Nhiều vi phạm ở bãi sông Hồng qua Hà Nội: Ai bảo kê?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sông Hồng chảy giữa Hà Nội nên không gian rộng lớn hai bờ trở thành nơi thư giãn, giải trí quan trọng và tất nhiên là điểm kinh doanh đắc địa. Và vùng đất được ví như mỏ vàng này đang xảy ra nhiều vi phạm về sử dụng đất, trật tự xây dựng, khai thác cát…

Bài 1: Nhà hàng, khu sinh thái không phép

Vi phạm tại các bãi sông Hồng như nấm, lãnh đạo địa phương nói không biết, thậm chí cho rằng có “xã hội đen” bảo kê nên rất phức tạp. Vậy, câu hỏi đặt ra là chính quyền đang ở đâu?

Vi phạm ngang nhiên

Cuối ngõ 76 phố An Dương (nơi giáp ranh 3 phường Tứ Liên, Yên Phụ quận Tây Hồ và Ngọc Thuỵ, quận Long Biên) có bãi cát, đá, xi măng gạch đỏ… quy mô lớn, luôn xuất hiện máy xúc, xe nâng. Bãi vật liệu này cứ vài ngày lại vơi, rồi lại được các xe tải lớn chở bù vào. Hằng ngày, những chiếc “xe cóc” (xe ba bánh gắn thùng phía sau) len lỏi vận chuyển cát, gạch, xi măng đi phân phối khắp bãi sông Hồng này.

Theo một chuyến xe, chúng tôi có mặt tại một khu trang trại rộng chừng 3-5ha (trên bản đồ của Google được “ghim” là Trang trại ông Dẻo). Chiếc xe đầy ắp gạch đỏ phăng phăng theo đường đá rồi đổ xuống khu vực cạnh mép sông. Hai bên đường của trang trại được chia thành các ô lớn. Móng của các ô này được xây bằng gạch; trên dựng cột sắt, rào bằng lưới B40. Giữa mỗi ô có cổng sắt mở vào một lối đi lát gạch. Lối đi đường lát gạch này dẫn vào các căn nhà bằng tường gạch, lắp cửa gỗ, mái lợp lá. “Trang trại” này có gần 10 căn nhà được dựng tương tự như thế nhưng các xe cóc vẫn tiếp tục đưa vật liệu vào để tiếp tục xây dựng. Người dân xung quanh chỉ biết chủ khu vực này tên là Chiến, không biết thường trú ở đâu.

Nhiều vi phạm ở bãi sông Hồng qua Hà Nội: Ai bảo kê? ảnh 1

Bên trong khu sinh thái Đầm Trành

Chúng tôi tiếp tục tìm vào Thảo viên Gió sông Hồng gần đó. Thảo viên có nhiều khu nhà dựng bằng cột tre, nền lát gạch. Trong tiếng nhạc xập xình, nhiều đoàn khách đang ăn nhậu, hát hò. Để phục vụ thượng đế, khu này còn dựng cả sân bóng, khu tiểu cảnh bằng bê tông cốt thép. Ngỏ ý muốn thuê chỗ vui chơi, người quản lý cho biết, giá thuê chỗ để tổ chức ăn uống ở đây là 100 nghìn đồng/người, chưa tính phí đồ ăn và các dịch vụ khác... Tuy nhiên, khách vào sẽ không có vé, không xuất hoá đơn.

Gần đó, nhiều khu cũng được quảng cáo là những nơi cắm trại, nghỉ ngơi, giải trí trên đất bãi sông Hồng như Bản KaTo, Đồng Cam, Sweet Garden, Đảo chuối Island, Vườn của Mỵ... Trong các khu này, ngoài khu vực trồng hoa như một trang trại, hầu hết đều xây dựng quầy bar, khu nấu nướng, ăn uống phục vụ khách…

“Đất bãi rất phức tạp. Có nhiều mối quan hệ, thậm chí dân xã hội đe dọa, chặn đường, gọi điện nhắn tin…”.

Ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy

Khi trao đổi về những khu vực có vi phạm trên, ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thuỵ nói “Chưa nghe tên bao giờ”. Về khu homestay “Trang trại ông Dẻo” đang hình thành, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thuỵ cũng nói rằng “chưa nắm được”.

