Theo Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, toàn tỉnh hiện chỉ tổ chức dạy học ở 33 trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT đủ điều kiện an toàn.
Khoảng hơn 400 trường còn lại nằm trong nguy cơ xảy ra lũ, ngập lụt, sạt lở đã đóng cửa trường học cách đây ít ngày và sẽ tiếp tục cho học sinh nghỉ học đến khi đảm bảo an toàn. Hiện địa phương còn có 7 trường bị ngập lụt, một số trường nứt trần các dãy nhà lớp học, nứt mái tôn. Đặc biệt, có 4 trường bị sạt ta luy và nhiều trường có nguy cơ sạt lở.
Một trường học ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị ngập sâu trong nước. |
Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai cũng thông tin nhiều huyện, thị xã tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Trước đó, có 42 trường học ở các huyện, thị xã bị ảnh hưởng do sạt lở taluy. Đặc biệt, Trường THCS&THPT huyện Bát Xát sạt lở vùi lấp hoàn toàn 16 phòng ở của học sinh bán trú. Một số trường bị ngập, có nguy cơ sạt lở. Tỉnh này cũng có trẻ mầm non tử vong do sạt lở nhà dân.
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo điểm trường có nguy cơ sạt lở phải di chuyển giáo viên, học sinh đến nơi an toàn.
Các tỉnh như Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên… cũng tiếp tục thông báo cho học sinh nghỉ học để phòng tránh lũ lụt.
Sở GD&ĐT thành phố Hải Phòng hôm qua thông báo, sau bão Yagi, các trường học trên toàn thành phố bị ảnh hưởng nặng nề với gần 2.700 phòng học tốc mái, bung cửa, trong đó có nhiều phòng chưa thể sửa chữa, khắc phục ngay đã làm đình trệ việc dạy học trở lại.
Sở GD&ĐT Hải Phòng đã lập các đoàn kiểm tra đôn đốc, khắc phục tình trạng trường học để sớm mở cửa đón học sinh đi học trở lại. Trước mắt, Hải Phòng mới chỉ cho 53 trường đảm bảo an toàn đón học sinh đi học trở lại.
Hà Nội: Nhiều trường chuyển sang học trực tuyến
Tại Hà Nội từ hôm nay, nhiều trường học kích hoạt dạy học trực tuyến trở lại nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh trong những ngày mưa lũ.
Bà Đào Thị Thuỷ, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến kết hợp trực tiếp từ hôm nay. Hình thức này được áp dụng trong trường hợp mỗi lớp học có từ 5 học sinh trở lên nghỉ do thiên tai, dịch bệnh.
Tương tự, các trường như: THPT Khoa học giáo dục, THCS Ngoại Ngữ, THCS - THPT Lương Thế Vinh… cũng thông báo học sinh chuyển sang học trực tuyến ứng phó với mưa ngập.
Trường THCS Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. |
Sáng nay (11/9), trường Tiểu học, THCS &THPT Archimedes huyện Đông Anh, cho biết, hàng nghìn học sinh của trường, từ tiểu học đến THCS trên địa bàn dừng dạy học trực tiếp, chuyển dạy online.
Chia sẻ của giáo viên trong trường, học sinh của trường thuộc khắp nơi như bên cả Bắc Ninh hay các huyện như Long Biên, Sóc Sơn và nội thành Hà Nội sang học. Có nhiều vùng của học sinh nước ngập sâu cả 1-2m không thể đến trường được. Từ hôm qua, trường thông báo cho hơn học sinh cả ba cấp, cha mẹ học sinh có thể đến đón con về sớm từ 14h chiều và từ hôm nay sẽ học trực tuyến.
“Lúc đầu nhà trường chỉ tính phương án học trực tuyến sáng nay. Nhưng từ sáng nay xem thông báo, nước lũ vẫn dâng cao ở khu vực sông Hồng nên nhà trường quyết định tạm thời học trực tuyến cho đến khi nước rút và ổn định trở lại”- vị giáo viên này cho hay.
Tương tự, trường Tiểu học Archimedes Academy (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho học sinh học trực tuyến từ sáng nay vì đường vào trường đều bị ngập sâu.
Ở khu vực nội thành, nhiều trường cũng nhanh chóng chuyển sang học trực tuyến từ hôm nay.
Theo thông tin từ trường THCS Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trường cũng điều chỉnh giờ học online, rút ngắn mỗi tiết chỉ 40 phút để học sinh không ngồi máy tính quá lâu. Thời gian nghỉ giữa các tiết dài hơn để giáo viên chuyển giữa các lớp.
"Sáng nay, nhiều thầy cô ở Long Biên, Hà Đông không tới được trường vì ngập. Do đó, trường sẽ tiếp tục học online thêm ngày mai"- nhà trường cho hay.
Trong khi đó, trong ngày hôm nay, trường Ha Noi Adelaide School có thông báo điều chỉnh kế hoạch học tập từ chiều qua.
