Năm 1953, có Đại hội Liên hoan (Festival) lần thứ tư của Thanh niên và Sinh viên thế giới, tổ chức tại Bucarest thủ đô Rumania. Festival có mục tiêu vận động cho Hoà bình, Dân chủ và Tiến bộ xã hội thế giới. Chủ trì tổ chức Festival là Liên Đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới FMJD và Hội Liên hiệp Sinh viên Quốc tế UIE, là hai tổ chức quần chúng toàn cầu của phe xã hội chủ nghĩa. Festival thường tập hợp đến ba bốn chục ngàn thanh niên các nước trên thế giới tham gia trong hai tuần lễ, với các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể thao, chính trị, xã hội. Cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam hồi đó luôn là một trong các tiêu điểm chính của các Festival.
Đoàn đại biểu Việt Nam đi Bucarest có 40 người, gồm cán bộ Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc (TNCQ), bộ đội, du kích, thanh niên xung phong, sinh viên, học sinh, thiếu niên, công nhân, nông dân, dân tộc ít người, văn nghệ sĩ các ngành nhạc, họa, múa. Ban lãnh đạo Đoàn đại biểu gồm có:
- Vũ Quang, Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Trưởng đoàn
- Nguyễn Khánh, Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Nguyên, Phó trưởng đoàn, Bí thư Chi bộ
- Trần Viết Dung, Trưởng Ban Học sinh Sinh viên TƯ Đoàn
- Trần Trọng Quát, đại diện thường trú của Việt Nam tại FMJD-Berlin
- Nguyễn Văn Hướng, đại diện thường trú của Việt Nam tại UIE-Praha
- Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ, trưởng nhóm văn nghệ sĩ
Ông Nguyễn Khánh và bà Đỗ Hồng Phấn cầm biểu ngữ, ông Vũ Quang đứng bên phải đang phát biểu tại Festival Bucarest, Rumania, 1953. |
Festival vô cùng nhiều hoạt động, giao lưu chủ yếu qua tiếng Pháp và tiếng Anh. Các anh lãnh đạo Đoàn Việt Nam đều nói tiếng Pháp, ngoài ra vài đại biểu sinh viên học sinh và văn nghệ sĩ cũng nói tiếng Pháp, chia nhau giúp các đại biểu khác tham gia mọi hoạt động giao lưu. Thiếu người dịch thì dùng cử chỉ điệu bộ, rồi hát hò và khiêu vũ thoải mái. Cứ thế lưu lại những kỷ niệm không quên.
Trong cuộc Festival năm ấy, tôi còn nhớ Việt Nam có mấy sự kiện văn hóa, văn nghệ khá lý thú.
Thứ nhất, Đoàn Pháp đã trao tặng đoàn Việt Nam tấm ảnh lớn (có lẽ 120x90cm) chụp Nguyễn Ái Quốc phát biểu tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp tại thành phố Tours năm 1921, là Đại hội mà nhóm Cộng sản quyết định tách khỏi nhóm Xã hội và lập ra Đảng Cộng sản Pháp. Từ tấm ảnh này, Việt Nam có cơ sở tư liệu về Nguyễn Ái Quốc đúng là một thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ngày nay, đúng tấm ảnh này được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở Hà Nội. Chuyện kể ở đây là: tấm ảnh to, cuộn lại thành một ống tròn đường kính khoảng 25cm, khá cứng nhưng cồng kềnh. Lãnh đạo đoàn giao cho tôi giữ. Tôi đã rất cẩn thận, thế mà một lần di chuyển tàu xe xô đẩy thế nào cuộn ảnh bị bẹp một bên. Mấy tay đại biểu trai tráng chê bai: tiểu thư Hà Nội vô tích sự, làm tôi phát khóc. Anh Khánh bí thư chi bộ phải đứng ra phân xử. Anh tiếp tục giao tôi giữ tấm ảnh và phân công thêm anh Ngô Long Minh, bộ đội Nam Bộ, hỗ trợ tôi khi cần. Sau này hồi ký của Long Minh viết anh là người mang tấm ảnh ấy về Việt Bắc!
Các ông Nguyễn Khánh, Lê Quang Toàn, Vũ Quang khoác tay cùng các bạn quốc tế tại Festival Bucarest, Rumania, 1953. |
Chuyện thứ hai: tại Festival, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã tức cảnh sáng tác ngay bài hát ca ngợi Henri Martin, một lính thuỷ Pháp phản chiến bị bỏ tù, nhờ phong trào hoà bình mà được thả và tới được Bucarest. Thanh niên đón anh ở sân bay đông ngút ngàn. Lưu Hữu Phước cảm hứng ra ngay bài hát “Henri Martin, chiến sĩ hoà bình”. Bài ấy thực ra về âm nhạc thì cũng đơn giản thôi, nhưng chính vì thế mà dễ hát dễ thuộc, lại có cả lời Việt và lời Pháp, được các đoàn hát lên suốt các cuộc giao lưu với Henri Martin ở Festival.
Sự kiện thứ ba là một sáng tác tại trận nữa của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Đó là bài "Trên đồi Lenin", cảm hứng ngay khi đến thăm trường đại học Lomonosov mới khai trương trên đồi Lenin ở ngoại vi Matxcơva. Cả đoàn Việt Nam thuộc ngay “Bạn ơi đi với tôi ….”. Bài hát này sau đó đã lưu truyền một thời gian dài ở miền Bắc.