Nhiều vi phạm ở bãi sông Hồng qua Hà Nội: Ai bảo kê? ảnh 2

Hình ảnh bên trong Thảo viên Gió sông Hồng ảnh: Long Vân

Nhiều vi phạm ở bãi sông Hồng qua Hà Nội: Ai bảo kê? ảnh 3

Vi phạm tại bãi sông Hồng

Ông Hoàng Văn Lực cho hay, diện tích đất bãi sông Hồng do phường Ngọc Thuỵ quản lý khoảng 180 ha; phường và quận chưa ký bất kỳ hợp đồng cho thuê, thầu nào tại khu vực này. “Trung bình 1 tuần 2 buổi có đoàn liên ngành đi kiểm tra, xử lý. Nếu nói về điểm du lịch có một điểm là Thảo viên gió sông Hồng tồn tại từ lâu, chúng tôi đang đề xuất với quận ký hợp đồng thầu; còn các điểm phát sinh, chúng tôi đều ra quân xử lý”. Nói rồi ông Lực giải thích: “Đất bãi rất phức tạp. Có nhiều mối quan hệ, thậm chí dân xã hội đe doạ, chặn đường, gọi điện nhắn tin…”, ông Lực cho hay.

Trường đua xe trái phép trên đất bãi

Khu sinh thái Đầm Trành (Thạch Bàn, Long Biên), nằm ngay sát đê Long Biên, rộng tới 22ha. Vé vào cửa là 75.000 đồng/người lớn, 50.000 đồng/trẻ em. Từ trên cao nhìn xuống, ở giữa khu sinh thái này là công viên trồng cây theo 10 hình tròn đồng tâm với chiều dài đường đi giữa các vòng tròn này là 1,8km.

Nếu chỉ có thế, khu sinh thái này có thể coi là một mô hình nông nghiệp kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, khu Đầm Trành đã biến tấu với rất nhiều hoạt động phi nông nghiệp. Trong đó có khu cưỡi ngựa - “VietGangz- Horse club”. Ngay gần cổng vào khu vực này có một ngôi nhà kiên cố, được lát nền gạch đỏ, các cột trụ nhà được làm bằng thân gỗ to. Phía sau ngôi nhà là sân cưỡi ngựa, phủ cát, có rào chắn bằng các thanh thép quây xung quanh. Theo quảng cáo, vé vào cửa của khu cưỡi ngựa từ 66 -99 nghìn đồng/người. Đối diện khu cưỡi ngựa, các chòi câu cá, ăn uống được dựng sát mép hồ. Phía sau còn 2 sân tenis đang hoạt động.

Đặc biệt, sân đua xe Go-kart (một loại xe đua 4 bánh) được xây dựng hoành tráng với đường đua được trải bê tông. Khi phóng viên có mặt, có khoảng 20 - 30 khách đang sử dụng dịch vụ này. Giá vé vào cửa được thông báo là 355 nghìn đồng/người cho 20 phút sử dụng xe.

Ông Bùi Trí Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (địa bàn có khu Đầm Trành) cho hay, khu sinh thái Đầm Trành do Cty TNHH Rau Sạch Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo kết luận của Thanh tra Sở TN&MT TP Hà Nội, khu vực Đầm Trành có 22 hạng mục vi phạm, phường đang chỉ đạo, đôn đốc để chủ đầu tư thực hiện khắc phục. Hạng mục Go-kart, bắn cung, phường đã lập biên bản (vào tháng 8/2022) và yêu cầu dừng triệt để hoạt động vì không đủ điều kiện về pháp lý về kinh doanh, an toàn và phòng cháy chữa cháy… Ông Đức cho rằng, có khả năng, lúc phường kiểm tra thì họ dừng (!?).

Gần đó, tại Vườn nhãn Long Biên trên đất bãi bồi sông Hồng (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy, phường Long Biên, quận Long Biên) rộng 9ha cũng đủ các dịch vụ phi nông nghiệp. Khu vực này được quây rào chắn bằng lưới sắt, có đoạn đường vào bị đào xới, xe không thể di chuyển qua. Bên trong được bày trí lều trại, xích đu, cầu trượt và một khu nhà được dựng bằng gỗ để phục vụ… Vào những dịp lễ hoặc ngày nghỉ cuối tuần, khu sinh thái này là nơi có hàng ngàn người đến cắm trại, chụp ảnh kỉ yếu, thăm quan.

Báo Tiền Phong từng phản ánh, nơi đây thu phí 50 nghìn đồng/người muốn vào. Việc thu phí công khai, không có giấy tờ, phiếu thu. Đáng nói, việc cho thuê khu đất này đã được UBND phường Long Biên cho biết chấm dứt từ lâu. Vậy mà hiện tại, việc thu phí ra vào đây hiện vẫn công khai. Tại đây còn những khu sinh thái khác như Cúc Họa mi Long Biên Sydney, Thảo nguyên hoa… đang hoạt động không phép trên đất nông nghiệp. Kế đó là một khuôn viên rộng hàng nghìn m2 có sân tập golf có gắn biểu tượng của Tập đoàn Hoà Phát. Bên trong khuôn viên này có sân tập golf với vòi xịt nước tự động, khu phát bóng có mái che…Kế đó là nhiều ngôi nhà kiên cố, cây cối và bể bơi.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.