Nhiều người trẻ mắc ung thư dạ dày, đại trực tràng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TP - Mỗi tuần, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cho khoảng 20 bệnh nhân ung thư dạ dày, trực tràng. GS.TS Trần Bình Giang, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Việt Đức cho biết, những người mắc các bệnh ung thư dạ dày, trực tràng đang trẻ hoá.

Mới đây, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận một bệnh nhân nam ở Hà Nội có u trực tràng đã chuyển sang ung thư và hiện giờ đã di căn toàn bộ gan. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán khối u đó phát triển ít nhất đã 2 năm gần đây mà người bệnh không hay biết, không đi khám để phát hiện và điều trị sớm. Vì vậy các tế bào ung thứ nhân lên nhanh chóng.

GS.TS Trần Bình Giang cho biết nhiều bệnh nhân đến viện khi bệnh đã muộn như trường hợp nói trên mặc dù Việt Nam đã áp dụng các kỹ thuật phát hiện sớm bệnh. Nguyên nhân là do người bệnh e ngại việc khám sức khỏe định kỳ, nội soi dạ dày theo chỉ định ở những người có nguy cơ cao. Thống kê cho thấy tại Việt Nam cứ 100.000 người thì có ít nhất 14 người tử vong do ung thư dạ dày. Trước kia, bệnh chủ yếu xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi, nhưng hiện nay ngày càng nhiều người trẻ mắc hai bệnh này, có bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn cuối khi chưa đến 30 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân nam nhiều hơn nữ.

Tại Bệnh viện Việt Đức, trung bình mỗi tuần mổ từ 150-200 ca thì có khoảng 20 ca ung thư dạ dày, đại tràng. Tỷ lệ các ca ung thư khác như: ung thư não, phổi, tuyến giáp, gan cũng chiếm tới 30%. Điều đáng nói là ung thư dạ dày, đại tràng là những bệnh diễn tiến chậm, nhưng do nhiều người dân chưa có thói quen khám sức khỏe định kỳ và không làm nội soi dạ dày, đại tràng theo khuyến cáo nên thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị.  Có nhiều bệnh nhân khi hỏi sợ mổ, đi sử dụng các biện pháp như bỏ đói tế bào, ăn gạo lứt.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, các ca tử vong có liên quan đến bệnh không truyền nhiễm hiện chiếm khoảng 75% tổng số ca tử vong. Tỷ lệ tử vong tính trên đầu người do ung thư dạ dày ở Nhật Bản là 13,8/100.000 người, trong khi tỷ lệ tại Việt Nam là 14,3/100.000   gần như tương đương với Nhật Bản. Tại Nhật Bản, 40% số ca phẫu thuật ung thư dạ dày được thực hiện dưới hình ảnh nội soi hỗ trợ phẫu thuật và tỷ lệ này đang ngày càng gia tăng do phát hiện sớm. Trong khi đó Việt Nam cũng áp dụng rộng rãi tại nhiều bệnh viện, nhưng số bệnh nhân được phát hiện sớm vẫn còn hạn chế do người bệnh e ngại việc khám sức khỏe định kỳ, nội soi dạ dày theo chỉ định ở những người có nguy cơ cao.

Cần khám định kỳ, phát hiện sớm bệnh

GS Giang khuyến cáo, cho dù sức khỏe bình thường thì những phụ nữ từ 40 tuổi, nam giới từ 45 tuổi trở lên nên đi nội soi để kiểm tra dạ dày, đại tràng.

Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp, thuộc 10 vị trí ung thư thường gặp nhất. Tại Việt Nam, căn bệnh này đứng hàng thứ hai ở nam giới sau ung thư phổi và hàng thứ ba ở nữ giới sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung.

Ung thư đại trực tràng là một trong những ung thư đường tiêu hóa có tiên lượng tốt, tuy nhiên, nếu được phát hiện muộn thì cũng giống như tất cả các loại ung thư khác, khả năng điều trị ít hiệu quả. GS Giang cũng cho biết, hiện nay việc nội soi có gây mê giúp người bệnh không khó chịu, không đau như trước nữa. Nếu phát hiện polip thì phải cắt, phải xét nghiệm, nếu là polip loạn sản, nguy hiểm thì 6 tháng nội soi lại, còn lại cứ 1 năm sau đi kiểm tra nếu có các bất thường khác.

MỚI - NÓNG