Nhớ thiên đường giữa biển

Nhớ thiên đường giữa biển
TP - Với những người lần cuối nhận nhiệm vụ công tác tại Hoàng Sa trước ngày hải chiến 1974, cảm giác được sống, làm việc cùng những kỷ vật được họ lưu giữ như những vật báu thiêng liêng... Với họ, Hoàng Sa như "thiên đường" của thiên nhiên giữa biển khơi bao la.

Hoàng Sa, một thời chưa xa - Kỳ 2:

Nhớ thiên đường giữa biển

> Hoàng Sa, một thời chưa xa...
'Hoàng Sa của An Nam là không tranh cãi'

Sức trẻ giữ đảo

Chưa đầy 30 tuổi, ông Phạm Khôi (sinh năm 1942, đường Quang Trung, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) được vào Trung đội Hoàng Sa (thuộc tiểu khu Quảng Nam), nhận nhiệm vụ kiểm kê tàu thuyền ra vào đảo, báo cáo tin tức về sở chỉ huy và hỗ trợ phương tiện gặp nạn ngoài Hoàng Sa. Lần đầu ra Hoàng Sa cuối năm 1969, cái cảm giác tiếp cận đảo cát vàng nhồi ụ giữa biển nước mênh mông đã nhanh chóng chiếm lĩnh cảm tình của chàng trai trẻ. “Hoàng Sa lúc đó còn khá đơn sơ, nhưng thanh bình và đầy sản vật của thiên nhiên” - Ông Khôi kể. Từng bước chân trên đảo càng dấy lên ở ông sự cảm nhận khó tả, vừa tự hào đến với đảo thiêng, vừa chứng kiến khung cảnh đẹp hữu tình nhưng cũng có lúc đầy khắc nghiệt trước bão tố thiên tai. Ông Khôi bảo: thích nhất là cá, đủ các loại cá, sản vật to nhỏ. Chỉ cần ra phía rìa san hồ, dùng chũm sắt, phi nhanh xuống nước. Lúc nhấc lên đã ba bốn con cong đuôi quẫy đạp, cầm đến nặng tay. Ốc nhiều vô kể, đủ màu sắc, chủng loại. Không phải ngẫu nhiên, ông Khôi lại quyết định lấy một chú ốc to đẹp, vượt hàng trăm hải lý để làm món quà kỷ vật.

Hơn 40 năm, cái ngày xa Hoàng Sa, nhưng cảm nhận về bãi cát vàng này với ông vẫn thật gần gũi. Những lúc buồn, thương nhớ Hoàng Sa ông lại mân mê bút giấy vẽ lại sơ đồ của đảo. Vùng đảo Hoàng Sa khá rộng, mỗi chiều phải hơn 1km; đường vào đảo được đổ bê tông dài hơn 50m, phía bên tay phải là một nhà thờ công giáo được xây cất từ lâu. Bên trái là trại chỉ huy, trạm khí tượng, doanh trại lính. Phía cuối còn có cả giếng nước, miếu thờ… Ông Khôi rành rọt bên tấm bản đồ được ông tự phác họa, lưu giữ như vật quý.

Theo ông Nguyễn Văn Cúc (60 tuổi, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng): ngày đầu ra Hoàng Sa, ông mới hơn 20 tuổi. Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết. Ông Cúc làm nhiệm vụ sửa chữa, xây dựng các công trình dân sinh, dân sự trên đảo. Chỉ trong năm 1973, ông có đến 3 lần ra đảo làm nhiệm vụ. Đến giờ ông thuộc làu từng vị trí, con đường, giếng nước ngoài đảo. “Bình thường đảo chỉ có vài người trong nhóm khí tượng, dăm người nhóm xây dựng và một trung đội lính giữ đảo. Chim nhiều vô kể, chúng kéo về từng đàn, đẻ trứng, nở con ở bãi cát vàng kế cạnh. Chỉ cần bơi thuyền sang lấy về dùng vài ngày không hết” - ông Cúc kể.