Theo đó, học sinh sẽ được nghỉ học trong ngày 11/9 để đảm bảo an toàn trong điều kiện thời tiết bất lợi. Nhà trường sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thời tiết thực tế và các thông báo từ cơ quan chức năng để quyết định học tập trong 2 ngày cuối tuần: thứ 5 và thứ 6 (ngày 12,13/9).
Học sinh trường Archimedes Đông Anh học trực tuyến. Ảnh: NVCC |
Nhiều trường chuẩn bị phương án
Theo cô Nguyễn Ngọc Dung, Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai, Hoài Đức- Hà Nội đang như “ ngồi trên đống lửa” vì một số khu vực trong vùng bắt đầu ngập.
Hiện tại, giáo viên và ban giám hiệu trường “nín thở” vừa xem xét tình hình từ những văn bản lệnh báo lệnh lũ của ban chỉ huy phòng chống thiên tai của thành phố Hà Nội.
Cô Dung cho rằng, các giáo viên đã dạy học online trong đợt dịch Covid-19 nên thành thạo công nghệ thông tin và các ứng dụng.
Tuy nhiên, điều vị hiệu trưởng này cho rằng, giáo viên và nhà trường có chuẩn bị bài giảng và tập dượt tốt đến đâu nhưng trong điều kiện nước dâng cao, lũ lớn thì sợ nhất mất điện.
"Từ giờ đến chiều chúng tôi sẽ cân nhắc cho học sinh học trực tuyến hay không. Tuy nhiên, đây là giải pháp tình thế. Tôi lo với tình trạng mưa lũ, có thể sẽ bị cắt điện. Không có điện thì việc học trực tuyến sẽ không ổn. Mặt khác, mưa gió dẫn đến việc được truyền không ổn định, điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng học. Nhưng tình hình này thì cứ chuẩn bị nhiều phương án", cô Dung cho hay.
Ông Giáp Văn Dương, chủ tịch Hội đồng giáo dục của Times School chia sẻ, trường chiều nay có họp về vấn đề học trực tuyến nếu trường hợp báo lũ vẫn chưa có thuyên giảm.
“Trường tôi mới chuẩn bị, chưa quyết định có học online không. Khác với lần dịch covid-19, lần này khi lũ lên sẽ có thể mất điện, mất internet. Nhà trường chuẩn bị phương án sẵn sàng nhưng chưa triển khai”- ông Dương chia sẻ.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sáng 11/9, toàn thành phố có 126 trường tạm dừng đón học sinh do ảnh hưởng của mưa lớn, tăng gần 10 trường so với hôm qua. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, trời còn mưa lớn, dự báo số lượng trường phải tạm dừng học trực tiếp sẽ nhiều hơn.
Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, các trường ở xã đảo Minh Châu cũng chuyển sang học trực tuyến từ hôm nay để đảm bảo an toàn cho giáo viên. Bởi nhiều giáo viên phải đi đò qua xã đảo để dạy học trong điều kiện nước mưa lũ lớn như hiện nay không đảm bảo.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát chia sẻ, tính đến hôm nay huyện có 16 trường phải đóng cửa. Để không bị gián đoạn việc học, Phòng GD&ĐT chỉ đạo 13 trường tiểu học, THCS chuyển sang dạy học trực tuyến. Riêng các trường mầm non ở điểm ngập lụt được thông báo ở nhà nhằm đảm bảo an toàn.
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, toàn thành phố có 126 trường bị hư hỏng sau bão, bị ngập lụt… chưa thể đón học sinh quay lại trường học. Nhiều trường tại huyện Chương Mỹ, Quốc Oai bị ngập sâu.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, trước nguy cơ nước sông Hồng dâng cao khiến các trường học ngoài đê có thể bị ngập lụt, Sở đã đi kiểm tra và chỉ đạo, các trường không an toàn tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Nếu không thể tổ chức dạy học trực tiếp, nhà trường thông báo triển khai dạy học trực tuyến.
Sở cũng đã yêu cầu Phòng GD&ĐT Ba Vì chỉ đạo học sinh, giáo viên ở các trường xã đảo Minh Châu hạn chế đi lại qua đò, phà trong thời gian này nhằm đảm bảo an toàn.
Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ đạo tới các Sở GD&ĐT và đơn vị xuất bản, phát hành sách giáo khoa phối hợp rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình sách giáo khoa bị hư hại do ảnh hưởng của bão lũ để khẩn trương in ấn bổ sung và cung ứng kịp thời cho giáo viên, học sinh tổ chức dạy học, ưu tiên cho học sinh các lớp đầu cấp và cuối cấp. Không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung sách giáo khoa. Kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ học sinh, gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bị thiệt hại do mưa, bão sớm ổn định học tập và thực hiện các giải pháp để việc dạy học ở các nhà trường an toàn, hiệu quả.