1. Một ngày cuối tháng 9/2021, có hai thanh niên gõ cửa văn phòng hỏi mua báo Tiền Phong. Nghe tiếng, tôi nhận ra ngay Đặng Ngọc Tiến, Trưởng nhóm SOS Đà Nẵng. Rón rén xếp gọn đôi dép ngoài bậc cửa, Tiến vui mừng nhận 2 tờ báo rồi cười toét miệng bảo sẽ đóng khung lại giữa làm kỉ niệm.
Một năm sau, Tiến nhắn tin cho tôi mời dự chương trình ca nhạc gây quỹ cho chuyến thiện nguyện Trung thu ở một huyện miền núi Quảng Nam. “Tối đó tụi em có đấu giá bài báo của chị để gây quỹ ạ” - Tiến nhắn rồi gửi cho tôi tấm hình bài báo được đóng khung sang trọng được treo lên tường “trụ sở” của nhóm. Nói là trụ sở nhưng đó chỉ là căn nhà cấp 4 được các thành viên góp tiền thuê để vừa sửa xe, rửa xe gây quỹ hoạt động, vừa làm nơi nghỉ tạm sau những chuyến cứu hộ xuyên đêm.
Lần đầu cứu hộ xuyên đêm với SOS Đà Nẵng, ai cũng ướt nhẹp vì cơn mưa như trút nước. Ảnh: Giang Thanh |
Đêm gây quỹ đó, có mạnh thường quân đã mua bài báo để gây quỹ rồi tặng lại cho nhóm. Đến nay, bài báo vẫn được treo trang trọng bên cạnh những tấm bằng khen, giấy khen, thư cảm ơn ở trụ sở của SOS Đà Nẵng. Tấm lòng của Tiến và các thành viên nhóm làm tôi xúc động. Nhớ lại lần đầu tiên gặp SOS Đà Nẵng, tôi ấn tượng mạnh với những cậu thanh niên xăm trổ nhưng nói chuyện hiền khô. Thời điểm đó, SOS Đà Nẵng mới thành lập, các thành viên tự bỏ tiền mua săm, miếng vá, bơm tay, mượn đồ nghề để đi cứu hộ. Lần đầu tiên theo nhóm hơn 1 giờ sáng, dưới cơn mưa bất chợt như trút nước, ai cũng ướt nhẹp. Hồi đó, Tiến cũng nói bao giờ bài đăng báo em sẽ đóng khung treo lên vì tôi là một trong những người đầu tiên liên hệ để viết bài về nhóm. Tôi nghĩ đó là một lời nói đùa.
Bài báo trên Tiền Phong về SOS Đà Nẵng được đóng khung, treo trên tường trụ sở của nhóm. Ảnh: Giang Thanh |
Sau này đi làm, tôi vẫn thường gặp lại Tiến và các thành viên của SOS Đà Nẵng. Những ngày dòng người “chạy” dịch từ Nam ra Bắc, SOS Đà Nẵng đồng hành trên từng cung đường để dẫn đường, giúp bà con sửa xe, thay nhớt, vá săm… Đến nay, hằng đêm, SOS Đà Nẵng vẫn len lỏi từng con phố giữa đêm Đà thành để tiếp tục sứ mệnh giúp người.
2. Những năm làm báo cho tôi cơ hội được gặp những nhân vật đặc biệt, những người truyền cảm hứng mãnh liệt vì cách nghĩ, cách hành động luôn vượt qua những ranh giới, những vùng an toàn. Cách đây gần 6 năm, tôi từng viết bài về chị Tôn Nữ Tường Vy - cô gái từ chối làm việc ở Liên Hiệp Quốc để tự mình khởi nghiệp. Bài viết đăng trang trọng trên số đặc biệt 30/4/2016 của báo.
Chị Lê Hoàng Ngân tự tin trên sân khấu đêm nhạc gây quỹ cho con em bệnh nhân ung thư “Chúng ta hát ca” Ảnh: Giang Thanh |
Sau khi báo xuất bản, tôi gửi vào TP Hồ Chí Minh để tặng chị. Mấy hôm sau, chị nhắn tin cảm ơn tôi và nói rằng má chị rất vui và xúc động khi được thấy con gái mình trên một tờ báo uy tín như Tiền Phong. Tôi biết, đối với chị, sự ủng hộ của má là động lực rất lớn. Chị đã nói với tôi: “Mình rất biết ơn má, một người phụ nữ chỉ được học hết lớp 3, dành cả đời để bươn chải buôn bán nuôi 4 đứa con ăn học. Má luôn ủng hộ mình và luôn nói với mình rằng “phải đi để biết, sau này đỡ khổ”. Niềm vui của má khi những thành tựu của cô gái nhỏ được công nhận và vinh danh to lớn đến nhường nào. Tôi vui vì những câu chữ của mình đem đến niềm vui, niềm tin cho chị và gia đình trên hành trình chinh phục những thử thách mới.
Mỗi tin nhắn cảm ơn của chị dành cho mỗi bài viết của tôi về WE CAN luôn ấm áp, chỉn chu dù đôi mắt chị không thể nhìn rõ. Đó là những động lực nho nhỏ để tôi tiếp tục cầm bút, kể những câu chuyện tử tế của những người tử tế.
Mới đây, tôi tình cờ biết đến chị Lê Hoàng Ngân, nhà sáng lập của Tổ chức hỗ trợ bệnh nhân ung thư WE CAN. Lần đầu tiên gặp tôi, chị Ngân đang trải qua đợt điều trị nên rất yếu, đôi mắt cũng không còn nhìn rõ được. Nghe chị kể về hành trình chỉ vỏn vẹn gần 2 năm từ khi phát hiện ung thư lúc đang mang bầu em bé thứ 2, đến khi thành lập và xây dựng để WE CAN lớn mạnh, trở thành điểm tựa của những người đồng bệnh, tôi thực sự khâm phục chị.
Hành trình của chị có cả những mất mát, những nỗi đau lớn lao, nhưng tôi lựa chọn kể về nghị lực, về khát vọng được sống, được cống hiến và phụng sự của chị. Chỉ một thời gian ngắn sau, chị nhắn tin cho tôi thông báo đang tổ chức đêm nhạc gây quỹ cho con em bệnh nhân K và mời tôi tham dự. Đêm nhạc thực sự cảm xúc, đến giờ mỗi lần xem lại livestream trên facebook của WE CAN, tôi vẫn rơi nước mắt. Tôi tự hỏi phải có nghị lực lớn nhường nào mới có thể vừa chống chọi với bệnh tật, vừa có thể tổ chức được một chương trình lớn, ấn tượng như vậy.