Quy chế nhà cao tầng ở Hà Nội:

Nhiều ý kiến trái ngược

TP - Chủ trương di dời nhà máy, xí nghiệp ra khỏi nội thành những năm qua được xem là giải pháp giảm quá tải giao thông cho các quận nội đô. Tuy nhiên, khi hiệu quả còn chưa kịp kiểm chứng, việc UBND thành phố Hà Nội công bố Quy chế nhà cao tầng cho xây chung cư cao từ 18 đến 27 tầng  đang tạo ra nhiều luồng ý kiến trái ngược. 

Quy hoạch “chạy” theo dự án?

Theo Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử Hà Nội vừa được công bố, quy chế sẽ được áp dụng trên khu vực có diện tích khoảng 3.881 ha, nằm trên địa giới hành chính của các quận: Hoàn Kiếm,  Ba Đình, Đống Đa, một phần phía nam quận Tây Hồ, một phần phía bắc quận Hai Bà Trưng.

Quy chế vừa được công bố cho phép khu vực Vành đai I, các công trình được xây 18 đến 24 tầng, tương đương 86m; Vành đai 2, chiều cao tối đa xây dựng là 27 tầng, tương đương 97m; Ven đê sông Hồng, chiều cao 18 đến 21 tầng; một số khu chung cư cũ có mật độ dân cư cao như Văn Chương, Ngọc Khánh, Hào Nam, Kim Liên, Thanh Nhàn, Láng Hạ, Nguyễn Công Trứ được xây 18 đến 25 tầng. Cá biệt, có hai điểm nhấn còn được phép xây cao hơn. Nhìn vào quy chế có thể thấy nhiều khu vực vốn có mật độ dân cư cao, ngột ngạt về giao thông, giáo dục như Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ, Văn Chương sẽ phải chịu thêm một lượng dân cư lớn khi nhà tập thể cao 4 đến 5 tầng được đập đi để xây dựng thành các toà chung cư cao 18 đến 25 tầng.

Sau khi Quy chế nhà cao tầng nội đô Hà Nội được công bố, nhiều chuyên gia e ngại trước khả năng chịu tải của hệ thống hạ tầng vốn đã ở trong tình trạng ngột ngạt quá tải nhiều năm qua.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích: “Chủ trương làm mới thành phố bằng các dự án cải tạo, xây mới các khu chung cư cũ là đúng. Tuy nhiên, khi quyết định chuyển hoá thành khu chung cư cao 18 đến 27 tầng, các đơn vị chịu trách nhiệm làm quy hoạch phải tính cho phù hợp với hệ thống giao thông, hạ tầng xung quanh. Quy chế vừa ban hành chỉ nêu chung chung cần kết nối với hạ tầng khu vực, nhưng hạ tầng các khu vực vừa được duyệt xây chung cư cao 18 đến 27 tầng hiện nay ra sao, tất cả đều đã rõ. Chỉ với các dãy nhà cao 5 tầng, khu Ngọc Khánh, Hào Nam, Văn Chương đã quá tải. Nếu tăng chiều cao lên gấp ba lần, dân số cơ học sẽ tăng lên theo thì hạ tầng nào chịu nổi? Trong khi không có thêm quy hoạch nào về giao thông được đưa ra song hành với chủ trương tăng cao ốc khu vực nội đô…”.

Cao ốc phải tương xứng khả năng chịu tải của hạ tầng 

Ở khía cạnh khác, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nêu quan điểm ủng hộ Quy chế nhà cao tầng khu vực nội đô vừa được công bố, bởi nó có thể “cởi trói” cho các nhà đầu tư tham gia vào việc cải tạo, xây mới các khu tập thể cũ đang xuống cấp. Tuy nhiên, điều ông Đặng Hùng Võ và nhiều chuyên gia còn băn khoăn, đó là quy hoạch được công bố liệu đã tính toán kỹ khả năng chịu tải của hạ tầng? Quy chế nhà cao tầng có được xây dựng song song cùng quy hoạch hạ tầng từng khu vực? Trong Quy chế nhà cao tầng vừa công bố lại không đưa ra số liệu cho thấy Quy chế nhà cao tầng sẽ tương ứng với khả năng chịu tải của hạ tầng, nên những lo ngại của giới chuyên gia không phải không có căn cứ.

Ông Võ cho biết: “Tôi ủng hộ chủ trương xây dựng các khu đô thị mới ở các khu vực tập trung nhiều nhà tập thể cũ nát. Tuy nhiên, cho phép các chung cư cải tạo, xây mới được đồng loạt xây dựng từ 18 đến 27 tầng là việc rất lớn, nó có thể làm dân số cơ học ở các khu vực vốn đang quá tải tăng lên nhiều lần. Do vậy, Quy chế nhà cao tầng nội đô cần được xem xét cho tương xứng với khả năng chịu tải của hệ thống hạ tầng. Tình trạng quá tải giao thông, quá tải trường học ở khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính thuộc quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, hay một loạt khu đô thị đầu đường Lê Văn Lương kéo dài, do dân số cơ học tăng cao ở các toà nhà chung cư cao tầng là bài học không thể bỏ qua. Khu vực nào hạ tầng chứng tỏ chịu tải được thì cho xây cao trên 20 tầng, khu nào đã quá tải thì phải làm mới hạ tầng trước khi phê duyệt cho xây cao tầng…”.

Quy chế vừa được công bố cho phép khu vực Vành đai I, các công trình được xây 18 đến 24 tầng, tương đương 86m; Vành đai 2, chiều cao tối đa xây dựng là 27 tầng, tương đương 97m; Ven đê sông Hồng, chiều cao 18 đến 21 tầng; một số khu chung cư cũ có mật độ dân cư cao như Văn Chương, Ngọc Khánh, Hào Nam, Kim Liên, Thanh Nhàn, Láng Hạ, Nguyễn Công Trứ được xây 18 đến 25 tầng. 

MỚI - NÓNG