Nhiều thế hệ chạnh lòng vì biệt danh 'xã ăn mày'

Cụ Nhoãn cùng vợ xúc động kể về những ngày tháng cơ cực của vài chục năm trước. Ảnh: Đức Hùng
Cụ Nhoãn cùng vợ xúc động kể về những ngày tháng cơ cực của vài chục năm trước. Ảnh: Đức Hùng
Ích Hậu nay đã đổi thay, giàu có, tuy nhiên cái tên 'xã ăn mày' thỉnh thoảng vẫn được nhắc tới khiến nhiều thế hệ trăn trở, chạnh lòng.

Xã Ích Hậu (Lộc Hà, Hà Tĩnh), có 5 xóm với trên 2.000 hộ dân. Người dân nơi đây làm nông nghiệp, buôn bán, dịch vụ và đi lao động ở nước ngoài.

Ông Hồ Thế Báu, Phó chủ tịch UBND xã Ích Hậu cho biết, khoảng 50 năm về trước, đây là một vùng chiêm trũng, đồng chua nước mặn. Nhiều gia đình vì quá nghèo đói nên đã phải đi tha hương cầu thực tới những vùng quê khác làm nghề ăn mày kiếm sống.

Năm nay 83 tuổi, ông Nguyễn Văn Nhoãn (trú thôn Ích Mỹ) cảm thấy vô cùng sung sướng và tự hào khi vùng quê đã đổi thay, không còn cảnh đói khổ. “Ngày trước gia đình tôi có 10 con (5 trai, 5 gái), sau đó có 3 người bị bệnh, vì không có tiền thuốc thang nên lần lượt mất. Khoảng năm 1950 trở đi, cả nhà thiếu ăn, tôi phải đi ăn xin một tuần ở các tỉnh miền Bắc để về nuôi con”, ông Nhoãn xúc động nhớ lại.

Theo cụ ông 83 tuổi, ngày ấy làm nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết, ở trong xã hạn hán, nước bị nhiễm mặn nên lúa cấy xong là không trổ bông, mất mùa liên tục. Khi ấy không có nghề gì để làm, áp lực từ việc chăm sóc gia đình, con cái, nên cả làng Ích Mỹ không còn cách nào khác phải làm nghề đi ăn xin.

“Làm nghề này cảm thấy khổ lắm, luôn sợ sệt, e dè. Ban đầu tôi định trở về, nhưng nghĩ tới viễn cảnh cả nhà đang trông chờ vào mình nên tự nhủ cố gắng. Sau hơn một tuần, tôi xin được một ít bắp ngô, gói lại cẩn thận bỏ vào trong bì để về đưa cho vợ con”, ông Nhoãn nói.

Quá khứ ngày xưa đã lùi xa, khoảng 10 năm trở lại đây, tình trạng người đi ăn mày kiếm sống không còn nữa. Nhiều gia đình có con đi Thái Lan buôn bán làm ăn nên giàu lên nhanh chóng, thu nhập một năm trung bình mỗi người đạt 28 triệu đồng. Đời sống đổi khác, đường sá bê tông, nhà lầu, nhiều người tậu được các loại xe đắt tiền. Ích Hậu nằm trong tốp đầu phát triển trên mọi lĩnh vực của huyện Lộc Hà.

Tuy nhiên, dư âm về cái tên 'xã ăn mày' của mấy chục năm trước vẫn khiến nhiều người dân suy nghĩ. Nhắc tới Ích Hậu, không ai nói tên chính danh của xã, mà thường gắn với biệt danh "ăn mày", hay là 'Hậu đùm', vô tình khiến người dân tự ái, chạnh lòng.

Bà Hồ Thị Châu (vợ ông Nhoãn) tâm sự, bản thân đã già, thấy quê hương đổi thay rất xúc động. Nhưng con cháu thỉnh thoảng vẫn khó chịu khi có người nào đó nhắc tới công việc của cha ông mấy chục năm về trước, bà cảm thấy buồn. Theo bà thời thế nay đã khác, vạn vật vốn đổi thay, cái tên xã ăn mày của ngày xưa nên để vào quá khứ.

“Có được cuộc sống ngày hôm nay là do hai vợ chồng tằn tiện tích góp từ bữa rau, cân gạo, chứ không phải nhờ nghề kia. Lúc đó hoàn cảnh buộc con người phải như thế”, bà Châu nói.

Ông Trần Quốc Thủy (53 tuổi, trưởng thôn Lương Trung, xã Ích Hậu) cho biết, ngày xưa có người đi ăn xin được cả một tạ gạo, nhưng nhiều trường hợp thì ra về tay trắng. Việc ăn xin cũng xuất phát từ nhận thức còn hạn chế. Nay dân trí đã cao, nhất là thế hệ trẻ họ không thích bị gọi với những cái tên không hay gắn liền với nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Vị trưởng thôn cho rằng, khi ai mà nói gì đó xúc phạm tới danh dự, quê hương của mình thì tất cả đều vô cùng khó chịu. “Ngày xưa khi đi lính, có trường hợp gọi người trong xã chúng tôi là dân ăn mày, sau đó nảy sinh mâu thuẫn, suýt ẩu đả”, ông Thủy kể.

Nhiều thế hệ chạnh lòng vì biệt danh 'xã ăn mày' ảnh 1

Một góc của xã Ích Hậu ngày nay. Ảnh: Đức Hùng

Phó chủ tịch xã Trần Thế Báu thông tin thêm, trước kia do xã có người đi ăn xin đầu tiên, sau này người dân ở các vùng khác vì nghèo đói cũng làm theo. Khi đi họ không nói là dân ở địa phương mà lại xưng người Ích Hậu, dẫn tới không ít hiểu nhầm.

“Trong nhiều cuộc họp, người dân đã đề cập vấn đề này. Họ mong muốn tất cả cùng hiểu rằng vùng quê đã đổi mới, việc làm bất đắc dĩ của ngày xưa chỉ là của một bộ phận nhỏ, đừng nên nhắc lại”, ông Báu nói.

Đại diện cho thế hệ trẻ của xã, Trần Thị Hoài, tân sinh viên Đại học Y Đà Nẵng suy nghĩ thoáng hơn. “Thực sự khi nhắc tới biệt danh không hay về làng xã, chúng em không nghĩ theo điều họ nói. Đơn giản 'Hậu đùm' có nghĩa là yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Người trong xã cùng hỗ trợ nhau để phát triển”, Hoài vui vẻ.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG