Nhọc nhằn tăng gia trên cổng trời

Các chiến sỹ Tiểu đoàn 16 đang chăm sóc vườn tăng gia trên trận địa 137.
Các chiến sỹ Tiểu đoàn 16 đang chăm sóc vườn tăng gia trên trận địa 137.
TP - Trận địa phòng không Trung đoàn 335 (Sư đoàn 324) nằm ở độ cao 137m so với mực nước biển, thuộc địa phận huyện Anh Sơn, Nghệ An, cách Quốc lộ 7 chừng 5km, đường lên khúc khuỷu, độ dốc lớn, đất chủ yếu đá sỏi, không có mạch nước ngầm.

Khó khăn là vậy nhưng với công sức của cán bộ, chiến sỹ việc tăng gia, chăn nuôi luôn “xanh tốt” với phương châm “thực túc binh cường”.

Nhiệm vụ chính trị của Trung đoàn 335 là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) canh giữ vùng trời ở miền Tây xứ Nghệ. Cuộc sống sinh hoạt đầy khó khăn, nhất là nước sinh hoạt. Hàng ngày cán bộ, chiến sỹ phải xuống núi xin nước của dân gùi lên trận địa phục vụ ăn uống, tăng gia, chăn nuôi. Chúng tôi lên trận địa phòng không 137 khi ánh mặt trời vừa ló ngọn cây. Đi được lưng chừng dốc, áo đã ướt đẫm mồ hôi, nói không thành tiếng. Thượng uý Nguyễn Thế Cảnh, Đại đội trưởng Đại đội 16 phòng không đi bên nói nhỏ: “Hằng ngày mỗi cán bộ, chiến sỹ nơi đây phải lên xuống không dưới 10 lần để lấy nước từ nhà dân về ăn uống và phục vụ tăng gia, chăn nuôi, chưa kể thực hiện các nhiệm vụ khác”.

Từ xa chúng tôi nghe khẩu lệnh to rõ và tiếng loạt soạt thao tác binh khí. Tôi chợt nghĩ, anh em hàng ngày huấn luyện và trực SSCĐ nhiều khó khăn vất vả, khí hậu thời tiết khắc nghiệt lấy đâu thời gian để tăng gia, chăn nuôi. Thế nhưng, nơi ăn ở, học tập, huấn luyện và SSCĐ lại gọn gàng, sạch đẹp khó tin. Điều chúng tôi ấn tượng hơn cả là khu vườn tăng gia xanh mướt với đủ các loại: Rau cải, rau muống, rau dền, su hào, cà rốt, mồng tơi, hành lá, ớt cay, sả... Phía trên là giàn mướp, giàn bầu, bí, su su hoa vàng nở rộ đang thời kỳ ra trái. Đến khu chăn nuôi có lợn, gà, vịt, ngỗng…

Theo Đại đội trưởng Nguyễn Thế Cảnh, hàng ngày anh em chiến sĩ chia làm 3 bộ phận, một bộ phận canh trực SSCĐ, một bộ phận tăng gia sản xuất, bộ phận còn lại xuống núi đi gùi nước. Bình quân mỗi ngày một cán bộ, chiến sỹ phải gùi 5 can nước lên trận địa, mỗi can 20 lít mới tạm đủ cho ăn, uống và tăng gia, chăn nuôi. Còn tắm giặt, anh em thay nhau xuống nhờ nhà dân. Mùa mưa còn đỡ, về mùa hè phải đi hơn 3km mới xin được nước tắm giặt và đưa lên trận địa.

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Đang mông lung suy nghĩ, Trung úy Nguyễn Hoài Nam, Trung đội trưởng Trung đội 2, Đại đội 16 phòng không cho biết: “Chúng tôi hay nói vui với nhau để có 1 kg rau xanh, cán bộ, chiến sỹ nơi đây phải bỏ ra 1 lít mồ hôi. Nước ở đây quý như vàng. Anh em phải chắt chiu, chia từng giọt để sử dụng hàng ngày”.

“Quả thực trên này tăng gia, chăn nuôi vất vả lắm, phải thức khuya dậy sớm làm đất, bón phân, nhất là nguồn nước. Nhưng được sử dụng sản phẩm do bàn tay mình làm ra chúng tôi thấy hạnh phúc và đây thực sự là rau sạch, bảo đảm sức khỏe tốt” 

Binh nhất Nguyễn Đức Bình

Theo Trung úy Nam, sau khi lấy nước về đổ vào bể, nước sẽ được tái sử dụng qua hệ thống lọc làm nước uống cho động vật, giặt khăn lau vũ khí, vệ sinh chuồng trại. Nước bẩn cho chảy thẳng vào bồn để phục vụ tăng gia, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh. Xung quanh các luống rau đắp kè tránh mưa trôi đất màu, phía trên có mái che di động. Hàng tháng, hàng quý cán bộ chiến sĩ xây dựng kế hoạch tăng gia, chăn nuôi chọn các loại cây, con phù hợp thổ nhưỡng, chịu được hạn hán. Sau mỗi lần thu hoạch, anh em lại gánh đất từ ruộng về làm luống tạo độ dày và tăng chất mùn.

Binh nhất Nguyễn Đức Bình, chiến sỹ khẩu đội 1, Trung đội 2, Đại đội 16 sau ca trực đang nhổ cỏ, bắt sâu cho luống rau cải xanh tốt, tâm sự: “Quả thực trên này tăng gia, chăn nuôi vất vả lắm, phải thức khuya dậy sớm làm đất, bón phân, nhất là nguồn nước. Nhưng được sử dụng sản phẩm do bàn tay mình làm ra chúng tôi thấy hạnh phúc và đây thực sự là rau sạch, bảo đảm sức khỏe tốt. Qua thời gian công tác, tôi học được nhiều kinh nghiệm hay về kỹ thuật trồng rau trên đất cằn, khô hạn”.

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.