Ngày 17/11, Thanh tra TPHCM công bố kết luận thanh tra (KLTT) việc chấp hành pháp luật trong việc thực hiện dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận 7 (viết tắt là Ban QLDA).
Thi công không phép
Theo KLTT, trong năm 2019, Ban QLDA được cấp vốn để thực hiện 128 dự án thuộc vốn ngân sách của Thành phố và quận 7. Trong quá trình quản lý và triển khai thực hiện dự án đầu tư của Ban, có 4/128 dự án chậm triển khai; 8/128 dự án chậm tiến độ, trong đó có 4 dự án ban QLDA đang trình xin điều chỉnh thời gian thực hiện. Ngoài ra, có 7/128 dự án chậm lập báo cáo quyết toán hoàn thành khi công trình đã đưa vào sử dụng.
Thanh tra TPHCM chỉ ra một số sai phạm về việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án. Cụ thể, trong năm 2019, ban QLDA thu trên 7,1 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 67,4% so với dự toán là chưa sát với tình hình thực tế. Ban QLDA chưa nộp thuế đối với khoản thu 214 triệu đồng cũng như nộp số tiền chênh lệch thu, chi ngân sách đối với số tiền bán hồ sơ mời thầu.
Công ty Cổ phần xây dựng Huy Khôi tư vấn lập dự toán dự án Xây dựng hàng rào vỉa hè Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng và Tân Kiểng) đã áp sai mã đơn giá nhân công, không ghi đơn giá máy với tổng số tiền gần 3,8 triệu đồng. Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Hoàng Phúc Thành tư vấn đấu thầu dự án Nạo vét, xây dựng bờ kè ao số 3 (phường Tân Quy) đã đề xuất chọn Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Quận 7 trúng thầu, nhưng chưa bảo đảm hồ sơ dự thầu. Có 7/10 dự án nhà thầu thi công xây dựng công trình ghi nhật ký thi công không có các thông tin liên quan, nghiệm thu, điều chỉnh kỹ thuật công việc xây dựng hàng ngày trên công trường. Riêng công trình “Nâng cấp hẻm 180 đường Bùi Văn Ba, phường Tân Thuận Đông” không có giấy phép thi công.
Trong khi đó, các cá nhân của ban QLDA (chủ đầu tư) được phân công nhiệm vụ đã: Không lập tờ trình để trình Ban QLDA phê duyệt, thẩm định đối với một số hạng mục; thiếu các chứng chỉ phù hợp trong việc tham mưu thẩm định; trình, phê duyệt các quyết định lựa chọn nhà thầu bằng hình thức chỉ định thầu; không đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu (nhà thầu được chỉ định thầu).
Xây trường là… nứt
Dự án xây dựng Trường Mầm non Tân Phong do ban QLDA đầu tư xây dựng vừa khánh thành, đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều vết nứt. Qua kiểm tra hiện trạng, Thanh tra TPHCM xác định công trình có nhiều vết nứt tường tại các vị trí mặt tiền các tầng. Tường của các lớp học cũng xuất hiện nhiều vết nứt. Vị trí sân trường lồi lõm tại các vị trí tiếp giáp khối nhà…
Theo Thanh tra TPHCM, trách nhiệm được thuộc về Giám đốc Ban QLDA, Phó Giám đốc Ban QLDA quản lý phụ trách Tổ kỹ thuật 1 và 2 cùng cá nhân, tổ chức thuộc Ban từng thời kỳ liên quan và kiến nghị Chủ tịch UBND TPHCM giao Chủ tịch UBND Quận 7 tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm tổ chức, các cá nhân có liên quan và có biện pháp chấn chỉnh các vấn đề đã nêu tại kết luận thanh tra…
Điều đáng nói, đây là công trình trường học thứ hai do Ban QLDA thực hiện gặp sự cố lún nứt. Trước đó, công trình Trường THPT Tân Phong với tổng kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ đồng (trong đó phần xây dựng cơ bản là 16 tỷ đồng) với quy mô 34 phòng học cùng các phòng chức năng khác do công ty Tư vấn thiết kế ACC Co thiết kế và công ty Đầu tư & Xây dựng Tân Thuận trúng thầu xây dựng đã bị hư hỏng nặng chỉ sau 2 năm đưa vào sử dụng.
Cụ thể, toàn bộ nền tầng trệt bị sụt lún. Tường nhiều nơi bị nứt. Các vết nứt lớn nhỏ xuất hiện khắp nơi. Theo lãnh đạo ban QLDA, công trình được xây trên nền đất yếu thì sụt lún là không thể tránh khỏi. Đối với công trình này, trong quá trình khảo sát, đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng cũng như đơn vị thi công đã không đánh giá hết mức độ phức tạp của địa chất nên xảy ra sự cố sụt lún nghiêm trọng.
Trước tình hình công trình xuống cấp không phanh, theo đề nghị của ban QLDA, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Bách Khoa đã tiến hành kiểm định chất lượng và kết luận công trình sẽ còn tiếp tục bị lún trong vòng 18 năm tới.
Trước tình hình công trình "xuống cấp không phanh", theo đề nghị của ban QLDA, Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Bách Khoa đã tiến hành kiểm định chất lượng và kết luận công trình Trường THPT Tân Phong sẽ còn tiếp tục bị lún trong vòng 18 năm tới.