> Thầy giáo mù lập mái ấm cho trẻ khuyết tật
> Cô giáo trẻ giữa những tù nhân
Câu chuyện như sau: Trường cấp II-III Đăng Hà có 84 cán bộ giáo viên, là một trường vùng cao nên các giáo viên của trường được hưởng phụ cấp theo nghị định 116/2010 của Chính phủ.
Nhờ đó, thu nhập hằng tháng của các thầy cô được tăng gần gấp đôi, cuộc sống vì thế cũng bớt khó khăn hơn. Đột nhiên từ tháng 3-2012, tỉnh ngưng cấp khoản này cho trường mà không nêu lý do.
Trong khi đó, kế toán và hiệu trưởng của trường vì không nắm rõ quy định nên vẫn tiếp tục tính phụ cấp 116 cho các giáo viên từ quỹ lương của trường.
Tới tháng 9-2012, khi quỹ lương cạn kiệt, không còn tiền trả lương cho giáo viên thì những người liên quan mới vỡ lẽ. Phản ứng của những người có trách nhiệm lúc này là... đổ lỗi và xử ép các giáo viên.
Ông Bùi Anh Tuấn - hiệu trưởng Trường cấp II-III Đăng Hà - một mực cho rằng lỗi này là “do kế toán tính sai” và “năng lực kém”.
Còn lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Phước cho rằng lỗi này là do phía trường thực hiện. Cả hiệu trưởng và lãnh đạo sở đều quên mất chính họ là người đã thẩm định và ký vào các giấy tờ do cấp dưới chuyển lên.
Nhưng điều các thầy cô giáo Trường Đăng Hà quan tâm không hẳn là trách nhiệm thuộc về ai mà là cách giải quyết như thế nào khi đã bốn tháng (từ tháng 10-2012 tới nay) họ không nhận được đồng lương nào, cuộc sống mỗi ngày thêm khó khăn trong khi tết đã cận kề.
Thầy P.V.N. - giáo viên tổ sử địa - cùng thầy T., thầy K... từ hơn một tháng nay phải tới các cửa hàng vật liệu xây dựng tại xã Phước Cát (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng - cách Trường Đăng Hà khoảng 2km) xúc đá, vác ximăng để kiếm tiền trang trải thêm cuộc sống.
Cô N.T.D. (thư viện) là người duy nhất có thu nhập ổn định trong gia đình (chồng làm ruộng, hai con trai và con dâu còn đi học) nên khi cô D. bị cắt lương, con trai lớn của cô D. phải bàn với mẹ cầm cố chiếc xe máy trong nhà.
Còn vợ chồng thầy T. (tổ thể dục - năng khiếu) chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ sinh em bé nên thầy T. muốn ứa nước mắt khi nói với chúng tôi “không biết kiếm đâu ra một khoản tiền cho vợ sinh đẻ!”. Đó cũng là câu hỏi của bốn thầy cô khác trong trường vừa mới sinh em bé.
Công đoàn trường cho biết có tới 20 giáo viên vay ngân hàng, trung bình 40 triệu đồng/người và phải trả góp hằng tháng nên khi không có lương, nhiều thầy cô phải vay ngoài với lãi suất 3%, thậm chí 4-5%/tháng trả cho ngân hàng. Để trang trải bữa ăn hằng ngày, nhiều thầy cô phải tới chợ Phước Cát mua thiếu mớ rau, con cá...
Cuộc sống của giáo viên khó khăn là vậy nhưng cách giải quyết của hiệu trưởng trường và Sở GD-ĐT Bình Phước yêu cầu các thầy cô phải nộp lại toàn bộ phụ cấp 116 đã nhận (từ tháng 3 đến tháng 9-2012), đồng thời phải ký khống vào danh sách đã nhận lương tháng 10, 11, 12-2012 (dù thực tế các thầy cô chưa được nhận).
Ông hiệu trưởng cũng nghĩ ra “sáng kiến” truy thu 50% tiền lương mỗi tháng khi giáo viên không có tiền để nộp lại. Nếu không đồng ý với cách giải quyết của hiệu trưởng và sở, các giáo viên sẽ không được nhận lương mới.
Tại thời điểm chúng tôi viết bài này, dù ngân sách đã cấp lương tháng 1-2013 cho Trường Đăng Hà nhưng nhà trường nhất quyết không cấp cho các giáo viên.
Theo Bá Sơn – Bùi Liêm
Tuổi Trẻ