Người tiếp nhận hộp đen tại cảng hàng hóa quốc tế Jakarta là Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Budi Karya Sumadi và người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Soerjanto Tjahjono.
Thiết bị này được tìm thấy bị chôn vùi dưới lớp bùn đất ở độ sâu 30m, tại vị trí cách toạ độ máy bay mất liên lạc khoảng 500m về phía Tây Bắc.
“Rất có thể đây là chiếc hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay (FDR). Chúng tôi sẽ biết chắc chắn khi hộp đen được đưa đến phòng thí nghiệm. Tuy nhiên tôi tin rằng đây là hộp FDR”, ông Soerjanto nói.
Thùng chứa hộp đen được đưa lên bờ. Ảnh: CNA
Hộp đen (nhỏ, màu da cam) được đặt trong thùng nước. Ảnh: CNA
Theo CNA, hộp đen FDR có chức năng ghi nhớ các dữ liệu cụ thể của máy bay, bao gồm tốc độ, độ cao và hướng di chuyển.
Việc phân tích dữ liệu từ FDR sẽ giúp cơ quan điều tra có được cái nhìn toàn diện về sự cố trên chuyến bay JT610, cũng như biết được nguyên nhân khiến máy bay bất ngờ lao xuống biển.
Quá trình trích xuất dữ liệu từ hộp đen sẽ mất khoảng 2 tuần.
Cùng lúc đó, các thợ lặn sẽ tiếp tục tìm kiếm chiếc hộp đen còn lại ghi âm thanh buồng lái.
Theo thông tin mới nhất, tiếng “ping” từ chiếc hộp đen thứ hai đã được phát hiện bởi đội thợ lặn cũng trong ngày thứ Năm.
Ngoài hộp đen, các thợ lặn Indonesia hiện mới chỉ thu thập được các mảnh vỡ của máy bay JT610, mà chưa tìm thấy phần thân chính của phi cơ gặp nạn. Đây được cho là nơi phần lớn các thi thể nạn nhân vẫn mắc kẹt vì vướng vào ghế ngồi.
Vụ tai nạn của phi cơ Lion Air JT610 là thảm họa hàng không tồi tệ nhất ở Indonesia kể từ năm 1997.
Chỉ 13 phút sau khi cất cánh lúc khoảng 6h15’ sáng 29/10 từ thủ đô Jakarta của Indonesia, chiếc máy bay mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air chở 189 người đã bất ngờ biến mất khỏi radar và rơi xuống vùng biển gần bờ.
Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan cứu hộ đã tìm thấy nhiều phần thi thể của các nạn nhân vụ rơi máy bay Lion Air. Toàn bộ 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn được cho là không còn khả năng sống sót.