Nhiều thắc mắc về quy chế tuyển sinh

Học sinh các trường THPT tìm hiểu mô hình máy gieo hạt của trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Q.P
Học sinh các trường THPT tìm hiểu mô hình máy gieo hạt của trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Q.P
TP - Hàng loạt ý kiến của học sinh, phụ huynh đã được giải đáp cặn kẽ trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2012 vừa diễn ra tại TPHCM. Vấn đề nổi lên vẫn là quy chế tuyển sinh và việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

> Đại học Ngoại ngữ dự kiến tuyển 1.200 chỉ tiêu

Học sinh các trường THPT tìm hiểu mô hình máy gieo hạt của trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Q.P
Học sinh các trường THPT tìm hiểu mô hình máy gieo hạt của trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM tại Ngày hội tư vấn
tuyển sinh. Ảnh: Q.P.

Vẫn “3 chung”

Đến ngày 14-2, Bộ GD&ĐT mới chính thức công bố thông tin về kỳ thi tuyển sinh năm nay. Trước đó, thông tin đăng tải trên báo chí về việc Bộ Giáo dục & Đào tạo sẽ không giới hạn về thời gian xét tuyển các NV2, NV3 làm nhiều học sinh, phụ huynh cho rằng, năm nay các trường không tuyển sinh theo ba nguyện vọng, đồng thời xét tuyển đến cuối tháng 12.

Trước vấn đề này, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP HCM cho biết, cơ bản kỳ thi tuyển sinh năm 2012 vẫn theo hình thức “3 chung”. Rớt NV1 vẫn còn hy vọng NV2, NV3. Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến không qui định thời gian xét tuyển NV2, NV3, các trường tự qui định thời gian xét tuyển của mình và có thể kéo dài đến ngày 31-12. Đây là cơ hội để các bạn có thêm cơ hội trúng tuyển. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, thời gian xét tuyển của các trường không giống nhau.

Trường nào dễ kiếm việc làm, lương cao?

Chọn ngành phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân đã khó, nhưng chọn ngành nào để sau bốn, năm năm học ra trường tìm được việc làm có thu nhập ổn định lại càng khó hơn. Đó cũng là băn khoăn của hàng nghìn thí sinh, phụ huynh khi đến với các chuyên gia tư vấn.

ThS Lâm Tường Thoại, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng, khi chọn ngành nghề, điểm đầu tiên phải xuất phát từ sở thích. Tuy nhiên, cần phải xác định đó là sở thích thật sự chứ không phải thích sự hào nhoáng của ngành nghề đó. Thí sinh cần tham khảo ngay chính người thân, bạn bè, thầy cô để có lời khuyên và dựa vào các công cụ trắc nghiệm kỹ năng để xác định sở thích của mình. Sau đó cần căn cứ vào khả năng của mình (học lực và tài chính) để chọn trường phù hợp. Cùng ngành, nghề nhưng điểm chuẩn của các trường rất khác nhau.

Việc chọn học CĐ cũng là một giải pháp để có thể theo đuổi ước mơ ĐH nếu khả năng hiện tại của mình chưa thể vào ĐH. ThS Hồ Văn Sĩ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Lý Tự Trọng cũng chia sẻ, mỗi kỳ thi có khoảng 30% số thí sinh trúng tuyển vào ĐH, những bạn còn lại có thể học CĐ, trung cấp, sau đó thi liên thông lên ĐH.

Từ năm 2008 đến nay, theo quy định về liên thông của Bộ GD&ĐT thì các trường trung cấp, CĐ đều có hệ đào tạo liên thông. Bằng cấp và cơ hội việc làm giữa các sinh viên hệ liên thông và trường ĐH đều như nhau.

Thực tế từ nhiều mùa tuyển sinh qua một số ngành thuộc lĩnh vực nông lâm ngư đang dần bị thí sinh và phụ huynh lãng quên. PGS TS Huỳnh Thanh Hùng cho biết, những ngành nông lâm nghiệp tại TPHCM thí sinh thường ít quan tâm trong khi nhu cầu lao động ngành này rất lớn.

Ở TPHCM, người ta làm nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, có nhiều ngành nghề nông lâm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các thành phố. ThS BS Trương Tấn Trung, trường ĐH Y dược TPHCM cho biết, về thu nhập của các khối ngành nghề khi làm ở các cơ quan nhà nước đều giống nhau, theo quy định chung.

Tuy nhiên, nếu làm việc ở các đơn vị ngoài nhà nước thì tuỳ thuộc năng lực và trình độ của bản thân từng người: Có người chỉ từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng nhưng có người trên cả chục triệu đồng/tháng.

Hiện nay, nhiều học sinh, phụ huynh thích ngành này nhưng năng lực bản thân, khả năng tài chính gia đình không đáp ứng được nên đành chọn ngành khác. Một học sinh hỏi: Ngành báo chí hiện có điểm chuẩn rất cao, em có thể học ngành khác nhưng sau này ra trường làm báo được không? TS Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, không phải sinh viên nào tốt nghiệp ngành báo chí cũng đều làm báo.

Thực tế không phải tất cả những người làm báo đều học báo chí. Như vậy em có thể học một ngành nào đó, sau này nếu em yêu thích nghề báo và có năng khiếu vẫn có thể làm báo được. Nếu cảm thấy mình không đủ sức thi vào ngành báo chí, các em có thể thi vào những ngành như văn học, ngôn ngữ… sau khi ra trường em vẫn có thể làm báo được.

Tương tự, ThS Lê Văn Hiển, Phó Phòng đào tạo ĐH Luật TPHCM cũng giải đáp băn khoăn của một học sinh thích vào ngành công an nhưng không đủ chiều cao nên đành thi vào ĐH Luật: Các trường khối ngành công an, quân đội đều có sơ tuyển về điều kiện sức khỏe. Thực tế, ngành công an vẫn tuyển người tốt nghiệp từ các ngành luật, môi trường, báo chí...

Theo ban tư vấn của ĐH Quốc gia TPHCM thì mùa tuyển sinh năm nay các trường ĐH Bách khoa, KHXH&NV, Công nghệ thông tin sẽ áp dụng nhân hệ số cho các môn thi phù hợp với nhóm ngành/ngành trong xét tuyển. Năm trường thành viên sẽ bổ sung khối A1 vào khối tuyển sinh nếu Bộ GD&ĐT bổ sung khối thi này.

TS Phạm Tấn Hạ, nói rõ hơn, kể từ năm học này nhà trường cho nhân hệ số môn chính về ngoại ngữ. Ví dụ ngành ngữ văn Anh sẽ nhân hệ số môn tiếng Anh, ngữ văn Pháp nhân hệ số môn tiếng Pháp…

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho biết, theo dự kiến, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, những học sinh đoạt giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia sẽ được tuyển vào các trường ĐH. Các em có thể đăng ký vào bất cứ ngành nào có môn thi mà em đoạt giải.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.