Xe khách tiếp tục chạy xuyên tâm
Ghi nhận sáng 5/1 tại bến xe Mỹ Đình, vẫn còn nhiều người dân bất ngờ khi nhận được thông tin chuyển tuyến của các nhà xe. Em Đỗ Thị Thanh (sinh viên trường Đại học Thương mại) cho biết, em cũng đã nghe đài báo nói về việc chuyển nhiều xe ở bến Mỹ Đình về Nước Ngầm nhưng không biết tuyến Nghệ An cũng đã chuyển hết. “Giá taxi từ đây về bến Nước Ngầm mất gần 150 ngàn đồng nên bọn em quyết định đi đến đầu đường để chờ xe”, Thanh nói. Một sinh viên ĐH Quốc gia tên là Nam cho biết thêm, không phải sinh viên muốn bắt xe dọc đường nhưng đồ đạc về quê rất lỉnh kỉnh nên đi xe buýt bất tiện.
Tại các điểm rẽ lên cầu vượt, đường Tôn Thất Thuyết, đường Đỗ Đức Dục và đường Phạm Hùng (đoạn trước cổng Trung tâm Hội nghị Quốc gia), là những đoạn thường xuyên có người chờ xe và có xe đi các tỉnh phía Nam chạy qua đón khách. Nhiều nhất là các xe đi Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình… Các xe này hoạt động mạnh nhất vào giờ trưa, khoảng 13h10, liên tục các xe Hà Thì BKS 17L-6789 (tuyến Hà Nội - Thái Bình); Tú Tài BKS 35B-006.83 (Hà Nội - Ninh Bình) ngang nhiên đi chậm, bắt khách dọc đường Phạm Hùng.
Tương tự trên đường vành đai 3 trên cao, nhiều xe khách tuyến Thanh Hóa, Nghệ An,… vô tư tạt vào lề đón, trả khách trên đường cao tốc. Trong đó có các nhà xe Hoàng Chinh, Quang Dũng, Cường Mai… Để qua mặt lực lượng chức năng, có nhà xe còn bóc chữ: Hà Nội - Thanh Hóa dán trên kính xe, tuy nhiên phụ xe vẫn liên tục mời chào, vẫy khách để đi Thanh Hóa.
Trao đổi với PV Tiền Phong, nhà xe H.P (chạy tuyến Hà Nội - Nghệ An) cho biết, vẫn còn nhiều nhà xe không chuyển về bến xe Nước Ngầm. Trong số đó, một nửa tạm dừng hoạt động, một nửa chuyển sang hoạt động chui. Họ đỗ xe tại các bãi đỗ xe tạm ở Mỹ Đình 1, rồi chờ người bắn tin. Khi nhận tin lực lượng chức năng đi khỏi, các xe lập tức chạy qua bến xe Mỹ Đình và khu vực lân cận để “vợt” khách.
Theo bà Thảo, chủ nhà xe L.T (tuyến Thanh Hóa - Hà Nội), sau 2 ngày hoạt động tại bến mới (bến Nước Ngầm), nhà xe mới bán được vỏn vẹn chưa đến 10 vé. “Người dân chưa quen tuyến, không ai chịu mất tiền đi taxi bằng tiền vé để đến bến cả. Bên cạnh đó, người dân vẫn đổ dồn về Giáp Bát, hết vé họ mới xuống đây”, bà Thảo nói.
Bến xe Nước Ngầm thường xuyên trong tình trạng quá tải.
Nhà xe khốn đốn vì bến mới
Vẫn theo đại diện nhà xe H.P, chấp nhận chủ trương của thành phố nhưng tất cả các DN chuyển về bến xe Nước Ngầm đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Thứ nhất là lượng khách đến bến Nước Ngầm rất ít. Lý do chủ quan là các tuyến xe buýt kết nối từ Mỹ Đình đến Nước Ngầm vẫn còn hạn chế, ít tuyến. “Nếu để khách bỏ tiền ra đi taxi thì chắc chắn là lượng khách đến bến xe Nước Ngầm sẽ ít đi”, vị này khẳng định.
