Nhiều vùng ngập chìm trong lũ

Nhiều vùng ngập chìm trong lũ
TP - Người dân Quảng Bình đối mặt trận lũ đầu tiên trong năm. Nước lũ cũng đã nhấn chìm nhiều làng mạc, nhiều tuyến đường bị chia cắt...

Vỡ đê liên tục, lũ lụt tấn công nhà dân
> Lũ cuốn trôi 55 nhà ở Đồng Tháp

Đã có người chết vì mưa lũ

Theo Ban chỉ huy PCLB và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình, mưa lớn trong mấy ngày qua khiến mực nước ở các sông lên nhanh, đặc biệt ở đầu nguồn sông Gianh thuộc hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Đến 18h chiều ngày 1-10, toàn tỉnh có gần 3.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó gần 1.500 ngôi nhà ngập từ 1m đến 4m. Mưa lũ cũng đã làm 2 người chết gồm: Anh Nguyễn Văn Ngợn (45 tuổi), ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch; Cháu Nguyễn Quang Vinh (5 tuổi), ở xã Quang Phú, TP Đồng Hới.

Chiều tối 1-10, dù mưa đã có dấu hiệu ngớt nhưng nước lũ vẫn ngập sâu khiến nhiều xã bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài như: Hóa Sơn, Thượng Hóa, Tân Hóa... (Minh Hóa). Ở huyện Tuyên Hóa, các xã dọc triền Sông Gianh đã phải di dời hơn 1.000 người đến nơi an toàn. Quốc lộ 15 bị ngập và chia cắt tại ba điểm là cầu Quang Hóa, Khe Đèng, Khe Bẹ; khu vực Khe Nét bị sạt lở nghiêm trọng. Huyện Bố Trạch cũng đã tổ chức di dời gần 2.500 người ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tại các xã vùng Nam và vùng cồn bãi huyện Quảng Trạch, nước lũ dâng cao cũng làm ngập nhiều ngôi nhà, cô lập với bên ngoài. Cả tỉnh có gần 1.000 ha hoa màu và lúa hè - thu muộn bị ngập, có nguy cơ mất trắng.

Dân Tân Hóa lại phải chạy vào núi đá

Tại xã rốn lũ Tân Hóa, theo ghi nhận của PV, chỉ còn 9/621 hộ không bị ngập. Nước tràn vào nhà từ chiều 30-9. Nặng nhất là ở Thôn 3 và Thôn 4. Ở đây có nhiều nhà đã ngập nóc, còn đa số là chạm mái.

Ông Cao Thanh Bình - Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa cho biết: Rút kinh nghiệm từ cơn lũ năm ngoái, năm nay chính quyền và người dân đã chủ động ứng phó. Từ chiều 30-9, chính quyền đã tập trung chỉ đạo các lực lượng giúp dân vận chuyển lương thực thực phẩm đến nơi khô ráo, làm lán trại dọc các triền núi để có nơi trú ẩn khi nước lên cao. Đặc biệt, người dân Tân Hóa đã có sáng kiến làm nhà bè để chống lũ. Mỗi chiếc nhà bè được kết từ 5 đến 20 chiếc thùng phuy rỗng, ở trên lát gỗ, dựng cột và lợp bằng bạt. Tiện ích của nhà bè là có thể chở được người, lương thực, thực phẩm và các vật dụng thiết yếu... Nước lũ lên đến đâu, nhà bè nổi đến đó.

“Mỗi hộ chỉ phải bỏ tiền mua thùng phuy, bạt... còn gỗ thì đã có sẵn nên một chiếc nhà bè chỉ tốn từ 3 đến 7 triệu đồng” - ông Bình cho biết.

Mặc dù vậy, nhiều gia đình vẫn không đủ tiền để đóng nhà bè nên phải vào trú ẩn ở các triền núi đá. Cả xã có gần 100 hộ đã phải di dời lên núi từ tối 30-9. Tại một triền núi cách thôn 4 chừng 300m, gần chục hộ dựng lều trại tránh lũ. Anh Cao Xuân Bá - một người dân lên núi tránh lũ cho biết, nhà anh ở thôn 4, vừa nhỏ lại vừa thấp nên ngay trong chiều 30-9 khi nước ngập nhà là anh đưa vợ con chạy lên núi. Anh đang bị sốt rét nên không mang được gì theo. “Cũng may mà có mấy người hàng xóm mang theo được gạo cơm, cho ăn nhờ chứ không là chết đói thôi chú à” - anh Bá nằm cuộn trong chiếc chăn vừa run, vừa nói.

Bên cạnh gia đình anh Bá là chiếc lán của ba ông cháu Cao Xuân Đống. Ông Đống 75 tuổi, được con cháu đưa lên đây từ chiều 30-9: “Lạnh lắm. Mưa tạt vô làm ướt hết áo quần, chăn màn, đêm ngủ không được. Lạy trời lũ rút mau mau chứ không là chết vì lạnh mất”.

“Dân tui chắc phải bỏ xứ mà đi thôi. Khổ không chịu nổi nữa rồi. Cứ tưởng năm ngoái làm một trận rứa là thôi, ai ngờ năm ni lại tiếp tục. Dân tui đã hoàn hồn mô, sau trận lũ lịch sử năm ngoái, mới thu hoạch được một vụ, cái đói vừa nguôi ngoai thì nay gần 60ha lúa ngô hè - thu chưa kịp thu hoạch rứa là mất trắng. Lũ mà rút là lại trắng tay, lại đói kém rồi” - ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa than thở.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG