Nhớ thời đi viết báo bằng… xe tải

Tác giả trong những lần đi tác nghiệp
Tác giả trong những lần đi tác nghiệp
TP - Những năm cuối thế kỉ 20, Tiền Phong  là một ấn phẩm đặc biệt của lính. Báo ra tuần một số, chiều thứ 7 chiến sĩ liên lạc đi lấy báo về, vừa tới cổng doanh trại là bị “chặn đường trấn lột”. Bởi mỗi đại đội chỉ được một tờ, ông chính trị viên thường “biển thủ” mang về cho vợ con, nên anh em tranh nhau đọc trước. 

Tôi thích tất cả các mục của báo, nhưng chú ý hơn trang Văn hóa - Văn nghệ vì một chi tiết nhỏ nhưng cực kì ấn tượng là dưới mỗi sáng tác thường có tên và cả địa chỉ tác giả. Điều này cho tôi một nhận thức: báo Tiền Phong là của mọi người. 

Từ dòng địa chỉ mơ hồ…

Tôi đã mơ ước và toại nguyện khi lần đầu tiên xuất hiện trên trang Văn hóa - Văn nghệ báo Tiền Phong năm 1992 ở mục Câu lạc bộ với một bài… vè, nói về việc chọn chồng với hình thức toàn chữ C. Chọn chồng chỉ chọn chồng chăm/ Chớ chọn chồng chậm cùn chân cuốc cày/… Chọn chồng chớ chọn chồng chung/ Chiếu chăn chia chác cực cùng cháu con... Đây là một sự kiện “rúng động” đơn vị, bởi dưới cái tên Đỗ Tiến Thụy rành rành địa chỉ Hộp thư 4AH-40002 Kon Tum, một xác tín không thể chối cãi, đã… cải tổ cái nhìn của anh em sư đoàn với tôi. Tôi sướng lâng lâng cả tháng trời, “anh hùng đơn vị này cóc ai bằng ta!”. Chưa hết. Tuần sau thư từ khắp nơi tới tấp gửi về bày tỏ sự ngưỡng mộ và xin được kết bạn với tôi. Chính điều này tạo cho tôi động lực để tiếp tục. 

Nhớ thời đi viết báo bằng… xe tải ảnh 1 Tác giả trong những lần đi tác nghiệp
Vài bài nữa được in trên Tiền Phong, số lượng thư từ gửi về cho tôi không thể đếm từng lá, mà phải tính bằng… ba lô. Trong đó có một lá thư đặc biệt của nhà báo Hoàng Thiên Nga, Trưởng ban đại diện báo Tiền Phong tại Tây Nguyên. Chị ngỏ ý mời tôi làm cộng tác viên và gợi ý nên viết về mảng đề tài lính trẻ trong các hoạt động tại địa bàn. Ít hôm sau, nhà báo Huỳnh Kiên tìm đến tận nhà tôi, giao cho tôi một giấy giới thiệu là Cộng tác viên của báo Tiền Phong, do Trưởng ban đại diện đặc cách cấp sớm. 

Tôi cảm thấy mình “oai hơn một bậc”. Có “vật hộ thân”,  tôi xông xáo khắp Tây Nguyên với cách tác nghiệp “hổng giống ai”. Thời đó nhà báo ở Tây Nguyên nghèo lắm, hiếm người có xe máy. Trong khi các phóng viên đi tác nghiệp chủ yếu bằng xe đò, xe đạp, thậm chí là đi bộ, thì tôi đã đi làm báo bằng… ô tô tải tự lái. Vì tôi là tài xế quân sự, thường chở bộ đội đi diễn tập và làm công tác dân vận ở các bản vùng sâu, vùng xa. Đổ quân xong, tôi đi la cà, quan sát, nghe ngóng.

Những bài ghi chép viết theo lối nhắng tếu cùng thông tin “độc lạ” kiểu “Lính trẻ lên rừng vận động sinh đẻ có kế hoạch” được độc giả thích thú. Nhưng tôi thì… không khoái mấy. Là bởi dưới những bài báo, ngoài tên tác giả thì… không còn gì. Trong khi ấy, Cuộc thi văn học Tầm nhìn thế kỉ của Tiền Phong đang sôi động. Và dưới những sáng tác vẫn luôn có đầy đủ tên và địa chỉ tác giả.

Vậy là tôi âm thầm… “phản bội” chị Hoàng Thiên Nga và anh Huỳnh Kiên. Các bài báo tôi gửi về Ban đại diện Tiền Phong khu vực Tây Nguyên, còn những sáng tác thì gửi thẳng ra địa chỉ tòa soạn ở 15- Hồ Xuân Hương, Hà Nội. 

Và rồi tên tôi lần đầu tiên xuất hiện trong mục… Hộp thư bạn đọc của Tiền Phong với lời nhắn: “Bạn Đỗ Tiến Thụy, truyện ngắn Người về cất nước sông Gianh có thể in được, nhưng hình như bạn gửi thiếu một trang?” Đọc tin vừa mừng vừa xấu hổ. Là bởi khi viết xong truyện ngắn đầu tay, tôi đã thuê đánh máy vi tính, hăm hở photo và gửi đi mà không kiểm tra lại. Đó là tác phẩm văn học đầu tiên, mở đầu cho chiến dịch tham gia cuộc thi văn chương đầu tiên của tôi.

