Đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng; thượng tôn hiến pháp, pháp luật
Cơ quan chức năng đang khẩn trương xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Giáo sư có thể cho biết những nội dung cốt lõi của Đề án này?
Xây dựng Nhà nước pháp quyền là sự nghiệp to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Mục tiêu này đã được Đảng nêu trong các cương lĩnh, các văn kiện chính trị đặc biệt, Nhà nước thể hiện trong quốc hiệu “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” với nội hàm rất thiêng liêng. Tuy nhiên, sẽ không thể có một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh nếu xã hội không vận hành dựa trên nền pháp quyền mà Nhà nước là thiết chế trung tâm có nhiệm vụ thực hiện. Nhà nước pháp quyền XHCN là phương thức tổ chức và thực thi quyền lực nhà nước mà Đảng ta hiện nay đang hướng tới bằng việc triển khai Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Chủ tịch nước chủ trì phiên họp Đề án xây dựng Nhà nước Pháp quyền Ảnh: PV |
Vì vậy, việc xác định những vấn đề cốt lõi, cơ bản nhất của Đề án này phải gắn với những đặc thù của nền chính trị nhất nguyên ở nước ta, với đặc thù của hệ thống chính trị gắn với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa.
Đề án đang tìm cách xác định những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN dựa trên những giá trị phổ quát của nhân loại và vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam với tư cách là chính đảng duy nhất và chính đảng cầm quyền. Những đặc trưng cụ thể của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và nội hàm của nó sẽ được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng sắp tới xác định bằng việc thông qua Đề án xây dựng Nhà nước pháp quyền. Qua các hội thảo do Ban Chỉ đạo Đề án tổ chức có thể thấy nổi bật bật những vấn đề như chủ quyền nhân dân; thượng tôn Hiến pháp, pháp luật cả trong xây dựng và thi hành; thúc đẩy quyền con người; đảm bảo sự độc lập của tòa án; đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng.
Tại các buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án luôn nhấn mạnh đến vấn đề hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước và đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì sao phải đặt ra yêu cầu cao hơn trong kiểm soát quyền lực, thưa Giáo sư?
Kiểm soát quyền lực là một trong số các thành tố quan trọng nhất của phương thức tổ chức và thi hành quyền lực được định danh là Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Yếu tố này đặc biệt có ý nghĩa đột phá đối với sự phát triển đất nước, của hệ thống chính trị vì những lý do sau:
Thứ nhất, tình trạng lạm dụng quyền lực, đặc biệt là lạm dụng quyền lực phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đang rất nghiêm trọng. Tôi đã phân tích và cảnh báo điều này trong bài viết “Không thể mài quyền lực để tư lợi” trên báo Tiền Phong nhiều năm trước. Các vụ đại án trong những năm qua và mới đây là Việt Á, Cục Lãnh sự, AIC... là những bằng chứng cho mức độ nghiêm trọng này.
Thứ hai, hệ thống cơ quan nhà nước của chúng ta chưa được tổ chức với sự quán triệt sâu sắc nguyên tắc kiểm soát quyền lực. Do nhiều nguyên nhân lịch sử, chính trị và phần nào là truyền thống nên bộ máy nhà nước trước đây được tổ chức theo hướng phân công, phối hợp, chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn là mang tính giải trình, kiểm soát và kiềm chế giữa các nhánh quyền lực. Ví dụ, trong việc hoạt động thực thi công lý, vai trò giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án có những vấn đề cần giải quyết. Thí dụ, trong lĩnh vực hành pháp, chúng ta rất dễ nhận ra những sự điểm nghẽn của kiểm soát quyền lực khi tòa án khó xét xử công chức nhà nước, lãnh đạo cơ quan nhà nước vi phạm pháp luật hành chính.
Thứ ba, kiểm soát quyền lực với tư cách là yêu cầu cơ bản của thực thi quyền lực nhà nước mới được hiến định trong Hiến pháp 2013. Để đạt được kiểm soát quyền lực theo các yêu cầu của Hiến pháp 2013 thì cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính trị, đặc biệt là bộ máy nhà nước với sự quán triệt cao độ nguyên tắc kiểm soát quyền lực.
