Nhiều trường lên phương án xét tuyển

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Ảnh: Nguyễn Dũng.
TP - Dù chưa có đề án xét tuyển chính thức nhưng sau khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT và xét tuyển ĐH-CĐ năm 2017, nhiều trường đại học cho biết đã lên phương án xét tuyển.

Lấy kết quả từ kỳ thi THPT Quốc gia

PGS. TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mở TPHCM, cho biết, năm 2017, dự kiến trường chỉ xét tuyển theo khối thi truyền thống. “Lúc đầu, trường dự kiến cho thí sinh làm bài kiểm tra năng lực đầu vào nhưng do trường đào tạo đa ngành nên rất khó để có bài test chung phù hợp”, ông Hà nói. ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Tài nguyên - Môi trường TPHCM, ĐH Đà Nẵng… cũng dự kiến lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia để xét tuyển. Các trường thuộc ĐHQG TPHCM vẫn chưa có phương án xét tuyển dự kiến do chưa họp bàn với các trường thành viên.

Vừa xét bài thi tổ hợp vừa xét khối thi truyền thống

PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TPHCM, cho biết, trường sẽ có một số điều chỉnh so với năm 2016 để phù hợp tình hình thực tế như vừa xét theo khối thi truyền thống vừa xét theo bài thi tổ hợp. Ông Dũng lấy ví dụ, với ngành Kỹ thuật Y sinh, sẽ xét theo bài thi tổ hợp gồm Toán và bài thi khoa học tự nhiên, còn với ngành Ngôn ngữ Anh, Sư phạm Anh, sẽ lấy tổ hợp của các bài thi gồm Toán, Anh, Văn và bài thi khoa học xã hội. Đối với các môn còn lại, trường sẽ xét theo khối truyền thống lấy từ điểm thành phần của các bài thi tổ hợp.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết, dự kiến áp dụng nhiều phương án tuyển sinh để đảm bảo nguồn tuyển cũng như chất lượng đầu vào. Trong đó, trường vẫn duy trì phương án xét tuyển như các năm 2015, 2016 là kết quả của các khối thi truyền thống như A, A1, B, D1 và kết quả học bạ THPT… Trong khi đó, PGS. TS Lê Hoàng Nghiêm, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết: “Năm 2017, trường không sử dụng bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội mà vẫn xét theo các khối thi truyền thống như A, A1, B, D… Những năm về sau, tùy tình hình thực tế, trường sẽ thay đổi phương án xét tuyển có sự tham gia của bài thi tổ hợp”.

Không chấp nhận phương án TPHCM thi riêng

Ngày 4/10, Bộ GD&ĐT có công văn trả lời về đề xuất “Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT” của TPHCM. Theo đó, Bộ GD&ĐT khẳng định ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã làm việc với lãnh đạo TPHCM về giáo dục và đào tạo của thành phố. Theo kết luận của buổi làm việc, Bộ sẽ xem xét các đề xuất về phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố, trong đó có đề xuất về thi và xét tốt nghiệp THPT, trong “Đề án tổng thể phát triển giáo dục và đào tạo thành phố đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định, đến nay, Đề án này chưa được thành phố xây dựng xong. Về công tác thi và xét tốt nghiệp THPT, ngày 28/9, Bộ đã ban hành phương án thi THPT quốc gia năm 2017 và các năm tiếp theo thống nhất chung trong cả nước. Vì vậy, Bộ đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời theo tinh thần công văn này, đảm bảo sự thành công chung của kỳ thi.    

Nghiêm Huê

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.