Nhớ Vọng Cảnh

Thượng nguồn sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh
Thượng nguồn sông Hương nhìn từ đồi Vọng Cảnh
TP - Tôi ở Huế, ngọn đồi danh thắng Vọng Cảnh không xa lạ, nhưng cứ mỗi lần nhắc chuyện nghề báo, ôn kỷ niệm viết lách, Vọng Cảnh lại luôn nằm trong nỗi nhớ.

Đầu tháng 5 vừa qua, HĐND tỉnh TT-Huế thông qua dự án chỉnh trang đồi Vọng Cảnh (phường Thủy Xuân, TP Huế) với trị giá đầu tư 13 tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 3, đích thân ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh có chuyến khảo sát ngọn đồi danh thắng này và chỉ đạo lập dự án khai thác, cải tạo và quản lý phù hợp, để đồi Vọng Cảnh trở thành điểm ngắm cảnh công cộng, phục vụ người dân và du khách.

Di sản Vọng Cảnh ngày nay được ứng xử đúng mực, khoan hòa, đầy sự tôn trọng, và là nơi được xác định dành cho cộng đồng là vậy. Tuy nhiên, cũng ngọn đồi danh thắng ấy, hơn 15 năm trước, nơi đây từng được tỉnh cấp phép dự án khu resort với tổng mức đầu tư 4,9 triệu USD, nguy cơ biến điểm tham quan công cộng thành sở hữu của một nhóm người. Dự án cấp phép cho giới đầu tư đến từ Hà Lan ngay lập tức bị phản đối kịch liệt...

Thời gian ấy, để phản đối xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, có hai người dân (một hưu trí ở Huế, một họa sĩ ở Hà Nội) mặc dù không liên quan trực tiếp dự án nhưng vẫn đâm đơn kiện chính quyền tỉnh TT-Huế ra tòa. Đây là chuyện hy hữu, chưa từng có tiền lệ liên quan đến một dự án đầu tư du lịch tại Huế…

Còn nhớ, hiếm có dự án nào tại Huế mà báo chí, nhân sĩ, trí thức, giới chức, người dân Huế, thậm chí có cả một số lãnh đạo sở, ngành địa phương cùng đồng lòng đeo đuổi và lên tiếng “can gián” dài hơi, liên tiếp nhiều tháng trời như khu nghỉ dưỡng Life Resort trên đồi Vọng Cảnh. Cùng với Tiền Phong Tuổi trẻ, Lao động, Văn hóa, Sài Gòn Giải phóng…, đã đeo bám đến cùng, giữ chắc quan điểm bảo vệ di sản văn hóa đồi Vọng Cảnh.

Nhớ Vọng Cảnh ảnh 1  

Hồi đó, sau khi chuyển đi từ báo tỉnh, tôi làm phóng viên thường trú tại Huế cho một tờ báo ngành. Với Tiền Phong, liên quan dự án Vọng Cảnh, tuy vừa mới tham gia cộng tác chưa lâu theo “đặt hàng” của anh Thanh Tùng - Trưởng ban Đại diện miền Trung, nhờ sự trợ giúp của các đồng nghiệp đàn anh, cùng với đó là các nhà nghiên cứu văn hóa, giới chức ở Huế, tôi thường xuyên có những bài viết chuyển tải những phân tích, ý kiến phản đối của dư luận, nhân sĩ trí thức… trước sự việc “động trời” xây khách sạn ở nơi được xem là “đất thiêng”, “địa linh, nhân kiệt” của di sản văn hóa Huế...

Tháng 11/2004, sau khi nghe tỉnh TT-Huế sẽ cho xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, nhà báo Thanh Tùng từ Đà Nẵng ra Huế thăm nhà dịp cuối tuần, tình cờ gặp tôi anh vội giao việc gấp, với nội dung lên thực địa ngay khu đồi, chụp ảnh, thu thập thông tin, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, cơ quan liên quan để phối hợp viết bài đầu tiên đề cập nguy cơ danh thắng Vọng Cảnh biến thành khu nghỉ dưỡng với nhiều hệ lụy.

Sau bài báo đánh động này, cùng những ý kiến phản đối của cơ quan chuyên môn (xây dựng, quy hoạch…) liên quan xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh, UBND tỉnh TT-Huế và đối tác Hà Lan vẫn quyết động thổ công trình dự án Life Resort vào đầu năm 2005.

