Nhọc nhằn trả nợ trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khó khăn về dòng tiền khiến hàng loạt doanh nghiệp phải xin gia hạn trả lãi hoặc gốc cho khoản nợ từ phát hành trái phiếu, gặp gỡ trái chủ đàm phán phương án bán tài sản trả nợ. Tình trạng này được dự báo sẽ còn gia tăng, bởi năm 2023-2024 mới là giai đoạn đỉnh của đáo hạn.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina 2 vừa công bố nghị quyết lùi một năm đáo hạn lô trái phiếu gần 119 tỷ đồng. Lô trái phiếu này đã đến hạn thanh toán vào ngày 27/10/2022 nhưng Công ty Vina 2 xin khất đến 27/10. Ngoài nợ gốc, doanh nghiệp này cam kết chi trả phần lãi phát sinh, được tính bằng 150% lãi suất công bố.

Tương tự, Công ty CP Angimex cũng tổ chức gặp chủ sở hữu trái phiếu để thông báo kế hoạch bán tài sản, trả nợ cho khản vay từ phát hành trái phiếu. Công ty này đã mất khả năng thanh toán với 2 lô trái phiếu trị giá 650 tỷ đồng và dự kiến xử lý một số tài sản bảo đảm, tài sản không dùng, các kho đang dừng hoạt động… để trả nợ.

Công ty CP Lâu Đài Trắng công bố thông tin về chậm thanh toán lô trái phiếu vào ngày 5/1 và lùi sang 28/2. Lý do là thị trường không tích cực, chưa thu xếp được nguồn vốn theo kế hoạch.

Nhọc nhằn trả nợ trái phiếu ảnh 1

Tập đoàn Novaland đang tính bán bớt tài sản để trả nợ cho các trái chủ

Trong tháng 1/2023, hàng loạt doanh nghiệp cũng không thể trả nợ các lô trái phiếu đến kỳ đáo hạn, phải khất nợ với nhà đầu tư, lùi thời điểm thanh toán. Chẳng hạn, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai phải thanh toán khoản vay từ trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư vào ngày 30/12/2022 cả gốc và lãi hơn 180 tỷ đồng nhưng công ty không có tiền trả nợ.

Lãnh đạo Công ty Đức Long Gia Lai cho hay, nguyên nhân khiến công ty chậm thanh toán trái phiếu cho nhà đầu tư là tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, lãi suất tăng cao, tín dụng bị siết chặt.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023, trị giá trái phiếu bất động sản đáo hạn khoảng 119.000 tỷ đồng. Trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu là rất lớn, thì trái phiếu phát hành mới vẫn đóng băng, khi không có lô trái phiếu doanh nghiệp nào được phát hành trong 3 tuần đầu tháng 1/2023 để đảo nợ. Thêm vào đó, thị trường BĐS và các kênh huy động vốn khác như chứng khoán, tín dụng, huy động vốn từ người mua nhà… đều khó khăn khiến doanh nghiệp phát hành khó tìm nguồn vốn đảo nợ.

Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VNDirect cũng chỉ ra, năm 2023, bất động sản là nhóm ngành có lượng trái phiếu đáo hạn lớn nhất với gần 38% tổng trị giá trái phiếu đáo hạn. Trong năm 2023 Tập đoàn Novaland phải đáo hạn 14.476 tỷ đồng trị giá trái phiếu.

Đại diện Novaland cho biết, tập đoàn đang làm việc với các đơn vị tư vấn tài chính để tiến hành kế hoạch tái cơ cấu toàn diện, gồm đàm phán với chủ nợ và trái chủ để cơ cấu lại lịch trả nợ, tập trung phát triển các dự án trọng điểm, đồng thời cân nhắc khả năng thanh lý một số tài sản.

Công ty CP Chứng khoán VNDirect cảnh báo, trong bối cảnh chính sách tiền tệ thắt chặt, chi phí tài chính gia tăng và siết chặt phát hành trái phiếu, một số tổ chức phát hành có ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn nhằm tái cơ cấu tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ ngắn hạn. Rủi ro về khả năng thanh toán tập trung ở một số lĩnh vực tỷ lệ sử dụng đòn bẩy cao và hay biến động theo chu kỳ như lĩnh vực BĐS.

MỚI - NÓNG