Phát hiện nhiều tấm sắt nghi ngờ
Đáng chú ý nhất trong ngày tìm kiếm này là thông tin nhìn thấy một số mảnh vỡ lớn trên mặt biển Việt Nam. Vào lúc 17h08, Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không nhận được thông báo từ Cơ quan Kiểm soát không lưu Hồng Kông (Trung Quốc), cho biết một máy bay thương mại của nước này đã nhìn thấy một số mảnh vỡ lớn (nghi là sắt) trên mặt biển cách bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu 60km về phía Đông Nam và cách vị trí máy bay Malaysia mất tích hơn 500km.
Ảnh bản đồ khu vực tìm kiếm ngày 10/3 (ô vuông)
Ông Đào Hữu Gia, Phó TGĐ Tổng Cty Quản lý bay Việt Nam - Chỉ huy trưởng Sở chỉ huy Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết, ngay khi nhận được tin báo đã thông báo về địa phương, lực lượng Hải quân để phối hợp xác minh thông tin. Đồng thời, huy động các đài thông tin duyên hải phát thông báo tới tàu thuyền hoạt động trong khu vực tham gia tìm kiếm, quan sát và báo thông tin về các lực lượng chức năng tìm kiếm. “Hiện Việt Nam đã điều phương tiện ở gần khu vực nêu trên tiếp cận để xác minh thông tin”, ông Gia nói.
Hồi 19h, ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ Vũng Tàu cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin báo về mảnh vỡ nghi là kim loại, một tàu chờ container đang hành trình Nam ra Bắc đi qua khu vực đã nhận được yêu cầu tìm kiếm. Tàu này tìm kiếm từ 17h30 – 18h, nhưng vẫn không phát hiện thấy bất kể đồ vật gì như thông báo của phía Hồng Kông. “Đây là khu vực có nhiều tàu cá của ngư dân hoạt động, nên có thể đó là những miếng xốp hoặc nilon do tàu của ngư dân để lại, máy bay bay cao nên khó xác định”, ông Chiến nói.
Mặt nước vẫn lặng thinh
Sau hơn 2 tiếng bay tìm kiếm, tới khoảng 10h sáng 10/3, thủy phi cơ của Hải quân Việt Nam (số hiệu DH-C6) đã phát hiện một số vật thể lạ màu vàng và xanh, trong đó có vật màu vàng là lớn nhất, như một xuồng cứu sinh (tọa độ 07047’30’’N - 102057’12’’E), cách đảo Thổ Chu khoảng 177km.
Do bay tốc độ cao, khi máy bay quay lại vật thể đã không còn thấy ở khu vực cũ; mặt biển lúc đó có sóng khá mạnh, nên máy bay cũng khó hạ cánh. Ngoài ra, tại đây máy bay cũng phát hiện thêm vệt nước biển khác lạ, nghi là vệt dầu loang. Chiều cùng ngày, chiếc thủy phi cơ tiếp tục trở lại khu vực kể trên, tuy nhiên không phát hiện gì thêm.
Dự kiến, từ 7h ngày 11/3, Việt Nam sẽ tiếp tục cử 4 máy bay và 7 tàu tham gia tìm kiếm. Trong đó có 2 máy bay AN26 và 2 trực thăng (1 trực thăng Mi-171, 1 thủy phi cơ DH-C6).
Máy bay sẽ tìm kiếm trong hai khu vực chính: AN26 sẽ bay từ Sân ban Tân Sơn Nhất, đi qua khu vực máy bay Hồng Kông phát hiện có vật thể nghi là miếng sắt để kiểm tra, sau đó mới vào khu vực tìm kiếm phía Đông Nam Cà Mau (rộng khoảng 15.000km2, cách Cà Mau 50km).
Hai trực thăng sẽ đi từ Phú Quốc ra tìm kiếm khu vực biển giữa đảo Phú Quốc và Phú Quý (rộng khoảng 5.000km2, cách Phú Quốc 30km).
Các loại phương tiện của các lực lượng Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên biển hoặc xuất quân trong ngày tìm kiếm máy bay Boeing của Malaysia mất tích ngày 10/3:
+ Hai lượt máy bay AN 26, tổng cộng 5 chiếc, trong đó 2 chiếc làm nhiệm vụ chuyển tiếp thông tin cho AN 26 và Mi 171.
+ 2 chiếc thủy phi cơ DHC 6 của Quân chủng Hải quân chở quân y, người nhái.
+ Hai lượt trực thăng Mi 171 gồm 4 chiếc làm nhiệm vụ vận chuyển, tìm kiếm từ sân bay Cà Mau ra Phú Quốc và khu vực máy bay Boeing mất tích. Trong ngày tăng cường thêm một trực thăng Mi 171 từ sân bay Cần Thơ xuống sân bay Cà Mau.
+ 3 tàu tìm kiếm cứu hộ SAR số hiệu 01, 272 và 413. Trong đó tàu SAR 413 cạn nhiên liệu đang chờ tàu HQ 627 của Quân chủng Hải quân tiếp dầu.
+ Hai chiếc thủy phi cơ DHC 6 của Quân chủng Hải quân.
+ Một tàu biên phòng của Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu
+ 4 tàu hải quân gồm HQ 637, HQ 2003, HQ 627 và HQ 888
+ 2 máy bay tuần thám CASA 212 của Cảnh sát biển vào tăng cường từ sân bay Gia Lâm, Hà Nội