp, thì các thầy cô cũng cam lòng. 

Chính quyền các tỉnh có giáo viên mất việc đều tổ chức đối thoại, lắng nghe nguyện vọng rất chính đáng đó, đều hẹn lần lữa, rồi đều tổ chức các kỳ thi, ai không “qua vòng” thì thôi khỏi “kêu” nữa. Một vị lãnh đạo than “ Nghe thương đau lắm, nhưng lực bất tòng tâm, đành chịu. Ngân sách luôn thiếu trước hụt sau, không sao bù đắp cho đủ ”. 

Thu không đủ chi, luôn phải xin Trung ương bù đắp là thực trạng triền miên xưa nay của các tỉnh Tây Nguyên. Chính trong bối cảnh ngặt nghèo đó, việc buông lỏng giám sát các khoản tiền Nhà nước đầu tư chục tỷ, trăm tỷ cho các công trình, dự án kém chất lượng, gây lãng phí, hư hỏng, thừa thãi, mới mua về hoặc chưa dùng bao lâu đã “trùm mền, đắp chiếu”, càng khiến dân chúng bất bình. 

Không xót lòng sao được, khi người dân Đắk Lắk, Đắk Nông hàng ngày phải dùng các nguồn nước chưa qua kiểm định chất lượng, ẩn chứa nguy cơ ngộ độc ngay bên cạnh những công trình nước sạch, mà Trung ương đã đầu tư cho Tây Nguyên hàng trăm tỷ đồng, nay đang sắp bị cân ký bán theo giá sắt vụn?

Không xót lòng sao, khi đơn thư kêu cứu sắp chết ngộp vì ô nhiễm môi trường của những hộ dân sống cạnh nhà máy xử lý rác được đầu tư tới 117 tỷ đồng ở thị xã An Khê tỉnh Gia Lai, hơn 6 năm kể từ khi nhà máy khánh thành tới nay, vẫn nằm im vì hỏng nặng? 

Số nhà máy, số công trình xây dựng, số thiết bị đầu tư bằng tiền ngân sách, tiền tài trợ, tiền vay nước ngoài mua về rồi chất đống không hoạt động được ở Tây Nguyên tới nay thuộc nhiều lĩnh vực, điển hình là công nghiệp, xây dựng, môi trường, y tế. Chưa có một cuộc điều tra nào làm rõ tổn thất ngân sách ở những góc khuất này, nhưng chắc hẳn không dưới  con số nghìn tỷ.

Ngay ở phần việc xóa đói giảm nghèo, nhiều dự án tái định cư đã thất bại hoặc nhùng nhằng kéo dài, cũng gây thất thoát công sản không chỉ những khối tiền lớn. Điển hình, như khu tái định cư cho đồng bào Mông di cư tự do ở thôn Giang Đông huyện Krông Năng (Đắk Lắk) gồm 74 căn nhà đã xây, mấy chục hecta đất đã cấp.

Nhưng đồng bào không ở đó mà kéo về làng cũ, vì nơi chính quyền gom họ về quá khô cằn, họ không canh tác được. Bỏ lại trong những căn nhà cũ nát tới hơn 100 trẻ nhỏ phải tự chăm nhau đi học, nhìn mà xót lòng... 

Trao đổi với lãnh đạo nhiều cơ quan liên quan, đọc rất nhiều tài liệu họ cung cấp để hiểu vì sao những hiện tượng vô lý và lãng phí công sản nghiêm trọng này đã, đang và vẫn tiếp tục xảy ra trên Tây Nguyên. Có rất nhiều lý do chủ quan, khách quan dễ dàng được liệt kê, lý giải.

Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản nhất hầu như không được chỉ thẳng, chính là do sự yếu kém của đội ngũ cán bộ, kể cả những người có thẩm quyền phê duyệt các khoản mua sắm, xây dựng, đầu tư. Nếu không yếu về đạo đức, thì cũng yếu về năng lực, chuyên môn, thậm chí vô trách nhiệm với dân, với tài sản của Nhà nước.  

Nếu không có giải pháp ngăn chặn và nghiêm minh xử lý thì thực trạng lãng phí công sản trên Tây Nguyên tới bao giờ mới chấm dứt ?            

MỚI - NÓNG