Ngay lập tức, các nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Trần Đại Vinh, Bửu Ý, Hà Xuân Liêm, nhà giáo-võ sư Nguyễn Văn Dũng… lên tiếng phản đối mạnh mẽ bằng những lập luận, phân tích đầy thiện chí, trách nhiệm, tâm huyết và dựa trên các cơ sở khoa học, văn hóa, lịch sử. Phía lãnh đạo sở, ngành địa phương còn có các ông Nguyễn Việt Tiến, Nguyễn Xuân Hoa, Võ Quê…

Còn nhớ khi tiếp xúc với ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu này đã không kìm được, kêu lên “Từ suốt thế kỷ 20, ngay cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng không dám “sờ” vào đó. Đến hôm nay, việc xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh đã gây “xúc động” cho giới văn nghệ sĩ Huế…”.

Một hội thảo liên quan xây dựng công trình trên đồi Vọng Cảnh được UBND tỉnh TT-Huế tổ chức, với nhiều ý kiến tranh biện khác nhau, đan xen giữa đồng tình và phản đối. “Phe” đồng tình xây khách sạn trên đồi Vọng Cảnh cho rằng, nếu cứ ngại đụng chạm di sản văn hóa, Huế sẽ khó phát triển. Cùng với đó, không ít phóng viên, nhà báo cũng ra mặt “bênh” dự án trên đồi Vọng Cảnh.

Sau những tranh luận kéo dài, HĐND tỉnh đã tổ chức họp để lấy ý kiến về vấn đề Vọng Cảnh. Đến giữa năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, yêu cầu chính quyền tỉnh TT-Huế phải di chuyển khu Life Resort đến một địa điểm khác, tránh phá vỡ cảnh quan đồi Vọng Cảnh. Bộ Văn hoá Thông tin hồi đó cũng đề nghị tỉnh cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng dự án xây khu du lịch, đặc biệt là khách sạn cao tầng trên đồi Vọng Cảnh. Dự án này cần được phối hợp thẩm định toàn diện; đồng thời, yêu cầu báo chí “giám sát” dự án.

Ban thường vụ Tỉnh ủy TT-Huế sau đó cũng yêu cầu, việc triển khai dự án Life Resort phải thực hiện đúng trình tự thủ tục xây dựng cơ bản. Đến đây, tuy không xác nhận sẽ “chịu lùi” về vấn đề xây dựng resort trên đồi Vọng Cảnh, nhưng nhiều người bắt đầu ngầm hiểu, lãnh đạo tỉnh đã chịu lắng nghe dư luận, giới nghiên cứu, báo chí… và có dấu hiệu “buông” dự án. Tuy nhiên, sự việc chưa dừng lại ngay lúc đó dù có khuyến cáo từ các bộ ngành Trung ương, chỉ đạo chuyển vị trí từ Thủ tướng, mà còn kéo dài sang năm 2006… Sau đó, nhà đầu tư Life Resort rút lui trong im lặng.

Trong suốt diễn biến liên quan dự án Life Resort trên đồi Vọng Cảnh, đáng chú ý nhất là những đợt phản đối mạnh mẽ từ người dân, giới nghiên cứu, lãnh đạo sở ngành địa phương, báo Tiền Phong (trong đó có cộng tác viên là tôi) đã thường xuyên đồng hành với đồng nghiệp, theo sát và đi đến đích cuối cùng buộc những người có ý đồ xâm hại danh thắng chấm dứt dự án du lịch đầy tai tiếng này.

Cũng năm đó, loạt bài về đề tài phản đối dự án khách sạn trên đồi Vọng Cảnh xứ Huế đã mang về cho một đồng nghiệp báo Văn hóa giải thưởng cao tại Giải báo chí quốc gia. Với tôi, hàng chục tin, bài viết về Vọng Cảnh là những viên gạch đầu tiên đặt lên con đường bước vào mái nhà Tiền Phong thân yêu. Đó là một phần thưởng đáng nhớ. Thấm thoắt, mới đó mà đã 15 năm. 

Tiếp xúc với ông Nguyễn Đắc Xuân, nhà nghiên cứu này đã không kìm được, kêu lên “Từ suốt thế kỷ 20, ngay cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng không dám “sờ” vào đó. Đến hôm nay, việc xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh đã gây “xúc động” cho giới văn nghệ sĩ Huế…”.

MỚI - NÓNG