Thứ tư, không ít những người đứng đầu các cơ quan chức năng, các tổ chức đảng nhận thức chưa đầy đủ, chưa hoàn toàn đúng về vai trò lãnh đạo của Đảng nên đã đẩy yêu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước sang một bên khi thực thi quyền lực nhà nước. Minh chứng là nhiều bí thư tỉnh ủy dính vào các vụ đại án, nhất là đại án trong lĩnh vực đất đai và quản lý tài sản công. Dĩ nhiên là có nhiều lý do khác nữa.
Không để quyền lực bị lạm dụng, thao túng
Muốn kiểm soát tốt quyền lực nhà nước, theo Giáo sư, cần phải có các điều kiện, giải pháp gì đủ mạnh?
Rất nhiều điều kiện cần và đủ để kiểm soát quyền lực hay nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Nhốt quyền lực để nó không bị lạm dụng, bị thao túng. Kiểm soát quyền lực được đảm bảo bằng các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp với việc phân công quyền lực rõ ràng, rành mạch và không chịu sự lệ thuộc lẫn nhau ngoài khuôn khổ luật định. Để kiểm soát được quyền lực, hệ thống chính trị của đất nước cần xây dựng và hoàn thiện nhiều giải pháp khác nhau. Tùy theo cách đánh giá của mỗi người song với tôi các yếu tố này có thể cần được coi là đột phá:
Thứ nhất, cần hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng. Đảng cần thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của mình đối với bộ máy nhà nước (trung tâm của hệ thống chính trị) phù hợp hoàn toàn với Cương lĩnh 1991 (bổ sung và phát triển). Đảng lãnh đạo bộ máy nhà nước thực hiện bằng được chủ trương, đường lối của mình đã được luật hóa. Có những vấn đề nào đó chưa được luật hóa thì cần lãnh đạo để thể chế hóa thành luật. Đảng không nên ban hành các qui định điều chỉnh các quan hệ xã hội song song với các văn bản pháp luật của Nhà nước. Thực tế này đang hiện hữu và đang làm cho nhiều công chức lãnh đạo trong bộ máy nhà nước nhận thức sai về ranh giới giữa giữ quyền lực nhà nước và vai trò lãnh đạo của Đảng. Không ít các tổ chức Đảng ban hành các văn bản để quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước.
Thứ hai, cần đảm bảo cho hệ thống tòa án độc lập, hay nói cách khác đảm bảo độc lập tư pháp. Độc lập tư pháp được xác định trong Cương lĩnh và hiến định trong Hiến pháp 2013. Những qui định trong Hiến pháp 2013 về bản chất qui định rất rõ độc lập tư pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các bài viết của mình, trong các hành động của mình đặc biệt chú trọng đến độc lập tư pháp. Hiến pháp 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì soạn thảo đã khẳng định độc lập tư pháp.
Thứ ba, độc lập tư pháp không hề ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Chủ trương, chính sách của Đảng là linh hồn pháp luật nên Đảng cần hệ thống tư pháp luôn bảo vệ sự thượng tôn của Hiến pháp, pháp luật, chống lại những lạm dụng, thao túng quyền lực, chỉ tuân theo pháp luật mà không phải chịu sự can thiệp của bất cứ cá nhân, tổ chức nào.
Một hệ thống tư pháp độc lập như vậy giúp Đảng chuyển hóa “linh hồn chính sách” vào thực tiễn cuộc sống một cách đầy đủ, hiệu lực và hiệu quả thì làm sao gây tổn hại cho vai trò lãnh đạo của Đảng. Ngược lại, một hệ thống tư pháp luôn phụ thuộc và quyền lực hành pháp, không triệu tập nổi chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, bộ trưởng đến phiên tòa xét xử các hành vi hành chính, văn bản hành chính sai pháp luật mới gây tổn hại đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Các cán bộ lãnh đạo là đảng viên không tuân theo pháp luật, coi thường tòa án thì niềm tin của người dân vào công lý sẽ ra sao? Dĩ nhiên, niềm tin của Nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng sẽ bị tổn hại. Một tòa án gồm những thẩm phán luôn sợ không được tái bổ nhiệm, không được thăng chức, không được khen thưởng vì lo khi bản án của mình bị kháng cáo, kháng nghị, bị hủy nên tìm cách làm đúng chỉ đạo của tòa cấp trên, của các cơ quan có tiếng nói trong việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm liệu có phải là hệ thống tư pháp mà Đảng cần?
