Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong chiều 31/7, GS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội - cho biết, điểm chuẩn của ngành Y đa khoa lên tới mức 29,25, cao nhất từ trước tới nay. Vì thế, nếu thí sinh chỉ đạt 29,15 làm tròn thành 29,25 thì đúng là bị trượt vào trường.
“Nhiều thí sinh cao hơn khi đạt 29,17 hay 29,19 vẫn trượt vào ngành Y đa khoa của trường đấy thôi vì quy định như vậy”- GS Tú nhấn mạnh.
Sau khi ĐH Y Hà Nội công bố điểm chuẩn, thí sinh N.P.H (Thạch Thất, Hà Nội) tâm sự em đau xót khi thiếu 0,05 điểm và không đáp ứng được tiêu chí phụ của ĐH Y Hà Nội.
Theo H, trong kỳ thi THPT quốc gia, nam sinh đạt số điểm lần lượt là Toán 9,4; Hóa 9,75; Sinh 10. Do thuộc khu vực 3, em không có điểm cộng ưu tiên, tổng điểm của H. là 29,15 (làm tròn thành 29,25).
Dù đủ điểm chuẩn vào trường là 29,25 nhưng khi xét tiêu chí phụ, H vẫn trượt tiêu chí số một: Điểm xét tuyển chưa làm tròn. Các tiêu chí sau ưu tiên lần lượt: Điểm Toán, điểm Sinh và thứ tự nguyện vọng.
“Em đạt 29,15 điểm, học thật, không có điểm ưu tiên cuối cùng lại trượt. Còn những bạn đạt 25,75 điểm; thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ?", thí sinh P.H. đặt câu hỏi.
Trả lời phóng viên, GS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết, tiêu chí phụ được nhà trường xây dựng theo quy chế của Bộ GD&ĐT để việc xét tuyển được đảm bảo thuận lợi.
Năm nay, ĐH Y Hà Nội nằm trong nhóm xét tuyển miền Bắc (do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì). Nếu không có tiêu chí phụ, trường top cao như ĐH Y Hà Nội không thể tuyển sinh được vì có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao.
“Quy chế cứng của Bộ GD&ĐT thì phải chịu, nhiều bạn điểm cao hơn thí sinh này vẫn trượt”- GS Tú cho hay.
Cũng theo GS Tú, năm nay, toàn bộ dữ liệu quản lý và chạy của Bộ ra điểm đó, nhà trường chỉ đưa ra chỉ tiêu mong muốn.
Theo GS Tú, chính sách ưu tiên này không nên bỏ nhưng cần xem xét lại để điều chỉnh phù hợp hơn với tình hình mới, nên điều chỉnh, vẫn cần sự ưu tiên vùng miền và chế độ chính sách vì đã tồn tại quá lâu rồi.
“Bộ GD&ĐT phải đồng ý điều chỉnh đã, khi đó mới tính toán điều chỉnh ưu tiên ở mức độ nào. Khi Bộ GD&Đ khi đã đồng ý điều chỉnh là theo ý tích cực hơn. Đúng là với quy chế này, học sinh Hà Nội sẽ thiệt”- GS Tú nhấn mạnh.
Trao đổi về vấn đề này, PGS Trần Văn Tớp, phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, với cách xét tuyển năm nay thí sinh điểm cao không chỉ trượt được đại học, trừ trường hợp nếu như các em chỉ bỏ trứng vào một giỏ.
“Em chỉ được 29,15 điểm mà nhưng không biết mấy trăm người khác cao hơn em cùng đăng ký vào khoa này thì bị trượt thôi “- PGS Tớp nói.
PGS Tớp nhận định khi các em xét tuyển, nếu các em không đánh giá được năng lực của mình, không vượt qua được người khác thì chấp nhận trượt.
“Tuyển sinh đều theo nguyên tắc, quy chế được đưa ra các trường theo đúng đó bao gồm và điểm và xét tuyển. Về điểm ưu tiên đã có thông tư riêng mà không trường nào được vi phạm”- PGS Tớp cho hay.
PGS Tớp cũng cho biết, còn điểm ưu tiên mà đóng góp nhiều hay ít, các em vùng sâu vùng xa được ưu tiên nhiều thì cũng nên xem xét lại. Vậy phải sửa "luật chơi" đã.
Theo PGS Tớp, thực ra chính sách mà ưu tiên cho các con em vùng sâu vùng xa nằm trong chiến lược và chính sách của Đảng và nhà nước. Nhưng để tránh những trường hợp đó vùng sâu vùng xa nên theo chế độ khác như chế độ cử tuyển. Hoặc để bình đẳng hơn thì phải cân nhắc về điểm ưu tiên.
“Vì vậy, nếu có thể nghiên cứu để điều chỉnh điểm ưu tiên công bằng hơn. Tôi không đồng ý với bỏ hẳn. Cần cân nhắc, sửa đổi để không quá bất hợp lý. Có những thí sinh được ưu tiên tới 3-3,5 điểm là cao”- PGS Tớp nhấn mạnh.