'Nhồi' cao ốc vào trung tâm Ba Đình: Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nói phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc phá dỡ công trình 100 tuổi từ đầu thế kỷ 20 tại số 61 Trần Phú để xây dựng công trình đa chức năng được cho là phù hợp quy hoạch; quy mô công trình tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng?

Liên quan đến công trình số 61 Trần Phú, vốn là nhà máy cũ được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20, đang bị phá dỡ để xây dựng dự án gồm 11 tầng nổi và 6 tầng hầm, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, khu đất có công trình 2 tầng là trụ sở cũ của Công ty CP Thiết bị bưu điện (Postef), công trình không nằm trong "Danh mục công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa" theo Nghị quyết 24/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố.

Thực hiện định hướng Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình tỷ lệ 1/2000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với quy mô và tính chất đặc thù của dự án, chủ đầu tư đã tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế, thành lập hội đồng tuyển chọn với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành để lựa chọn được phương án thiết kế tối ưu, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện và triển khai các thủ tục liên quan.

Ngày 25/1/2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc cho dự án này.

'Nhồi' cao ốc vào trung tâm Ba Đình: Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội nói phù hợp ảnh 1

Một phần khu 61 Trần Phú đã bị dỡ phần mái

Cụ thể, lô đất có chức năng là tổ hợp thương mại dịch vụ, khách sạn cao cấp. Diện tích lô đất nghiên cứu khoảng 9.078m2, trong đó đất thuộc phạm vi mở đường quy hoạch khoảng 1.555m2, diện tích đất lập dự án khoảng 7.523m2.

Trong đó, diện tích xây dựng công trình khoảng 3.757m2, mật độ xây dựng 50%, công trình có chiều cao 11 tầng và 6 tầng hầm. Phân bổ sàn cho thương mại, văn phòng và dịch vụ hỗn hợp là 33.863m2, diện tích sàn khách sạn khoảng 19.000m2, diện tích sàn tầng hầm để xe khoảng 14.674m2...

Phần tầng hầm 1, 2, 3 của công trình được bố trí chức năng văn phòng, dịch vụ, nhà hàng... Tầng hầm 4, 5 là chỗ đỗ xe và các khu kỹ thuật; tầng hầm 6 bố trí chức năng kỹ thuật. Đối với phần nổi của công trình, từ tầng 1 - 4 được bố trí chức năng văn phòng; tầng 5-11 là khu vực khách sạn cao cấp. Tổng chiều cao công trình khoảng 42,9m (tỉnh từ cao độ vỉa hè đến đỉnh tum thang).

Đáng chú ý, Sở Quy hoạch - Kiến trúc yêu cầu Postef có trách nhiệm chủ động phối hợp với UBND quận Ba Đình để thực hiện niêm yết công khai bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc công trình tại vị trí dự án và trụ sở chính quyền địa phương làm cơ sở quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị theo quy định.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, việc di dời Postef tại số 61 Trần Phú ra khỏi trung tâm để xây dựng công trình đa chức năng với các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nêu trên là phù hợp định hướng Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình được Thủ tướng phê duyệt. Quy mô công trình tương đồng với công trình Nhà làm việc Quốc hội đã xây dựng tại khu đất đối diện (cao 11 tầng/44,6m) để không làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc cảnh quan của Khu trung tâm chính trị Ba Đình.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định, nhìn bản vẽ công trình có thể ví von dự án như "quái vật kiến trúc" giữa trung tâm chính trị của Thủ đô. Đây có thể là một 8B Lê Trực thứ hai với quy mô lớn hơn nhiều vì công trình 8B Lê Trực chỉ có 1 mặt phố, còn ở đây có đến 4 mặt.

Theo KTS Tùng, quy hoạch khu vực nội đô lịch sử đã không cho phép xây dựng công trình chiều cao quá 9 tầng, đây lại là khu vực nhạy cảm cần đặc biệt suy nghĩ. "Tại sao không chỉ xây 7, 8 tầng, cùng với việc giữ gìn cải tạo dãy 4 dãy nhà 2 tầng để giữ gìn kiến trúc?", ông Tùng đặt câu hỏi.

Ông Tùng cũng bày tỏ lo ngại công trình mang tên khách sạn cao cấp như những khu đất trước đây, cứ nhà máy di dời lại thay vào đó là cao ốc mọc lên, chất tải lên hạ tầng giao thông vốn đã quá tải.

MỚI - NÓNG