Thứ tư, độc lập tư pháp không phải là “tam quyền phân lập”. Không có quốc gia nào trên thế giới có sự sự phân lập, đối lập tuyệt đối giữa hành pháp, tư pháp và lập pháp. Ngay cả ở Hoa Kỳ, hình mẫu điển hình nhất của nguyên tắc “Phân chia, cân bằng và kiểm soát quyền lực” thì cũng không có sự phân lập, độc lập tuyệt đối như vậy. Hiến pháp nước nào cũng khẳng định quyền lực nhà nước là thống nhất và thuộc về Nhân dân.
Cũng cần khẳng định rằng bất cứ quốc gia nào cũng coi độc lập tư pháp là nguyên tắc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước. Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay thì độc lập tư pháp tuyệt đối không gây tổn hại đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Nguyên tắc độc lập tư pháp vẫn tồn tại trong các bản Hiến pháp, trong đời sống chính trị của đất nước từ năm 1946 đến nay dù mức độ độc lập của thẩm phán, cách tiếp cận việc đảm bảo cho thẩm phán, tòa án có sự khác nhau, có sự thăng trầm. Chưa bao giờ độc lập xét xử (độc lập tư pháp) gây tổn hại đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Vấn đề là nội hàm của phạm trù chứ không phải tên gọi của phạm trù.
Vậy Nhân dân có vai trò như thế nào trong kiểm soát quyền lực nhà nước, thưa Giáo sư?
Hiến pháp 2013 cũng như tất cả các bản Hiến pháp trước đây của nước ta đều khẳng định chủ quyền Nhân dân là nguyên tắc bất biến. Nguyên tắc này tự nó đã nói lên vai trò của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Nhân dân trao quyền lực cho Nhà nước nhưng không phải tự tước hết chủ quyền của mình. Hiểu đúng bản chất của “Quyền lực thuộc về Nhân dân” là phải hiểu Nhân dân có quyền kiểm soát quyền lực mà mình đã giao cho Nhà nước hay bất cứ thiết chế xã hội nào. Tương tự như trong mọi sự ủy quyền, người ủy quyền hoàn toàn kiểm soát hoạt động của người được ủy quyền thông qua việc xác định rõ giới hạn hoạt động của người được ủy quyền, thay thế người ủy quyền nếu như vi phạm giới hạn đó. Nhân dân cũng có quyền như vậy đối với Nhà nước.
“Một hệ thống tư pháp luôn phụ thuộc và quyền lực hành pháp không triệu tập nổi chủ tịch tỉnh, chủ tịch huyện, bộ trưởng đến phiên tòa xét xử các hành vi hành chính, văn bản hành chính sai pháp luật mới gây tổn hại đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Các cán bộ lãnh đạo là đảng viên không tuân theo pháp luật, coi thường tòa án thì niềm tin của người dân vào công lý sẽ ra sao?”
Giáo sư Lê Hồng Hạnh
Tuy nhiên, Nhân dân kiểm soát quyền lực là một thực tiễn không hề đơn giản. Nếu không có những thiết chế, điều kiện đảm bảo thì Nhân dân không thể kiểm soát quyền lực. Lúc đó, nhà nước sẽ trở thành một thiết chế đứng trên đầu Nhân dân, áp bức Nhân dân. Lịch sử thế giới đương đại không thiếu những ví dụ cho tình trạng này. Để tránh điều này xảy ra ở đất nước chúng ta, cần có những đảm bảo, điều kiện luật định cần thiết cho Nhân dân kiểm soát việc thực thi quyền lực trong các cơ quan nhà nước.
Sẽ không có quyền lực nào đứng ngoài “lồng cơ chế”, và cũng không có quyền lực nào có thể vượt ra ngoài việc kiểm tra, giám sát như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nếu không phát huy được vai trò chủ động, tích cực của Nhân dân trong kiểm soát quyền lực.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!