Những đàm phán và thực thi TPP vẫn giữ bí mật về các điều khoản trong bảo hộ dược phẩm, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp (DN) dược trong nước đón nhận thông tin với những lo lắng, hồi hộp.
Người dân được lợi
Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Tấn Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Pymepharco cho rằng, để vào sân chơi mới, không chỉ các công ty dược trong nước phải thay đổi mà cả ngành công nghiệp dược Việt Nam cần chủ động chuyển mình. Thay đổi ở đây, theo ông Nam là đầu tư vào công nghệ, nhân lực, phát triển vùng dược liệu lợi thế. “Chúng ta không thể đá ở sân chỉ dành cho nhà máy đạt chuẩn GMP-WHO mà cần phải mở rộng để xây dựng nhà máy đạt chuẩn EU và GMP-FDA mới đủ sức cạnh tranh với các nước”, ông Nam nói, đồng thời đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ DN bằng những chính sách cụ thể để có thể đá chung một sân với thế giới.
Để đón đầu cơ hội theo ông Huỳnh Tấn Nam, ngoài việc đã đưa vào nhà máy sản xuất kháng sinh đạt chuẩn châu Âu, Pymepharco đang xét nâng cấp thuốc chích đạt chuẩn GMP-EU. “Nếu các doanh nghiệp nước ngoài muốn liên kết, sản xuất gia công đương nhiên họ phải chọn các nhà máy đạt chuẩn ngang tầm thế giới”, ông Nam nói.
Về cơ hội, ông Nam cho rằng, Hiệp định TPP giảm thời gian bảo hộ thuốc phát minh xuống còn 7 năm sẽ là cơ hội cho người dân, ngành dược trong nước tiếp cận với thuốc hết bảo hộ sáng chế để sản xuất thuốc phiên bản. “Điều này rất phù hợp với chủ trương của Bộ Y tế khi đang yêu cầu các công ty dược trong nước tập trung sản xuất các thuốc generic để giảm chi phí cho ngân sách và giúp người bệnh tiếp cận thuốc có chất lượng nhưng giá hợp lý hơn”- ông Nam phân tích.
Tuy nhiên, ông Nam cũng nhìn nhận hiện DN dược trong nước vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, chưa đầu tư các nhà máy hóa dược và các vùng nguyên liệu tập trung. Do vậy chúng ta vẫn nhập khẩu 60% lượng thuốc.
Trong khi đó, ông Phan Thanh Bình - Phó tổng giám đốc Tập đoàn dược phẩm Merap cho biết, các DN dược trong nước sẽ được liên kết đầu tư nhiều hơn với DN nước ngoài, các nước không tham gia TPP cũng sẽ liên kết với Việt Nam trong các vấn đề về nhập nguyên liệu và đầu tư gia công...
PGS Lê Văn Truyền - chuyên gia cao cấp ngành dược nói “khá lo lắng” vì các hãng dược sẽ kéo dài thời hạn sở hữu trí tuệ bằng nhiều thủ thuật, làm cho các phát minh sáng chế “tiếp tục sống mãi”, như thay đổi một vài chi tiết trong sáng chế độc quyền và sẽ làm mất đi cơ hội cho các nước tiếp cận sản xuất thuốc generic. Ông Truyền đánh giá cao tầm quan trọng của thuốc generic ở Việt Nam khi giá trị sử dụng loại thuốc này tăng từ 19% cách đây 5 năm lên 86% hiện nay.
Khi đầu tư sản xuất thuốc hết bảo hộ sẽ giúp ích rất nhiều cho người bệnh, dù TPP chưa được áp dụng nhưng thực tế cho thấy khi có thuốc generic trên thị trường thì thuốc phát minh sẽ giảm còn 80% giá trị. Và khi có 5 loại thuốc generic tung ra thị trường thì giá thuốc phát minh sẽ giảm xuống còn 20%. Đơn cử như thuốc bản quyền trong điều trị HIV hiện có giá chi phí gần 2 nghìn USD/người/năm, nhưng với thuốc generic chi phí sẽ giảm còn khoảng 100 USD/người/năm.
Không dễ cho DN nội
Một số chuyên gia ở TPHCM cho rằng, nếu không chuyển mình, các DN dược trong nước sẽ gặp khó khăn. Ví dụ về đấu thầu thuốc khi Việt Nam tham gia vào TPP. Việc đấu thầu sẽ công khai, các hãng dược trên thế giới tham gia bình đẳng với các DN trong nước nên sẽ có cạnh tranh khốc liệt và phần thua chắc chắn sẽ rơi vào DN nội khi công nghiệp dược của chúng ta còn yếu, phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu”, một chuyên gia nói.
Ông Phan Thanh Bình nhận định, nếu mở cửa đón TPP cũng đồng nghĩa mở cửa cho thuốc ngoại khi các DN FDI sản xuất, nhập khẩu sẽ ngày càng áp đảo hơn ở Việt Nam. “Đây là thách thức không nhỏ cho các DN trong nước vốn lâu nay vẫn chưa quan tâm đầu tư công nghệ, nghiên cứu và lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài”, ông Bình nói.
Theo các chuyên gia, thời gian thuốc sáng chế độc quyền hết bảo hộ từ 5-10 năm nên giai đoạn tiếp cận sản xuất thuốc phiên bản này với giá rẻ phải chờ đợi sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh thuốc của các công ty trong nước, nhất là phải chờ có giấy phép để sản xuất thuốc phiên bản. Trong khi đó, các sản phẩm thuốc chất lượng của các hãng dược nước ngoài sẽ tràn vào Việt Nam, gây ra một cuộc cạnh tranh rất mạnh mẽ.
Thị trường thuốc Việt Nam được đánh giá là tiềm năng nhưng theo ông Nguyễn Văn Thuận - một chuyên gia trong lĩnh vực dược thì thị phần không do các công ty trong nước nắm giữ. Theo thống kê số công ty sản xuất dược trong nước đang chiếm trên 85% trong tổng số công ty dược hoạt động ở Việt Nam, song thuốc nhập khẩu lại chiếm 60-70% thị trường. “Sản phẩm của các công ty trong nước đa phần là các loại thuốc phiên bản trong khi người dân vẫn dành sự tin tưởng cho thuốc ngoại, đặc biệt là thuốc đặc trị”- ông Thuận cho biết.
Việt Nam đứng thứ 13 trong tổng số 175 quốc gia về tốc độ tăng chi tiêu thuốc, theo công ty tư vấn Business Monitor International công bố. Tăng trưởng của lĩnh vực thuốc chữa bệnh có thể lên đến hơn 20%/năm từ nay đến năm 2017 với chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người của Việt Nam là khoảng 200USD/năm.