Nhóm Bộ Tứ lần đầu cùng tập trận

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và tàu khu trục JS Fuyuzuki của Nhật Bản đi cùng tàu hậu cần INS Shakti của Ấn Độ trong tập trận Malabar 2015 Ảnh: CNN
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và tàu khu trục JS Fuyuzuki của Nhật Bản đi cùng tàu hậu cần INS Shakti của Ấn Độ trong tập trận Malabar 2015 Ảnh: CNN
TP - Úc sẽ cùng Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar vào tháng tới ở Ấn Độ Dương, một động thái được cho là nhằm tăng cường mối quan hệ quân sự giữa bốn quốc gia trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc gia tăng.

Được tiến hành hàng năm kể từ năm 1992, các cuộc diễn tập đã phát triển về quy mô và mức độ phức tạp trong những năm gần đây nhằm giải quyết điều mà hải quân Mỹ trước đây đã mô tả là "mối đe dọa chung đối với an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương."

Sự tham gia của Úc đồng nghĩa với việc cả bốn thành viên nhóm Bộ Tứ sẽ cùng tập trận lần đầu tiên kể từ năm 2007.

Đối thoại An ninh bốn bên, hay Bộ Tứ, là một diễn đàn chiến lược không chính thức với sự tham gia của Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Các hoạt động chính bao gồm các hội nghị thượng đỉnh bán thường kỳ và trao đổi thông tin giữa bốn quốc gia.

Mặc dù không phải là một liên minh quân sự chính thức như NATO, nhưng diễn đàn được một số người coi là đối trọng tiềm năng đối với ảnh hưởng ngày càng tăng và các động thái gây hấn của Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh tố cáo đây là một khối chống Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Úc và Ấn Độ đã thông báo về việc mở rộng các cuộc tập trận vốn đã được đồn đoán từ lâu vào cuối ngày thứ Hai, theo CNN.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds nói các cuộc tập trận ở Malabar (tên một vùng bờ biển ở tây nam Ấn Độ-PV) là chìa khóa để nâng cao năng lực hàng hải của Úc, đồng thời thể hiện "sự tin tưởng sâu sắc giữa bốn nền dân chủ lớn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương và ý chí chung của họ để cùng nhau thực hiện các lợi ích an ninh chung".

Sự tham gia trước đó của Úc trong các cuộc tập trận năm 2007 đã làm dấy lên phản đối ngoại giao từ Trung Quốc. Quan hệ giữa Trung Quốc và Úc đã trở nên xấu đi, và hai nước đang vướng vào một loạt tranh chấp thương mại kéo dài.

Các thành viên khác của Bộ Tứ cũng đã chứng kiến sự căng thẳng với Bắc Kinh tăng đột biến trong những tháng gần đây. Quân đội Ấn Độ và Trung Quốc đã đụng độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC)- biên giới trên thực tế giữa hai nước trên dãy Himalaya - hồi tháng Sáu.

Nhật Bản và Trung Quốc vẫn có mâu thuẫn về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và Bắc Kinh đã tăng cường sự hiện diện của các tàu tuần duyên gần khu vực này trong thời gian gần đây.

Trong khi đó, Mỹ đã tăng cường nhịp độ của các nhiệm vụ hải quân và không quân ở biển Đông, đồng thời phản bác các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với vùng đường thủy quan trọng này.

Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Ấn Độ nói bốn bên tham gia "cùng nhau ủng hộ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, cởi mở và bao trùm, đồng thời cam kết tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Các cuộc tập trận sẽ bắt đầu vào tháng 11 tại Vịnh Bengal và Biển Ả Rập, Ấn Độ cho biết.

Malabar bắt đầu ở dạng một cuộc tập trận song phương giữa Ấn Độ và Mỹ. Nhật Bản trở thành thành viên lâu dài của Malabar vào năm 2015.

Các cuộc tập trận trước đó đã diễn ra ở Ấn Độ Dương hay ngoài khơi Nhật Bản cách đây một năm, và xung quanh đảo Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương và trên biển Đông, khu vực gần Philippines vào năm 2018.

Các cuộc tập trận năm 2017 ở Ấn Độ Dương có sự tham gia của hàng không mẫu hạm Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản, được coi là cuộc tập trận hải quân lớn nhất trong khu vực trong hai thập kỷ.

Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds cho biết các cuộc tập trận ở Malabar là cơ hội quan trọng đối với Lực lượng Quốc phòng Úc và chúng thể hiện “sự tin tưởng sâu sắc giữa bốn nền dân chủ lớn ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và ý chí chung của họ để cùng nhau thực hiện các lợi ích an ninh chung”, theo Reuters. Trung Quốc chưa bình luận gì về tập trận Malabar lần này.

 Mối quan hệ ngoại giao giữa Úc và Trung Quốc cũng trở nên tồi tệ trong năm nay, sau khi Canberra dẫn đầu các cuộc gọi yêu cầu điều tra quốc tế về đại dịch coronavirus và Bắc Kinh áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đối với thịt bò và lúa mạch của Úc.

MỚI - NÓNG