Tháng 8/2001 Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ 6 diễn ra tại Hà Nội. Tôi rất quan tâm tới sự kiện này nhưng nhanh chóng thất vọng bởi Hội VHNT Kon Tum, nơi tôi tham gia sinh hoạt và bên quân đội đều không đề cử tôi. Vậy mà trong danh sách đại biểu in trên báo lại có tên Đỗ Tiến Thụy. Tiếp đó tôi nhận được điện thoại của nhà văn Phong Điệp báo Văn nghệ Trẻ gọi vào phỏng vấn. Tôi bán tín bán nghi nên không dám trả lời. Vậy là Phong Điệp phải sang Hội Nhà văn xác minh và gọi vào nói rõ: Chính xác là Đỗ Tiến Thụy, do báo Tiền Phong đề cử. Đến lúc đó thì tôi vỡ òa sung sướng. Có thế chứ. Mình đã in được 3 truyện ngắn và 4 bài thơ trong cuộc thi Tầm nhìn thế kỉ rồi cơ mà.

Số lượng tác phẩm in được trên Tiền Phong khiến tôi, một kẻ từ nơi “rừng xanh núi đỏ” ra dự Hội nghị có một tâm thế khá tự tin. Vừa tụ hội, tôi đã được rất nhiều tác giả cùng tham gia cuộc thi như Huỳnh Thạch Thảo, Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Thị Việt Hà, Bùi Đức Vinh… tới làm quen. Nhà văn Nguyễn Một, khi đó đang là phóng viên báo Tiền Phong khu vực miền Đông Nam bộ rổn rảng “Tau đọc mi rồi”. Hỏi đọc truyện gì, bài thơ nào, thì anh bảo “Tau đọc tên mi trong hộp thư báo Tiền Phong, dzụ gửi bản thảo thiếu trang đó” khiến mọi người xung quanh cười ồ. 

…Đến ngã rẽ văn chương

Kết thúc Cuộc thi Tầm nhìn thế kỉ, năm 2002 tôi đoạt giải đồng hạng với truyện ngắn “Tiếng t’rưng làng Rấp”. Cùng lúc này trường Viết văn Nguyễn Du tuyển sinh khóa 7. Bên quân đội đã gửi công văn về các đơn vị tìm người đi thi. Và tôi đã nghe theo lời khuyên của một số nhà văn, dùng chính những tác phẩm tham gia Cuộc thi Tầm nhìn thế kỉ của báo Tiền Phong làm tác phẩm dự sơ khảo và trúng tuyển. 

Khi ra Hà Nội học tôi mới có dịp ghé thăm Tòa soạn báo Tiền Phong. Ở đây tôi đã được gặp nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo tên tuổi như Dương Kỳ Anh, Nguyễn Hoàng Sơn, Dương Phương Vinh… Các anh chị luôn động viên, ủng hộ tôi bằng cách gợi ý tôi viết và tiếp tục cộng tác với Tiền Phong. Kỉ niệm đáng nhớ khi cộng tác với Tiền Phong thời kì này là tôi đã biết… dùng email. Số là bài viết “Thi sĩ xe ôm” tôi gửi trực tiếp ngoài Hà Nội rồi về Tây Nguyên nghỉ hè.

Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn đã điện vào yêu cầu tôi gặp và chụp nhân vật Tạ Văn Sỹ đang đứng cạnh chiếc xe máy chờ khách, rửa ảnh, scan, rồi ra “tiệm net” lập hộp thư điện tử gửi ảnh về tòa soạn. Để làm được việc bây giờ chỉ mất năm phút này, ngày ấy Nguyễn Hoàng Sơn phải gọi đi gọi lại hàng chục cuộc để hướng dẫn suốt một buổi tôi mới hoàn thành. 

Bốn năm học ở Nguyễn Du, số lượng truyện ngắn, chân dung văn nghệ… tôi in trên Tiền Phong Chủ Nhật khá nhiều. Nhuận bút Tiền Phong hồi đó rất “khủng”, in được một truyện một bài là đủ tiền cơm bụi cả tháng. Việc này không đơn thuần giúp tôi có tiền ăn học, mà quan trọng hơn là giúp tôi dần khẳng định tên tuổi để có thể về làm việc tại tờ báo văn chương lớn tại Hà Nội.

Văn chương là một con đường dài, cần nhiều vốn sống. Nhờ những năm tháng lái xe tải đi viết báo Tiền Phong, kể từ Cuộc thi Tầm nhìn thế kỉ cho đến những sáng tác sau này, nguyên liệu dồi dào từ vùng sáng tác Tây Nguyên được tôi sử dụng phần lớn trong các truyện ngắn, tiểu thuyết… Khi nghe tôi kể lại lộ trình đến với văn chương của mình, bạn bè thường đùa: “Ông là một nhà văn do báo Tiền Phong sơ ý sinh ra!”.

MỚI - NÓNG