Nhớ nhất lần hai ra đảo (tháng 7-1973), ông Cúc cùng các thành viên cật lực vài tháng trời hoàn thành công trình bể chứa nước mưa trong niềm vui khó tả. Chuyện trên đảo, ông Cúc kể hoài không hết. Tấm hình ông chụp cùng Chuẩn úy Thịnh tại cầu cảng Hoàng Sa được gìn giữ như kỷ vật. “Mỗi lần nói với con cháu về sử sách, tôi lại đem tấm hình ngoài Hoàng Sa và dạy rằng Hoàng Sa là của Việt Nam và mãi mãi là của Việt Nam. Chân lý chủ quyền đó không thể thay đổi trước sự thật chiều dài lịch sử thiết lập và duy trì của Việt Nam. Chúng tôi tự hào vì được góp một phần mình vào đó”, ông Cúc tâm sự.

Ông Khôi và tấm bản đồ phác họa Hoàng Sa được ông xem như một vật báu
Ông Khôi và tấm bản đồ phác họa Hoàng Sa được ông xem như một vật báu.

Hoàng Sa là của Việt Nam: Không thể chối cãi

Đó là câu khẳng định của tất cả những nhân chứng từng sống, làm việc và chiến đấu ở Hoàng Sa qua các thời kỳ với nhóm phóng viên Tiền Phong. Ông Lữ Điều, cụ Mai Tiễn từng đi lính Hoàng Sa dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại hay ông Phạm Xô (Nha khí tượng Sài Gòn - ra Hoàng Sa năm 1955) đều cho rằng, phải kiên quyết đòi lại mảnh đất quê hương mang tên Hoàng Sa về cho Tổ quốc, bởi lẽ, Hoàng Sa từ lâu đã là của Việt Nam.

Những ngày hè đổ lửa năm 1952, ông Lữ Điều (nay đã 85 tuổi) xung phong đi Hoàng Sa, với một lý tưởng đơn giản: Bất kỳ mảnh đất nào của Tổ quốc cũng cần được bảo vệ. Và còn một nguyên cớ nữa, ông Điều nhỏ nhẹ rằng, từ lâu được nghe Hoàng Sa và Trường Sa, hai mảnh đất giữa trùng khơi của Việt Nam nên khi được kêu gọi lên đường, ông không ngần ngại xung phong ra Hoàng Sa. Cho đến bây giờ, ngày ngày, ký ức Hoàng Sa tươi đẹp vẫn được ông Điều ghi lại qua cuốn nhật ký. Những năm tháng ở quân ngũ nơi xứ biển làm trí nhớ và sức khỏe ông kém rõ rệt. Nhưng khi nhắc đến Hoàng Sa, ông lại kể vanh vách từng chi tiết. Những ngày ở đảo xa mịt mù, trong quãng thời gian đó, tuyệt không hề có bất kỳ tàu chiến hay tàu chở hàng nào của các nước lai vãng. “Tàu chiến Trung Quốc lại càng không, lúc đó, Hoàng Sa hoàn toàn là của Việt Nam, bằng chứng là chúng tôi, lực lượng thủy quân lục chiến và bộ phận của Nha khí tượng Sài Gòn đóng chốt ở đó từ lâu. Đó cũng là quãng thời gian yên bình của Hoàng Sa” - ông Điều nhớ lại. Trong cuốn nhật ký của ông Điều, câu chuyện mà ông vẫn còn nhớ rõ là hai lần cứu giúp ngư dân Trung Quốc bị nạn vào đảo. “Thời đó, chúng tôi cũng đã răn đe họ khi một vài lần thấy tàu cá Trung Quốc cứ ngấp nghé vào neo đậu, có ý chiếm đảo. Quan điểm vẫn là giúp đỡ, giữ hòa khí” - ông Điều nói.

