Ngày 29/7, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương xây dựng kế hoạch sẵn sàng đón người dân tỉnh Sóc Trăng đang sinh sống, lao động, học tập tại TPHCM, tỉnh Bình Dương về địa phương trong thời gian tới.
Theo đó, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhằm tạo điều kiện cho người dân Sóc Trăng đang sinh sống, lao động, học tập tại TPHCM, tỉnh Bình Dương có nhu cầu trở về địa phương để phòng ngừa dịch bệnh và giảm bớt áp lực cho TPHCM, tỉnh Bình Dương trong thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã có công văn gửi UBND TP. HCM và tỉnh Bình Dương về chủ trương nêu trên.
Sóc Trăng mong nhận được sự phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ của UBND các địa phương nói trên để tỉnh Sóc Trăng đón công dân về địa phương một cách nhanh chóng, thuận lợi, an toàn, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 của các tỉnh, thành phố.
Người dân khai báo y tế tại chốt kiểm soát dịch trên địa bàn TP. Cần Thơ. |
Sóc Trăng hiện có tổng số 85 khu cách ly, trong đó có 74 cơ sở đã xây dựng hoàn chỉnh với khả năng tiếp nhận khoảng 7.234 công dân (hiện đang cách ly 2.592 công dân). Dự kiến mở thêm 9 khu cách ly với công suất tiếp nhận 1.100 công dân.
Cùng ngày, UBND tỉnh Trà Vinh cũng đã có văn bản về việc đưa người dân Trà Vinh đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP. HCM và tỉnh Bình Dương trở về địa phương.
Theo đó, người dân có nơi cư trú trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đang sinh sống, làm việc, học tập tại TP. HCM và tỉnh Bình Dương thật sự cần thiết có nguyện vọng trở về trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 như hiện nay (trừ những trường hợp F0 đang điều trị và người đang cách ly tập trung). Các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động liên hệ, rà soát nhu cầu, số lượng cụ thể và tổng hợp, cung cấp cho Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh.
Người dân có nhu cầu có thể liên hệ, đăng ký với ban liên lạc đồng hương Trà Vinh cấp huyện tại TP.HCM.
Tại Bến Tre, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh cũng đã có thông tin về việc phối hợp với Ban Liên lạc đồng hương tại TP. HCM tổ chức đưa khoảng 2.500 công dân từ TP.HCM về địa phương. Đây là những công dân đang sinh sống và làm việc, học tập tại TPHCM có hoàn cảnh khó khăn có nguyện vọng trở về quê trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Bến Tre yêu cầu công tác tổ chức không triển khai ồ ạt, làm ảnh hưởng chung công tác phòng chống dịch của TP.HCM và Bến Tre. Ban Liên lạc đồng hương tỉnh Bến Tre tại TPHCM nắm danh sách, số lượng và địa chỉ cụ thể người dân tỉnh đang sinh sống tại của TPHCM rồi sau đó có số lượng cụ thể sẽ tổ chức thực hiện.
Đối với tỉnh Vĩnh Long, chiều cùng ngày UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành xây dựng kế hoạch đón công dân đang cư trú trên địa bàn TP.HCM về quê, UBND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các sở ngành rà soát số công dân đang cư trú trên địa bàn TP.HCM có nguyện vọng trở về Vĩnh Long. Đồng thời rà soát nguồn lực và khả năng tiếp nhận của tỉnh, kế hoạch này phải được ban hành trước ngày 31/7.
Tỉnh Kiên Giang đã chuẩn bị phương án thành lập các khu cách ly tiếp nhận người dân từ TP. HCM trở về. Theo đó, trước mắt sẽ tập trung ưu tiên tiếp nhận các đối tượng là học sinh, sinh viên có kết quả âm tính trong thời hạn 72 giờ khi lên xe về tỉnh.
Khu vực ký túc xá của Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang và 3 khu ký túc xá của Trường Cao đẳng Kiên Giang với sức chứa khoảng 700 người được chọn làm khu cách ly tập trung. Tỉnh cũng sẽ liên hệ và nhờ UBND TPHCM hỗ trợ xe đón bà con từ nội ô thành phố tập trung ra bến xe miền Tây và test nhanh tại đây. Sau đó, Sở GTVT tổ chức đoàn xe đến đón bà con về Kiên Giang và đưa thẳng vào khu cách ly để ngành y tế lấy mẫu làm xét nghiệm khẳng định PCR một lần nữa. Trong thời gian cách ly 14 ngày, người dân được theo dõi và lấy mẫu xét nghiệm thêm 2 lần.
Hậu Giang và TP. Cần Thơ cũng đã có công văn tương tự nhằm đón công dân về địa phương trong thời điểm gặp nhiều khó khăn chung do dịch bệnh. TP. Cần Thơ xây dựng phương án, chuẩn bị công tác hậu cần, phòng chống dịch để đón khoảng 1.000 công dân về địa phương.
Được biết, các tỉnh thành nêu trên, yêu cầu công dân về quê phải có giấy chứng nhận đã xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 3 ngày và có địa chỉ cụ thể trên địa bàn. Khi về địa phương, công dân phải thực hiện khai báo y tế, cam kết thực hiện cách ly 14 ngày (7 ngày cách ly tập trung và 7 ngày cách ly tại nhà). Trong quá trình cách ly được xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định...