Bị bắt cùng thời điểm
Minh chứng rõ nét nhất cho thấy cải cách tư pháp có tác động rõ rệt, hạn chế làm oan trong hoạt động TTHS, chính là hai vụ án oan ở Bắc Giang. Vụ thứ nhất, ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan “giết người”, “cướp tài sản”; vụ thứ hai, ông Nguyễn Quý Đoan và nhiều người khác bị bắt giam, truy tố oan về tội “trộm cắp tài sản”.
Ông Chấn bị bắt ngày 18/9/2003 (theo hồ sơ, hôm đó ông Chấn tự đến CQĐT để “đầu thú” việc giết người, cướp tài sản). Ông Đoan bị bắt ngày 21/9/2003, sau khi xảy ra hàng loạt vụ trộm tượng phật trên nhiều huyện của tỉnh Bắc Giang, và ông Đoan khi đó là một “chú tiểu” bị CQĐT đưa vào diện tình nghi.
Như vậy, hai vụ án có cùng thời điểm mở đầu diễn biến tố tụng, cùng do các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Giang giải quyết. Tuy nhiên, diễn biến về sau của chúng lại đi theo hai hướng khác nhau.
“Những tài liệu vi phạm tố tụng không được sử dụng làm chứng cứ để cột tội” - nguyên tắc này cần được đưa vào Bộ luật TTHS mới mong ngăn chặn được hành vi vi phạm tố tụng.
Ở vụ án thứ nhất, CQĐT xác định chỉ có một thủ phạm, người này lại “thành khẩn khai báo”, nên công tác điều tra, truy tố rất nhanh gọn, chóng vánh. Ngày 26/3/2004, TAND tỉnh Bắc Giang xét xử sơ thẩm ông Chấn. Mặc dù bị cáo một mực kêu oan, luật sư nêu rõ các sai phạm tố tụng để khẳng định hồ sơ không đủ giá trị pháp lý để cột tội, song HĐXX vẫn kết luận ông Chấn phạm tội. Ngày 26 - 27/7/2004, TAND Tối cao xét xử phúc thẩm, tiếp tục bác lời kêu oan của bị cáo và lời biện hộ của luật sư, tuyên phạt tù chung thân ông Chấn về hai tội “giết người” và “cướp tài sản”.
Ở vụ án thứ hai, từ lời khai của ông Đoan, CQĐT bắt giam thêm nhiều người, nên việc điều tra, truy tố không nhanh gọn như vụ ông Chấn. Tổng cộng có 9 người bị khởi tố, 8 người bị tạm giam (một người đã chết khi tạm giam). TAND tỉnh Bắc Giang mở phiên sơ thẩm tháng 6/2006. Thời gian xét xử và thời gian nghị án kéo dài nhiều ngày. HĐXX đã ra quyết định tạm đình chỉ xét xử, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Quyết định này là tiền đề để minh oan cho ông Đoan và các bị cáo.
Giống nhau và khác nhau
Cả 2 vụ án đều có những diễn biến giống nhau trong hoạt động điều tra, truy tố. CQĐT có dấu hiệu mớm cung, bức cung, nhục hình nghi phạm, qua đó có được lời khai “nhận tội” của họ. Việc thu thập chứng cứ chỉ nhằm cột tội bị can, chứng cứ gỡ tội bị bỏ qua. Viện kiểm sát cũng bỏ qua chức năng kiểm sát điều tra, “vào hùa” với CQĐT, ra cáo trạng hoàn toàn dựa trên hồ sơ do CQĐT xây dựng.
Sự khác nhau giữa hai vụ án chỉ ở hoạt động xét xử. Cả hai phiên tòa xét xử ông Chấn (trước năm 2005) đều diễn ra chóng vánh. Lời kêu oan của ông Chấn chỉ giúp cho ông nhận thêm tình tiết “quanh co chối tội”, bởi HĐXX hoàn toàn tin vào lời khai của bị cáo tại CQĐT. Ông Chấn kêu “bị đánh đau nên nhận tội” cũng bị bác bỏ, với lý do ông Chấn không đưa ra được bằng chứng.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Đoan (sau năm 2005) diễn ra trong bối cảnh chỉ đạo của Đảng về cải cách tư pháp đã được triển khai thực hiện, Bộ luật TTHS 2003 cũng đã có hiệu lực thi hành. Phiên tòa thực sự dân chủ. Các luật sư bào chữa không bị ngắt lời, không bị hạn chế thời gian. Điều quan trọng nhất, HĐXX không chỉ “nghe” phía cột tội, họ lắng nghe cả phía gỡ tội, ra quyết định tạm đình chỉ xét xử, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung 10 nội dung rất rõ ràng.
Việc điều tra bổ sung vụ án ông Đoan sau đó không thu thập thêm được chứng cứ cột tội nào. Viện KSND tỉnh Bắc Giang sau đó đã đình chỉ vụ án, với lý do “Hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm”.
Bài học qua 2 vụ án
Có thể rút ra rất nhiều bài học qua 2 vụ án trên; riêng người viết bài này chỉ xin nêu hai vấn đề.
Trước hết, trong cả 2 vụ án, các bị cáo đều có dấu hiệu bị mớm cung, bức cung, nhục hình. Sẽ rất khó tìm bằng chứng cho những hành vi này. Điều quan trọng để ngăn chặn mớm cung, bức cung, nhục hình, đó là đẩy mạnh các cơ chế giám sát. Một trong những cơ chế hữu hiệu, người bị bắt có quyền im lặng cho đến khi có mặt người bào chữa; nói cách khác, các biên bản ghi lời khai của người bị bắt không có chữ ký luật sư sẽ không có giá trị pháp lý. Một cơ chế khác, các phòng hỏi cung phải được lắp camera; việc này tốt cho bị can, và tốt cho chính các điều tra viên (khi họ bị can phạm tố cáo có hành vi mớm cung, bức cung, nhục hình).
Một vấn đề nữa, trong cả 2 vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đều để xảy ra rất nhiều vi phạm tố tụng, dẫn đến hồ sơ vụ án không có đủ giá trị pháp lý để cột tội.
Ở vụ án ông Chấn, những vật chứng CQĐT thu giữ của ông Chấn đã biến khỏi kho tang vật mà không hề có quyết định tiêu hủy. Ở vụ án ông Đoan, những chiếc bao tải đem cho bị can nhận dạng lại không phải là bao tải đã được CQĐT thu giữ trước đó! “Những tài liệu vi phạm tố tụng không được sử dụng làm chứng cứ để cột tội” - nguyên tắc này cần được đưa vào Bộ luật TTHS mới mong ngăn chặn được hành vi vi phạm tố tụng.