Giảm bộ máy hay phình thêm?
Bộ Tài chính lý giải, đề xuất cơ quan thuế quản lý cả thu thuế và BHXH bắt buộc nhằm cắt giảm bộ máy và đơn giản hóa thủ tục hành chính, phù hợp xu thế hội nhập. Cụ thể, đơn vị sử dụng lao động chỉ phải khai, nộp thuế và BHXH cùng 1 tờ khai và tại một cơ quan thay vì ở 2 nơi như hiện nay. Đồng thời, cơ quan thuế cũng thêm chức năng thanh kiểm tra cả thuế và BHXH tại doanh nghiệp, từ đó giảm thiểu các cuộc thanh kiểm tra. Ngoài ra, việc hợp nhất trên cũng giúp giảm bộ máy. Đơn vị đề xuất dẫn chứng, hết năm 2016, thuế đang quản lý gần 600.000 đơn vị sử dụng lao động, nhưng cơ quan BHXH chỉ quản lý hơn 300.000 đơn vị. Cùng đó, hiện cả nước có khoảng 54 triệu lao động, nhưng chỉ hơn 13 triệu lao động tham gia đóng BHXH.
Trao đổi với PV Tiền Phong về đề xuất trên, ông Trần Đình Liệu, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, vấn đề cơ quan thuế thu cả BHXH đã được đặt ra từ năm 2010. Tuy nhiên, có rất nhiều điểm khác biệt trong quản lý thu BHXH mà ngành thuế không thể thực hiện được. Như, ngoài thu BHXH bắt buộc, ngành bảo hiểm vẫn phải thu bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, thu khu vực sự nghiệp công lập; cấp sổ, thẻ bảo hiểm, giải quyết chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản… Trong khi đó, theo đề xuất, thuế chỉ quản lý thu BHXH bắt buộc tại doanh nghiệp.
Theo ông Liệu, trong 7 năm qua, thuế và BHXH đã dự định thí điểm ủy nhiệm cho thuế thu hộ một số khoản BHXH, tương tự thuế đang ủy nhiệm thu ngân sách cho ngân hàng. Nhưng phương án thí điểm này chưa được thực hiện do luật quy định thuế không có chức năng thu các khoản ngoài ngân sách nhà nước. Đồng thời, Tổng cục Thuế cũng đề nghị bổ sung chức năng thanh kiểm tra đóng BHXH của doanh nghiệp cho ngành Thuế. “Không hiểu sao trong dự thảo tờ trình lần này, cơ quan soạn thảo lại đề xuất hợp nhất chức năng thu, quản lý thu thuế và BHXH bắt buộc về cơ quan thuế”, ông Liệu thắc mắc.
Cũng theo đại diện BHXH Việt Nam, hiện đa số cơ quan thuế ở các nước cũng chỉ thu hộ BHXH, không phải hợp nhất 2 bộ phận của 2 cơ quan (thuế và BHXH). Ngoài ra, nếu chỉ hợp nhất bộ phận thu BHXH bắt buộc về thuế, cơ quan BHXH vẫn phải duy trì bộ máy thu các khoản bảo hiểm ngoài phần chuyển giao sang thuế. “Theo đề xuất của Bộ Tài chính ngành Thuế và BHXH cùng có bộ phận thu BHXH của riêng mình. Như vậy chẳng những không tiết kiệm, còn lãng phí hơn, bộ máy cồng kềnh hơn. Người lao động, người dân muốn xác nhận BHXH có khi phải đi đến 2 cơ quan, như vậy còn gây lãng phí hơn, tốn kém hơn tiền đóng góp của người lao động”, ông Liệu nói thêm.
Thu hộ thay vì hợp nhất
Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, đề xuất cơ quan thuế thu BHXH không phải mới. Vấn đề này đã có nhiều năm nghiên cứu, để thu BHXH hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần có thêm thời gian tổng hợp ý kiến các bộ ngành, đánh giá đầy đủ, trên mọi khía cạnh. “Nếu cơ quan thuế thu BHXH sẽ tiết kiệm, hiệu quả hơn, giảm thủ tục hành chính, nhưng cần thêm thời gian để nghiên cứu đầy đủ hơn, kể cả phương án sắp xếp nhân sự”, ông Nam nói.
Còn theo ông Trần Đình Liệu, phương án khả thi là cơ quan thuế thu hộ BHXH bắt buộc, thay vì hợp nhất 2 đơn vị thu. Đồng thời, bổ sung điều kiện với đơn vị sử dụng lao động được quyết toán thuế khi thực hiện xong các nghĩa vụ BHXH. “Như vậy vẫn đảm bảo hiệu quả thu BHXH và tinh giản bộ máy”, ông Liệu nói. Tuy vậy, theo vị lãnh đạo này, các phương án đưa ra cần thêm nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về luật pháp và thực tiễn để có lựa chọn tối ưu, khả thi nhất.
Nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân đồng tình với phương án cơ quan thuế thu cả thuế và BHXH. Do cơ quan thuế nắm đầy đủ thông tin về chi phí lao động nên hạn chế gian lận BHXH của doanh nghiệp, đảm bảo tốt hơn quyền lợi người lao động. Tuy nhiên, cùng thu thuế và BHXH cũng không đơn giản, vì thuế thu trên tổng doanh thu, còn BHXH thu cho từng người lao động, mỗi người một mức khác nhau, sẽ phức tạp hơn. Nếu không cẩn trọng, người chịu thiệt lại là người lao động.
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội cho rằng, không nên hợp nhất cơ quan thu thuế và BHXH, vì thuế thu cho ngân sách, còn BHXH thu cho người lao động tích cóp về sau. Nếu hợp nhất cơ quan thuế và quản lý thu BHXH, cũng chỉ thu xong rồi chuyển tiền cho BHXH quản lý, như vậy đâu cần hợp nhất, chỉ cần thêm chức năng thuế thu hộ BHXH. “Ở các nước cơ quan thuế cũng chỉ đứng ra thu hộ BHXH, không phải hợp nhất khâu thu của 2 cơ quan với nhau, vì chức năng, nhiệm vụ mỗi cơ quan là khác nhau. Chưa kể, khi hợp nhất cũng chỉ phần BHXH bắt buộc, còn BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế vẫn phải có bộ phận của BHXH thực hiện, như vậy lại phình bộ máy thêm”, bà Hương nói.
Ông Mai Đức Chính, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia) cho biết, lâu nay doanh nghiệp luôn có 2 sổ lương. Ông Chính lý giải, một sổ lương doanh nghiệp kê khai đóng BHXH với sổ lương rất thấp, chủ yếu tương đương mức lương tối thiểu vùng. Một sổ lương khác doanh nghiệp thực trả cho người lao động cao hơn rất nhiều, thông qua nhiều loại phụ cấp, hỗ trợ khác nhau. “Chúng ta phải tiến tới liên thông thu thuế và BHXH, để thu BHXH theo tiền lương doanh nghiệp kê khai thuế. Khi đó, doanh nghiệp quyết toán chi phí lao động bao nhiêu sẽ phải đóng BHXH bấy nhiêu, sẽ không còn chuyện 2 sổ lương nữa”, ông Chính nói.