Đoàn đại biểu Việt Nam đang đi ra sân vận động tại Festival Bucarest, Rumania, 1953. |
Sự việc thứ tư là phát hiện ra tay đàn tài tử của cán bộ Đoàn. Hôm ấy ở khách sạn Matxcơva, họp chi bộ tại phòng suite của trưởng đoàn. Thấy có cái đàn piano, anh Lưu Hữu Phước liền ngồi vào đàn, một lúc sau gọi anh em: “Không kể đám nhà nghề nhé, cậu nào biết đàn thì chơi cho vui này!” Thời ấy vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa, lại bước ngay vào kháng chiến trường kỳ, lấy đâu ra cái đàn quí tộc ấy mà chơi! Nhưng thật bất ngờ, Bí thư Tỉnh Đoàn Nguyễn Khánh ngồi ngay vào ghế và đàn ngay bài Tiến quân ca! Mọi người trố mắt: “Anh là dân Hà Nội à, sao biết đàn piano?” Anh Khánh cười: “Hồi Cách mạng tháng 8, tự vệ phố Nguyễn Du chúng tớ đóng trụ sở ở cái nhà thằng Tây nó đã bỏ đi, nhà nó có piano, thế là xúm vào tập chơi!” Nhạc sĩ hỏi: “Tập chơi sao biết đàn cả hai tay?” Anh Khánh phân trần: “Có một cậu trong phố biết đàn thật, nó dạy cho... Vả lại tôi cũng chơi được banjo - mandoline, biết solfege rồi, nên học piano cũng chẳng khó! Nhưng cũng chỉ tập được mấy bài hành khúc thôi!” Từ hôm ấy anh em có lúc đùa gọi anh Khánh là Nít (pianist)!
Các ông bà trong Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Festival Bucarest, Rumania 1953 gặp nhau tại Trụ sở TW Đoàn, 60 Bà Triệu, Hà Nội, năm 1999. Từ trái sang phải, hàng trước: Lương Ngọc Trác, Phạm Thị Nhật, Trần Thị Thanh, Nguyễn Khánh, Đỗ Hồng Phấn, Nguyễn Thành, Lê Quang Toàn; Hàng sau là ba cán bộ của TƯ Đoàn. |
Bẵng đi mấy chục năm. Năm 1999, TƯ Đoàn TNCS-HCM xây dựng hồ sơ “Quan hệ và hoạt động quốc tế của Đoàn”, đã tìm mời thành viên các đoàn đại biểu các năm về trụ sở 60 Bà Triệu họp đóng góp tư liệu. Đoàn Bucarest 1953 người sống ở Hà Nội còn khỏe mạnh đến họp mặt được 8 người: hai nhạc sĩ Lương Ngọc Trác và Nguyễn Thành, anh Lê Quang Toàn, các chị Phạm Thị Nhật, Nguyễn Thị Thành, Trần Thị Thanh và Đỗ Hồng Phấn đều là cán bộ công nhân viên nhà nước đã nghỉ hưu. Lãnh đạo đoàn Bucarest năm xưa hôm ấy còn duy nhất anh Khánh. Bấy lâu nay tôi vẫn biết anh mang trọng trách trên TƯ và Nhà nước, vẫn thấy anh trên báo đài. Tôi thích nhất cảnh TV chiếu anh tại Diễn đàn Francophone (diễn đàn toàn cầu giữa các quốc gia có nói tiếng Pháp, năm ấy hình như họp ở Paris).
Không như một số vị lãnh đạo chính trị thường lên gân nghiêm nghị, anh Khánh đã phát biểu dõng dạc và chuyện trò rất thoải mái tại diễn đàn ngôn ngữ quốc tế ấy.
Các ông bà trong Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Festival Bucarest, Rumania 1953 gặp nhau tại nhà ông Khánh ở phố Trần Quang Diệu, Hà Nội, năm 2001. Từ trái sang phải, hàng sau: Đỗ Hồng Phấn, Trần Thị Thanh, (bà Mỹ-vợ ông Khánh), Nguyễn Thành. Lương Ngọc Trác; Hàng trước: Lê Quang Toàn, Phạm Thị Nhật, Nguyễn Thị Thành, Nguyễn Khánh, Nguyễn Cát Giao |
Sau đó, năm 2001, anh Khánh đã mời gọi anh chị em cựu trào Bucarest đến chơi nhà anh ở phố Trần Quang Diệu. Năm 2006, Nguyễn Cát Giao (chú em học sinh cấp 3 Hùng Vương - Phú Thọ năm xưa) cũng mời anh chị em đến gặp mặt tại nhà ở phố Kim Mã. Năm 2014, Lê Minh Nguyệt (cô em thiếu niên học sinh cấp 2 Lương Ngọc Quyến – Thái Nguyên năm xưa) từ TPHCM ra chơi Hà Nội. Phạm Thị Nhật và tôi đã dẫn Nguyệt đến thăm anh Khánh, rồi bốn anh em rủ nhau đi chơi quảng trường Ba Đình và thăm chùa Trấn Quốc. Lần cuối, khi anh đã chuyển lên nhà chung cư, tôi cùng Phạm Thị Nhật và Trần Thị Thanh đến thăm anh tại nhà mới thì buồn thay, đó là lần cuối cùng gặp anh.
Bà Đỗ Hồng Phấn và anh Nguyễn Chí Công, con trai ông Nguyễn Khánh, tháng 4/2024. |