79 tuổi, ông Phạm Xô (Đà Nẵng) nói quãng thời gian đáng nhớ nhất của đời ông cho đến lúc này vẫn là 6 tháng công tác ở trạm khí tượng thủy văn trên đảo Hoàng Sa. “Và vui nhất là năm ngoái, chính quyền huyện đảo Hoàng Sa gặp gỡ các nhân chứng sống. Tôi được gặp nhiều bạn cũ, ở Nha khí tượng Sài Gòn (cũ) cũng có mà ở trong lực lượng lính thủy đánh bộ cũng có” - ông Xô vui vẻ. Tháng 5-1955, dù vợ đang mang thai đứa con đầu lòng, nhưng chàng trai Phạm Xô vẫn xung phong ra Hoàng Sa, không những 1 tăng (1 chuyến 3 tháng) mà là 2 tăng. Công việc chủ yếu của trạm khí tượng là đo gió, áp suất, đo lượng mưa và gửi các số liệu về Nha khí tượng Sài Gòn. “Cuộc sống như biệt lập giữa trùng khơi, nhưng thật thanh bình và yên ả. Không có lấy một bóng dáng tàu bè nào của các nước. Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam” - ông Xô kể lại.

Ông Phạm Xô rất vui với kỷ niệm của UBND huyện đảo Hoàng Sa trao tặng Ảnh: Nguyễn Huy - Nam Cường
Ông Phạm Xô với kỷ niệm của UBND huyện đảo Hoàng Sa trao tặng
Ảnh: Nguyễn Huy.

Sáu tháng ở Hoàng Sa là quãng thời gian mà ông Xô tâm sự, đó thực sự là cuộc sống thiên đường. Dù thực phẩm mang từ đất liền ra không phong phú, nhưng không hề gì, bởi xong công việc, ông cùng anh em trạm khí tượng và các lính thủy đánh bộ lại xuống biển, mang theo nạng ba chĩa bắt hải sản. Cứ dịp rằm hoặc đầu tháng, khi thủy triều xuống, rặng san hô mấp mé xung quanh đảo cơ man nào là cá, tôm, mực lấp ló trong đó. Hòn đảo chính Hoàng Sa là nơi đóng quân của một đơn vị thủy quân lục chiến và trạm khí tượng trong ký ức của ông Xô là một dải đất tương đối rộng, cây cối um tùm. Đủ để 7 người trong trạm khí tượng thay phiên nhau ngày ngày khảo sát. Còn ông Mai Tiễn - một chàng trai xứ biển Nam Ô xung phong đi Hoàng Sa những năm 1970, đến giờ tuổi đã gần 90 nhưng vẫn ngày ngày ra bờ biển, ngóng về Hoàng Sa. Hơn 40 năm, vật đổi sao dời, Hoàng Sa những ngày ông cầm súng bảo vệ trên thực tế giờ đã bị chiếm mất, nhưng ông vẫn mơ một ngày trở lại thiên đường đã mất.

Xin được kết phần này với những lời lẽ từ sâu thẳm đáy lòng của ông Phạm Khôi, những con chữ ông viết là một nỗi niềm đau đáu của một người con Việt chứng kiến mảnh đất máu thịt rơi vào tay người khác. “Sau thời gian hoàn thành bảo vệ biển đảo Hoàng Sa tôi trở về đất liền, một thời gian sau thì bàng hoàng nghe tin Trung Quốc chiếm đóng. Là người Việt Nam, đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, ai mà không bức xúc, không đau xót khi nghe tin đó. Bây giờ tôi chỉ muốn ai cũng phải ghi nhớ, Hoàng Sa là mảnh đất cha ông ta đã khai phá từ xa xưa. Hoàng Sa, đã đang và mãi mãi là của Việt Nam”.

“Mỗi lần nói với con cháu về sử sách, tôi lại đem tấm hình ngoài Hoàng Sa và dạy rằng Hoàng Sa là của Việt Nam và mãi mãi là của Việt Nam. Chân lý chủ quyền đó không thể thay đổi trước sự thật chiều dài lịch sử thiết lập và duy trì của Việt Nam. Chúng tôi tự hào vì được góp một phần mình vào đó” - Ông Cúc tâm sự

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.