570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển”
Nhấn mạnh, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, “con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ”, song Thủ tướng cho biết, với tinh thần bám sát thực tiễn, giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.
Đặc biệt, trong thực hiện các khâu đột phá chiến lược, Chính phủ xác định đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tấn công vào “điểm nghẽn” kéo dài. Từ đó, nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, với đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo.
Chính phủ cũng có nhiều giải pháp đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Theo Thủ tướng, với sự nỗ lực, đổi mới, quyết tâm, kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016- 2021 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. “Trong 5 năm qua chúng ta đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tự “soi lại mình”, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, như việc xin bổ sung, xin lùi, xin rút dự án luật vẫn chưa được khắc phục triệt để; chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật chưa đạt yêu cầu; công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng; tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia còn chậm…
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung phân tích, làm rõ nguyên nhân chậm triển khai, hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, cũng như kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Làm rõ hơn những kết quả nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước, về kết quả cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; đồng thời, bổ sung đánh giá về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 để làm cơ sở cho việc xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ tới.
Vượt qua đại dịch, kinh tế dần phục hồi. Ảnh: Ngọc Châu
Người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ
Thủ tướng nhấn mạnh, phải sâu sát lắng nghe từ thực tiễn sôi động, nhận diện đúng tình hình, trọng tâm, bản chất sự việc để có quyết sách phù hợp; chủ động rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển; đổi mới, sáng tạo, linh hoạt và quyết liệt trong quản lý, điều hành, hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu trung, dài hạn. Cùng đó, phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, khơi dậy khát vọng quốc gia hùng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.
Một bài học được Thủ tướng nhắc đến là tích cực đổi mới phương thức làm việc, thực sự lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động công vụ; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, kịp thời biểu dương khen thưởng sự tận tụy cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và xử lý nghiêm các vi phạm.
“Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được “thụ hưởng” thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII đã nêu và vun đắp thêm bản chất dân chủ tốt đẹp của xã hội ta”, Thủ tướng bày tỏ.
“Trong 5 năm qua chúng ta đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc