Thủ tướng: Con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội (ảnh Nhật Minh)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại Quốc hội (ảnh Nhật Minh)
TPO - Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong suốt nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố của biết bao khó khăn, thách thức lớn hơn, vượt xa hơn so với những dự tính ban đầu nhiệm kỳ.

 “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”

Sáng 24/3, báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ trong phiên khai mạc Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong nhiệm kỳ qua đã gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức. Song như câu tục ngữ “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, chúng ta đã đoàn kết cùng nhau khắc phục nhiều hạn chế, bất cập nội tại và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Với tinh thần bám sát thực tiễn, Thủ tướng cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách.

Về thực hiện các khâu đột phá chiến lược, Thủ tướng cho biết, Chính phủ xác định đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tấn công vào “điểm nghẽn” kéo dài. Từ đó, Chính phủ luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, với đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo. Chính phủ cũng có nhiều giải pháp đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt” cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Thủ tướng: Con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Với sự nỗ lực, đổi mới, quyết tâm, Thủ tướng cho biết, kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016- 2021, quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với 2015, đạt trên 340 tỷ USD. “Trong 5 năm qua chúng ta đã cùng nhau tạo ra tổng số khoảng 1.300 tỷ USD giá trị tăng thêm (GDP) và năm 2020 đã vượt lên trở thành nền kinh tế có quy mô lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tự “soi lại mình”, Chính phủ cũng thẳng thắn nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Việc xin bổ sung, xin lùi, xin rút dự án luật vẫn chưa được khắc phục triệt để; chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo văn bản pháp luật chưa đạt yêu cầu; công tác quy hoạch, hạ tầng, quản lý đất đai, đô thị ở một số nơi còn bị buông lỏng; tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm quốc gia còn chậm…

Cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường

Nêu ra những bài học kinh nghiệm trong nhiệm kỳ qua, Thủ tướng nhấn mạnh, phải sâu sát lắng nghe từ thực tiễn sôi động, nhận diện đúng tình hình, trọng tâm, bản chất sự việc để có quyết sách phù hợp; chủ động rà soát, tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực cho phát triển; đổi mới, sáng tạo, linh hoạt và quyết liệt trong quản lý, điều hành, hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và mục tiêu trung, dài hạn.

Cùng với đó, phát huy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết, khơi dậy khát vọng quốc gia hùng cường và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.

Thủ tướng: Con tàu Việt Nam đã phải vượt qua hải trình dồn dập bão tố ảnh 2 Thủ tướng báo cáo tại Quốc hội (ảnh Nhật Minh)

Một bài học nữa cũng được Thủ tướng nhắc đến là tích cực đổi mới phương thức làm việc, thực sự lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động công vụ; đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, kịp thời biểu dương khen thưởng sự tận tụy cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và xử lý nghiêm các vi phạm.

“Trên con tàu tăng trưởng Việt Nam hướng tới chân trời mới, với cơ đồ mới về một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 sẽ có mặt đủ mọi thành phần, từ công nông đến trí thức, doanh nhân, người dân, không ai bị bỏ lại phía sau và ai ai cũng được “thụ hưởng” thành quả của đổi mới và phát triển theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII đã nêu và vun đắp thêm bản chất dân chủ tốt đẹp của xã hội ta”, Thủ tướng bày tỏ.

Với khí thế và khát vọng đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc, cùng tinh thần đổi mới của Đại hội Đảng lần thứ XIII, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ phát huy những thành tựu và kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại; đổi mới mạnh mẽ, năng động sáng tạo, khai thác tối đa cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và hướng tới những mục tiêu, khát vọng xây dựng quốc gia Việt Nam trở nên giàu mạnh hùng cường vào giữa thế kỷ 21.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.