Nhộm nhoạm bài báo quốc tế: 'Ăn' tiền 3 đầu

0:00 / 0:00
0:00
Đâu là đạo đức trong nghiên cứu khoa học?
Đâu là đạo đức trong nghiên cứu khoa học?
TP - Giáo sư, tiến sĩ thuộc cơ hữu một trường đại học (ĐH) hay viện nghiên cứu nhưng lại đứng tên ở một trường ĐH khác để đăng bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế.

Từ danh sách top 100.000 nhà khoa học có trích dẫn hàng đầu thế giới vừa được công bố trên tạp chí PLoS Biology của Mỹ, TS Doãn Minh Đăng (đang làm việc tại Đức) khảo sát về một số tác giả Việt Nam. Theo ông Đăng, có một số nhà khoa học Việt Nam trong danh sách này đứng tên bài báo khoa học không phải tại trường ĐH hay viện nghiên cứu chủ quản.

GS.TS H.N.L là trưởng nhóm nghiên cứu về vật lý lý thuyết ở Viện Hàn lâm KHCN (VAST), cũng là thành viên hội đồng khoa học ngành vật lý của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) ở nhiệm kỳ đầu tiên (từ 2009).

Theo nghiên cứu của TS Đăng, đề tài Nafosted gần nhất do GS H.N.L chủ nhiệm có mã số 103.01-2017.356, cơ quan chủ trì Viện Vật lý thuộc VAST, thời gian thực hiện 2018-2020. Có nhiều bài báo khoa học từ đề tài này được GS H.N.L đăng trên các tạp chí có chất lượng cao, nhưng vị giáo sư này chỉ ghi tên ĐH Tôn Đức Thắng và ghi cảm ơn đề tài Nafosted, không nhắc đến VAST.

PGS V.V.V là giảng viên Trường ĐH Tây Nguyên, chủ nhiệm đề tài Nafosted mã số 103.01-2017.341, cơ quan chủ trì là Trường ĐH Tây Nguyên, thời gian thực hiện 2018-2020. Theo TS Đăng, có những bài báo PGS V đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng và những bài báo đứng tên Trường ĐH Duy Tân đồng thời với Trường ĐH Tây Nguyên (khác biệt một cách có hệ thống với kiểu chỉ đứng tên duy nhất ĐH Tôn Đức Thắng).

TS D.V.T (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) có đề tài được Nafosted tài trợ, mã số 101.01-2019.320, cơ quan chủ trì Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, thời gian thực hiện 2020-2022. Theo thống kê chưa đầy đủ, TS D.V.T có 7 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế đứng tên Trường ĐH Tôn Đức Thắng và 1 bài đứng tên Trường ĐH Duy Tân từ đề tài nghiên cứu này.

Đề tài Nafosted có mã số 502.01-2019.05, cơ quan chủ trì Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, chủ nhiệm đề tài TS N.K.D, thời gian thực hiện 2019-2021. Qua tra cứu dữ liệu ở Scopus, tìm được 2 bài báo của đề tài này; với cả 2 bài báo này, TS N.K.D đều đứng tên ĐH Duy Tân. TS N.D.T , Viện trưởng VEPR (TS N.D.T rời khỏi VEPR năm 2020), cùng có mặt trong bài báo.

TS Đăng cho rằng, có những nhà khoa học được nhận tiền ở 3 đầu: lương từ trường chủ quản, kinh phí từ Quỹ Nafosted và trường ĐH được xướng tên trong bài báo khoa học. Theo ông, hiện tượng này “có thể lan tràn thêm, làm nhiều người trẻ cảm thấy điều đó không bất thường, hoặc tệ hơn là vô tư làm theo và nghĩ là mình dám làm dám chịu, chẳng ảnh hưởng đến ai”. Ông cũng cho rằng, cơ quan mà nhà nghiên cứu làm việc chính thức chắc chắn có thiệt hại (không có tên trong bài báo và vẫn phải chịu trách nhiệm với quỹ tài trợ, có thể còn phải trả lương cho nhân lực lấy giờ làm việc của mình để tạo ra sản phẩm cho đơn vị khác).

Các trường chủ quản nói gì?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, sau khi nhận được thông tin, Khoa trực tiếp quản lý TS D.V.T đã có lưu ý, nhắc nhở đối với vị tiến sĩ này. Lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định, Luật Giáo dục ĐH, Luật Viên chức, Luật Công chức không có quy định về vấn đề này, nên trường không có chế tài để xử lý. Nhưng lãnh đạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng khẳng định, thời gian tới sẽ có những quy định chặt chẽ hơn trong hợp đồng lao động đối với giảng viên của trường.

PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay, trường quy định, với giảng viên cơ hữu, khi thực hiện đề tài nghiên cứu thì tất cả tài sản, giá trị liên quan đến đề tài đều thuộc quyền sở hữu của trường.

Giảng viên không được phép đứng tên ở trường khác liên quan đến đề tài đó. Với các cộng tác viên, khi họ đã hoàn thành nghĩa vụ liên quan đến đề tài nhưng trong quá trình nghiên cứu thấy có nhiều vấn đề khác có thể khai thác thì có quyền đứng tên ở các trường ĐH khác.

PGS Lê lấy ví dụ, khi thực hiện đề tài về cải cách giáo dục sẽ có nhiều nội dung như cải cách giáo dục truyền thống, cải cách giáo dục xanh, cải cách giáo dục gắn với cuộc cách mạng 4.0 nhưng Quỹ Nafosted chỉ yêu cầu nội dung cải cách giáo dục gắn với cuộc cách mạng 4.0 thì lúc đó, với các nội dung còn lại, cộng tác viên thực hiện đề tài có thể khai thác để đăng bài đứng tên ở trường ĐH khác.

Về đề tài của VEPR được nhắc tên ở trên, trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, người được giao phụ trách VEPR, khẳng định, đề tài đã được thực hiện theo đúng các quy định quản lý khoa học của các cơ quan liên quan. Đề tài cũng đã được Quỹ Nafosted nghiệm thu chuyên môn và thanh quyết toán.

TS Doãn Minh Đăng nói rằng, hầu hết các vị trí giáo sư ở trường ĐH công lập bên Đức là công việc rất tốt, là công chức nhà nước với nhiều quyền lợi, lương dư dả để nuôi gia đình, không lo bị mất việc, được xã hội trọng vọng. Do vậy, để giữ quyền lợi, nói chung các giáo sư sẽ tuân thủ các quy định gắt gao đối với công chức nhà nước (ví dụ không được nhận quà nghi ngờ là hối lộ, quà có giá trị cao hơn 30 Euro thì phải báo cáo cơ quan xem có được nhận không). Ngoài ra, vì đã an tâm về công việc và tài chính nên họ sẽ không vụ lợi. “Những người chưa lên được vị trí giáo sư thì càng cần giữ gìn uy tín để còn có đường phấn đấu lên tiếp”, ông nói.

MỚI - NÓNG