Một đơn vị vận tải xin được giấu tên cho biết thêm, bến xe Nước Ngầm hiện nay không đủ công suất để đáp ứng nhu cầu của các nhà xe. Thực tế hiện nay, các nhà xe sau khi trả khách, đều phải ra ngoài bến, đỗ xe tại một bãi tạm gần đó. DN lại phải gánh thêm hàng loạt chi phí bến bãi, chưa kể phải thuê bảo vệ để trông coi tài sản, hàng hoá. Phí cho mỗi lần xuất bến ở Nước Ngầm cao gấp 3- 4 lần so với bến Mỹ Đình, cũng như các bến xe quốc doanh khác. Vị này khẳng định: Nếu tiếp tục như vậy, không DN nào trụ được quá 6 tháng.
Bà Hồ Thị Hoàng (Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phương, Thanh Hóa) cho biết, DN của bà từng đưa xe về bến Nước Ngầm kinh doanh, nhưng thua lỗ nên buộc phải chuyển về bến Giáp Bát, rồi lại đến bến Mỹ Đình. Bà Hoàng kiến nghị: “Đề nghị cơ quan chức năng xem xét giữ nguyên cho những xe lộ trình không đi xuyên tâm như lộ trình của DN chúng tôi hiện nay: Thanh Hóa- đường Hồ Chí Minh - Đại lộ Thăng Long - Mỹ Đình, nhằm đảm bảo lợi ích cho khách hàng và DN”.
Thông tin từ Sở GTVT Hà Nội cho thấy, trong số 440 lượt xe được điều chuyển từ bến xe Mỹ Đình về bến xe Nước Ngầm thì ngày 3/1 có 318/440 lượt xe và ngày 4/1 có 305/440 lượt xe ra vào bến Nước Ngầm. Như vậy, có hơn 100 lượt xe được điều chuyển từ Mỹ Đình vẫn chưa đăng ký vào bến xe Nước Ngầm. Đây mới chỉ là một nửa số lượng xe dự kiến điều chuyển, thế nhưng bến xe Nước Ngầm đã có dấu hiệu quá tải. Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, cần phải tính lại công suất của bến xe Nước Ngầm. Theo công suất báo cáo từ bến xe, bến Nước Ngầm có công suất 1.100 lượt xe. Tuy nhiên, hiện nay bến mới chỉ có hơn 800 lượt. Nhưng nhiều xe đã phải đỗ chờ bên ngoài, trước giờ chạy mới được vào bến. “Công suất phải tính theo toàn bộ thời gian xe vào bến, chờ ở bến và xuất bến”, đại diện Sở GTVT nói. Ngoài ra, vị này khẳng định: Việc bến xe đẩy các xe ra ngoài chờ là không đúng, không có trách nhiệm với các nhà xe, gây mất trật tự giao thông. “Không thể đẩy việc ra ngoài để xã hội chịu. Chúng tôi sẽ sớm có kiến nghị về việc này”, vị này khẳng định.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội, thành phố cần rút ra bài học từ chuyện điều chuyển luồng tuyến tại bến xe Mỹ Đình. Đó là lộ trình, thời điểm áp dụng; sự phối hợp giữa chính quyền và DN. “Không riêng bến Mỹ Đình mà ngay cả bến xe Giáp Bát, bến xe Nước Ngầm cũng đã thường xuyên ùn tắc, quá tải. Thành phố cần sớm điều chỉnh luồng tuyến, vị trí của các bến xe này”, ông Nghiêm nói.
Bức xúc của nhà xe bến Mỹ Đình liên quan nạn “bán lốt”?
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho biết, hôm nay (6/1) Sở GTVT sẽ có buổi họp sơ kết 3 ngày thực hiện điều chuyển luồng tuyến. Ý kiến của các doanh nghiệp vận tải sẽ được tập hợp, xử lý. Trả lời câu hỏi của phóng viên: Bức xúc của nhà xe có liên quan đến việc mua bán lốt tại bến xe Mỹ Đình hay không? Ông Hà Huy Quang khẳng định: “Việc mua bán lốt là chuyện của các nhà xe với nhau, Sở không biết và cũng không đi sâu vào. Việc quan trọng hiện nay là ổn định luồng tuyến, đảm bảo quyền lợi cho người dân và DN”.