“Cuối cùng chúng tôi cũng có con, nó khiến chúng tôi ngây ngất. Chúng tôi yêu nó rất nhiều”. Vào đầu tháng 5, cặp vợ chồng người Đức Yulia và Peter đã mướn một sản phụ Ukraine sinh ra một bé gái. Yulia nói với phóng viên Deutsche Welle rằng họ đã mong ước có con trong nhiều năm, nhưng không thể mang thai sau nhiều nỗ lực khác nhau.
Cặp đôi này hiện đang tạm trú trong một tòa chung cư ở ngoại ô Kiev, thủ đô của Ukraine. Nơi gọi là “khách sạn” này là một nhà khách được phòng khám tư nhân BioTexCom cung cấp cho khách hàng. BioTexCom đã gửi một video để tìm kiếm sự hỗ trợ, trong đó có quay cảnh 46 em bé thay thế được thuê sinh ra đang chờ được rời khỏi Ukraine cùng cha mẹ. Do Ukraine đóng cửa biên giới trong đại dịch COVID-19, sự chờ đợi của họ đã trở nên vô vọng.
Đối với những trẻ sơ sinh không được sinh ra ở các phòng khám lớn như BioTexCom, chính phủ Ukraine rõ ràng không kiểm soát được. Có những dấu hiệu cho thấy một số em hiện ở trong các căn hộ cho thuê và không được nhân viên y tế chăm sóc mà là các bảo mẫu bình thường. Serhij Antonow, người phụ trách Trung tâm Luật Y học Sinh sản của một công ty tư nhân ở Kiev, nói: “Điều này phụ thuộc vào nơi môi giới. Thật khó để tìm được người phù hợp trong lúc dịch bệnh”. Ông nói rằng các điều kiện và sự chăm sóc của các trung tâm môi giới rất không giống nhau, ít nhất có một số nơi có thể hoạt động bất hợp pháp. “Không ai giám sát họ và họ không phải nộp thuế”. Antonov đề nghị cần đặc biệt chú ý khi chọn một trung tâm môi giới.
Trong thời gian bị phong tỏa vì đại dịch COVID-19, các bậc cha mẹ nước ngoài muốn vào Ukraine phải được sự cho phép đặc biệt của Bộ Ngoại giao nước này. Có hai cách để xin giấy phép. Đa số mọi người sẽ nộp đơn thông qua đại sứ quán của nước họ, và phải đợi mất vài tuần. Ủy viên Nhân quyền Denysowa nói rằng cách nhanh hơn là thông qua Văn phòng Nhân quyền của Quốc hội Ukraine, nhưng rất ít người biết đến kênh này.
Các bậc cha mẹ thuê đẻ được khuyên nên tìm sự trợ giúp từ đại sứ quán vì trước tiên họ phải nộp đơn xin các văn bản cần thiết để đưa đứa trẻ rời khỏi Ukraine. Người phát ngôn của Đại sứ quán Đức nói với Deutsche Welle: “Bộ Ngoại giao đã nhận thức được vấn đề này”. Bất chấp các hạn chế phòng dịch, Đại sứ quán Đức tại Kiev sẵn sàng giúp đỡ các gia đình bị ảnh hưởng để trẻ sơ sinh có thể về Đức đoàn tụ cùng gia đình.
Khó khăn nằm ở sự khác biệt về pháp lý. Ở Ukraine, sau khi người mẹ cho thuê bụng sinh con, tên của cha mẹ thực (tức người trả tiền thuê đẻ) sẽ được ghi vào giấy khai sinh. Nhưng điều này không được công nhận ở Đức. Đức cấm mang thai hộ vì lý do đạo đức. Marko Oldenburger, luật sư gia đình tại công ty luật Rose & Partner ở Hamburg, nói: “Theo luật pháp Đức, tên người mẹ chỉ có thể dựa trên sự ra đời của đứa trẻ.
Theo quy định, quyền được gọi là mẹ thuộc về người Ukraine mang thai, chứ không phải là khách hàng nữ quốc tịch Đức. Nhưng người cha thì khác. “Nếu đứa trẻ được sinh ra bằng thụ tinh nhân tạo từ tinh trùng của khách hàng nam, ngay cả trước khi đứa trẻ được sinh ra, miễn là người mẹ mang thai giúp đồng ý và chấp thuận, thì quan hệ cha con với hài nhi có thể được thiết lập”. Như thế, đứa trẻ có thể mang quốc tịch Đức và có thể rời Ukraine. Sau khi trở về Đức, khách hàng nữ phải thiết lập mối quan hệ mẹ-con thông qua việc nhận con nuôi.
Video được BioTexCom gửi đi đã gây ra một cuộc tranh luận chính trị ở Ukraine. Mykola Kuleba, một cố vấn về quyền trẻ em của Ukraine, đã yêu cầu cấm mang thai hộ. Lúc đầu, Ủy viên Nhân quyền Nghị viện Denisowa cũng bày tỏ quan điểm tương tự, nhưng sau đó đã thay đổi và chủ trương cải tiến trong các quy phạm pháp luật. “Nhu cầu nhờ sinh giúp của người nước ngoài rất lớn. Nếu cấm sẽ không giải quyết được vấn đề, mà sẽ tạo ra các trung tâm hoạt động chui”.
Trả lời câu hỏi của Deutsche Welle, Bộ Tư pháp Ukraine tuyên bố, năm 2019, có gần 1.500 trẻ sơ sinh được sinh ra ở Ukraine do người nước ngoài mượn bụng các bà mẹ Ukraine, trong đó có khoảng 140 em có cha mẹ mang quốc tịch Đức. Năm 2018 số lượng ít hơn, số liệu thống kê chính thức là khoảng 1.100; các năm trước đó, không có số liệu thống kê đáng tin cậy.
Nhiều phụ nữ Ukraine chọn cách kiếm tiền bằng cách cho thuê dạ con vì điều kiện kinh tế tồi tệ. Mỗi lần sinh giúp có thể nhận được hơn 15.000 euro. Thu nhập trung bình ở Ukraine là khoảng 350 Euro/tháng, nhưng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã khiến nhiều người thất nghiệp. Một bà mẹ được mướn sinh nói với Deutsche Welle: “Tôi làm như thế vì các con tôi”. Bà hy vọng sẽ dùng số tiền kiếm được để mang đến cho con mình một cuộc sống tốt hơn.