Nhiều trường áp dụng quy định của Bộ về xử lý sinh viên bán dâm

Nhiều trường áp dụng quy định của Bộ về xử lý sinh viên bán dâm
Đa số trường áp dụng Thông tư 10 quy định nếu sinh viên bán dâm lần 4 sẽ bị đuổi học, trừ Đại học Sư phạm Hà Nội 2.

Quy chế Công tác sinh viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội có hiệu lực từ tháng 1/2017, áp dụng cho tất cả trường thành viên, khoa trực thuộc, đơn vị phục vụ công tác đào tạo đại học hệ chính quy và tổ chức, cá nhân có liên quan. Khung xử lý sinh viên vi phạm quy chế của Đại học Quốc gia Hà Nội tương tự Thông tư 10 (năm 2016) ban hành Quy chế công tác sinh viên với chương trình đào tạo đại học chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, hình thức kỷ luật sinh viên hoạt động mại dâm được tính theo số lần vi phạm. Lần 1 là khiển trách, lần 2 là cảnh cáo, lần 3 là đình chỉ học có thời hạn và tái diễn lần 4 bị buộc thôi học.

Quy chế Công tác sinh viên của Đại học Đà Nẵng áp dụng từ năm học 2018-2019 cho các trường thành viên, trong đó có Đại học Sư phạm, cũng theo Thông tư 10/2016. Rất nhiều trường đại học khác như: Thái Nguyên, Huế, Ngoại thương, Ngân hàng, Kinh tế quốc dân... có quy định tương tự.

Tại Đại học Sư phạm Hà Nội 2, việc kỷ luật sinh viên bám theo quy chế của Bộ Giáo dục, trước đây là quyết định 42/2007, gần nhất là Thông tư 10/2016. Trên cơ sở hai văn bản này, trường cụ thể hóa thành quy chế riêng, có một số chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế. Cụ thể sinh viên có hành vi mại dâm sẽ bị đình chỉ học một năm trong lần đầu phát hiện, lần 2 là buộc thôi học. Sinh viên sử dụng hay buôn bán ma túy đều bị buộc thôi học ngay lần đầu phát hiện...

"Quan điểm của nhà trường là đề cao vấn đề đạo đức lối sống sinh viên vì tương lai họ sẽ là nhà giáo. Các hình thức kỷ luật về đạo đức lối sống sinh viên theo quy chế của trường do đó thường cao hơn quy định của Bộ", Trưởng phòng Công tác chính trị - học sinh sinh viên Cao Bá Cường, nói.

Thực tế từ năm 2007, trong quyết định 42 ban hành Quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy, Bộ Giáo dục đã quy định mức kỷ luật với sinh viên hoạt động mại dâm theo số lần vi phạm. Lần 1 là đình chỉ học một năm, lần 2 buộc thôi học. Bản quy chế trước năm 2016 của nhiều trường áp dụng mức kỷ luật sinh viên mại dâm tương tự.

Vi phạm pháp luật của sinh viên thường diễn ra ở ngoài nhà trường, do đó các đại học khi xác định số lần vi phạm đều căn cứ vào thông báo của cơ quan chức năng gửi về.

Kỷ luật nên tạo điều kiện cho sinh viên sửa sai

Đại học Bách khoa Hà Nội khi đưa ra các hình thức kỷ luật sinh viên nói chung thường theo hướng lấy sự giáo dục làm trọng. Hiệu phó Trần Văn Tớp cho rằng các công dân đều phải chịu sự quản lý của pháp luật và mức xử phạt như nhau nếu vi phạm. Tuy nhiên "tuổi trẻ bồng bột", việc xử lý ngoài việc để sinh viên nhận ra lỗi lầm, có tính răn đe còn nên tạo cơ hội sửa sai, làm lại.

"Gần đây, trường nhận được giấy thông báo từ công an về việc một sinh viên thi hộ ở Đại học Xây dựng. Em này sau đó gửi cho tôi email rất dài nhận lỗi, nói chỉ vì tham 500.000 đồng mà không ý thức hết vấn đề, xin nhà trường cho cơ hội sửa sai. Theo quy chế, sinh viên sẽ bị đình chỉ học có thời hạn hoặc buộc thôi học ngay, nhưng hội đồng kỷ luật nhà trường sẽ xem xét cụ thể để có mức xử lý hợp lý", ông Tớp nói.

Một cán bộ nguyên là Hiệu trưởng một trường Đại học Sư phạm khác cũng cho rằng, các hình thức xử lý kỷ luật sinh viên trong đó có hành vi hoạt động mại dâm, dù nghiêm khắc vẫn cần tạo cơ hội để người học có cơ hội sửa chữa, làm lại từ đầu. Ông không ủng hộ quy định 4 lần vi phạm mới đuổi học mà nên dừng ở lần 2; lần đầu đình chỉ có thời hạn để giáo dục và răn đe sinh viên.

Ngày 29/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo Thông tư Ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp hệ chính quy, để lấy ý kiến đến ngày 26/11. Dự thảo đề xuất các mức kỷ luật sinh viên tham gia hoạt động mại dâm là: khiển trách nếu vi phạm lần một, cảnh cáo nếu vi phạm lần hai, đình chỉ có thời hạn trong lần ba và buộc thôi học nếu tái diễn lần 4.

Thứ trưởng Giáo dục Nguyễn Thị Nghĩa sau đó cho biết, quy định này bị lỗi soạn thảo, chưa cập nhật bản phù hợp nhất. Trang web của Bộ Giáo dục ngay sau đó gỡ dự thảo.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định không cần đưa vào thông tư việc xử lý sinh viên bán dâm. Khi rà soát, Bộ quy định tất cả nội dung không phù hợp thì phải bỏ hoặc sửa. "Tuy nhiên, khi sửa thì ban soạn thảo, đặc biệt là cá nhân trực tiếp làm công việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đưa dự thảo lên website dẫn đến phản ứng của xã hội", ông Nhạ nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG