Chị Phùng Thị Kim Trang, ngụ phường Đông Hưng Thuận, quận 12 có hai con học lớp 4 và 5 ở Trường Tiểu học Trần Văn Ơn mấy hôm nay lo lắng không biết các con sẽ học ra sao trong năm học mới khi mà ba mẹ con đã phải ăn mì tôm với cơm đã cả gần tháng nay để sống qua ngày. Chị Trang không còn đồng nào bởi cách đây ít ngày đã phải vét sạch túi đóng 1,9 triệu đồng tiền nhà trọ, còn chồng chị cũng đang bị kẹt lại ở Lâm Đồng do dịch bệnh… “Đây là số tiền tôi đã phải cầu cứu nhiều người thân, mỗi người một ít hỗ trợ gia đình sống qua đợt dịch này”, chị Trang nói.
Đi cũng dở, ở không xong
Chị Trang quê ở Quảng Nam, cách đây hơn hai năm (2019) khi chưa có dịch COVID-19, chị cùng chồng và hai con rời quê để vào TPHCM với hy vọng tìm cuộc sống tốt hơn. Với áp lực dân số và trường lớp ở TP, để hai con được đến trường chị đã phải rất vất vả mới nhập học được cho con vào Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, quận 12 khi các bạn cùng khóa đã tựu trường…
Chị Trang nhận may gia công cho các nhà xưởng và làm việc ở nhà để tiện chăm sóc, đưa đón hai con đi học. Còn chồng chị đi làm công nhân. Sống được 1 năm thì đại dịch dịch COVID-19 xuất hiện khiến cuộc sống gia đình chị vô cùng khó khăn. Cả hai vợ chồng công việc thất thường nên chồng chị đành rời TP lên Lâm Đông để làm ăn, ba mẹ con ở lại, lâu lâu về thăm gia đình nhưng từ ngày dịch bệnh bùng phát trở lại, chồng chị bị kẹt lại trên kia.
Sau gần nửa năm thất nghiệp, chị Trang đã tính đến chuyện hồi hương, nhưng không dễ. “Tôi cũng đã tính đến chuyện hồi hương nhưng nghĩ lại cảnh ở quê cũng vì khó quá mới phải đi, giờ chưa đầy ba năm lại về. Rồi chuyện học hành con cái… Khó trăm bề nhưng gia đình tôi quyết định bám trụ lại Sài Gòn, hy vọng dịch sớm qua đi…”, chị Trang tâm sự.
Ba mẹ con chị Trang ăn mì tôm với cơm sông qua ngày trong căn phòng trọ |
Cũng theo chị Trang, bên cạnh lo ăn hàng ngày, chị còn lo thêm chuyện học hành của hai con. “Năm học mới, hai đứa hai bộ sách nhưng không có tiền nên tôi chỉ mua được một bộ SGK cho đứa lớn với số tiền trên 700 ngàn đồng. Còn đứa nhỏ thì học sách cũ của anh, thiếu cuốn nào tính sau chứ giờ không còn đồng nào”, chị Trang nói. Chị cũng cho biết, cả hai đứa con chuẩn bị bước vào học trực tuyến, trong khi chị chỉ có một chiếc điện thoại.
Chị Đỗ Thị Điệp, ngụ quận Tân Phú, cũng cho biết, gia đình đã tính đến chuyện hồi hương về Huế. Vì thế, ngay khi kết thúc năm học, chị đã làm thủ tục chuyển trường cho con về học ở quê. Thế nhưng, dịch bệnh bùng phát không kịp trở tay khiến gia đình chị bị mắc kẹt lại TPHCM. “Lúc này tiến thoái lưỡng nan, con đã chuyển trường xong mà giờ không về được, không biết phải là làm thế nào khi mà chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là bắt đầu năm học”, chị Điệp nói.
Còn anh Vũ Hải, ngay từ tháng 5, khi dịch bùng phát mạnh anh đã gửi con trai chuẩn bị vào lớp 1 về quê tránh dịch và dự tính 1-2 tháng sau khi dịch được kiểm soát sẽ đón vào lại TPHCM để đi học. Thế nhưng, dịch diễn biến phức tạp và chưa biết khi nào mới kiểm soát được nên anh và gia đình đang băn khoăn, không biết nên cho con học ở quê hay vẫn học ở TPHCM.
“Nếu cho con học ở quê thì đầu năm học phải nộp đủ thứ tiền. Học được vài tháng hay một năm rồi chuyển vào Sài Gòn thì lại thêm một lần tốn kém. Nhưng sợ nhất là thủ tục chuyền trường vì TPHCM lúc nào cũng quá tải”, anh Hải nói. Sau nhiều ngày suy nghĩ và bàn thảo với gia đình, anh Hải quyết định sắm cho cậu con trai cái máy tính học online từ quê, được chữ nào hay chữ đó, khi nào vào lại TP thì cho học con đi thêm, dạy từ đầu.
TPHCM gỡ khó cho học sinh mắc kẹt ở quê
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, Sở đang phối hợp với các địa phương để đăng ký và làm thủ tục chuyển trường tạm cho học sinh theo học tại trường nơi cư trú. Khi dịch được kiểm soát, các em sẽ quay về học bình thường. "Ngược lại, với học sinh các tỉnh, thành đang kẹt tại thành phố chưa thể về quê đi học, chúng tôi cũng sẵn sàng bố trí cho các em học online để theo kịp chương trình nếu có nhu cầu", ông Hiếu nói.
Theo đó, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu trên với các Phòng GD&ĐT quận, huyện và trường phổ thông hỗ trợ thủ tục, giấy tờ trực tuyến để học sinh có thể học tạm tại trường ở quê khi không trở lại TPHCM kịp cho năm học mới. Hết giãn cách, các trường sẽ tiếp nhận học sinh kèm theo kết quả học tập, rèn luyện của các em tại trường học tạm.
Giáo viên các trường đang khảo sát học sinh đang còn ở TP hay đã về quê để có phương án học tập phù hợp |
Đồng thời, Sở cũng yêu cầu các trường công khai email, danh bạ cán bộ phụ trách việc trên để phụ huynh, học sinh liên hệ khi cần. Sở cũng kêu gọi mỗi giáo viên, nhân viên trong ngành trở thành đầu mối hỗ trợ phương án học tập trên địa bàn mình cư trú trong điều kiện có thể.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID- 19, ngành giáo dục TP đã buộc phải dạy học trực tuyến ngay từ khi bắt đầu năm học mới, thậm chí là kéo dài đến hết học kỳ. “Do đó, Sở đã có tờ trình đề xuất UBND TPHCM giãn thời gian thu học phí học kỳ I, đồng thời đề xuất miễn học phí học kỳ I như một chính sách hỗ trợ khó khăn cho phụ huynh và học sinh từ mầm non đến phổ thông và đang chờ ý kiến từ UBND TP”, ông Hiếu nói.
Ngoài ra, ông Hiếu cho biết, Sở đang phối hợp với đài truyền hình triển khai sản xuất chương trình dạy học để có thể phát sóng đầu tháng 9. Nội dung được ưu tiên các đoạn phim hướng dẫn trẻ tự học, hướng dẫn phụ huynh cùng học, hỗ trợ con em mình.