Nhiều người nhận tiền tỷ bồi thường làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài khoảng 54 km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài khoảng 34 km với hơn 3.400 hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng Nai đền bù cao nhất là 25,99 triệu đồng/m2 khi người dân bị thu hồi đất. Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều người dân đã nhận tiền tỷ từ dự án.

Tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất phê duyệt giá đền bù đất thu hồi thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Theo đó, UBND TP. Biên Hòa (Đồng Nai) đã ký ban hành quyết định về việc phê duyệt giá đất để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án thành phần 1 thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn qua TP. Biên Hòa.

Theo quyết định, tổng diện tích đất bị thu hồi của dự án thành phần 1 thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đoạn qua TP. Biên Hòa là hơn 47 ha, tại phường Phước Tân và phường Tam Phước. Các loại đất bị thu hồi gồm, đất ở tại đô thị, đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm, đất trồng lúa, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thuỷ sản.

Nhiều người nhận tiền tỷ bồi thường làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ảnh 1

Một khu vực nằm trong diện thu hồi đất để làm dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn qua TP. Biên Hòa.

Theo quyết định phê duyệt đền bù, giá đất cao nhất là 25,99 triệu đồng/m2 đối với đất ở tại đô thị vị trí 1; giá đất thấp nhất là 1,224 triệu đồng/m2 đối với đất nông nghiệp (đất nuôi trồng thuỷ sản, đất rừng sản xuất vị trí 4).

UBND huyện Long Thành cũng phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án thành phần 1, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua xã An Phước, Long Đức, Lộc An và thị trấn Long Thành) có giá đất cao nhất là 12,3 triệu đồng/m2 đối với đất ở nông thôn vị trí 1; giá đất thấp nhất là 523.900 đồng/m2 đối với đất nông nghiệp (đất nuôi trồng thuỷ sản, đất rừng sản xuất vị trí 4).

Như vậy, đến thời điểm này, tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành việc phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu giai đoạn 1.

Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 54 km, trong đó đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài khoảng 34 km. Để thực hiện dự án, Đồng Nai phải thu hồi diện tích đất gần 290 ha trên địa bàn TP. Biên Hòa và huyện Long Thành với hơn 3.400 hộ dân bị ảnh hưởng.

Người dân nhận tiền tỷ

UBND TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đợt 2 cho 41 hộ dân và tổ chức có đất phải thu hồi để đầu tư xây dựng dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa- Vũng Tàu giai đoạn 1, đoạn qua xã Tân Hưng và Hòa Long.

Theo đó, tại xã Hòa Long có 17 hộ gia đình, cá nhân nhận bồi thường, hỗ trợ đợt này. Tổng diện tích đất thu hồi là hơn 5 ha nhưng có gần 2,6 ha đất được không bồi thường nên hơn 2,4 ha đất nông nghiệp và 190 m2 đất ở được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 66 tỷ đồng.

Đoạn qua xã Tân Hưng, có 23 trường hợp (21 hộ gia đình cá nhân, 2 tổ chức) nhận bồi thường đợt 2 với tổng diện tích thu hồi là hơn 3,3 ha. Trong đó có hơn 1,4 ha đất không được bồi thường nên tổng số tiền hỗ trợ là hơn 26 tỷ đồng.

Trước đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Bà Rịa tổ chức chi trả đợt 1 kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu cho 33 hộ dân, tổ chức ở xã Tân Hưng. Tổng số tiền đền bù là hơn 71 tỷ đồng. Người được nhận đền bù nhiều nhất là hơn 14 tỷ đồng, người nhận được ít nhất là hơn 15 triệu đồng.

Còn UBND thị xã Phú Mỹ cho biết, đã có 15 hộ dân trên địa bàn phường Mỹ Xuân có đất bị thu hồi phục vụ cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu nhận tiền đền bù và bàn giao đất cho cơ quan chức năng. Tổng số tiền đền bù cho 15 hộ này khoảng 91 tỷ đồng.

Nhiều người nhận tiền tỷ bồi thường làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ảnh 2

Người dân Bà Rịa nhận tiền đền bù.

Theo quyết định số 23/QĐ-UBND, để thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đoạn qua phường Mỹ Xuân, phường Hắc Dịch, xã Tóc Tiên và xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ), có 3 loại đất (đất ở, đất nông nghiệp và đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp) với diện tích cần thu hồi là hơn 115 ha.

Cụ thể, đất ở thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án trên địa bàn phường Mỹ Xuân và phường Hắc Dịch được xác định nằm trên đường loại 3 và đường loại 4 với 5 vị trí khác nhau. Giá đất đền bù theo quyết định 23/QĐ-UBND thấp nhất là 1,74 triệu đồng/m2, cao nhất là 13,502 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí và từng loại đường.

Diện tích đất ở cần thu hồi thuộc địa bàn xã Tóc Tiên và xã Châu Pha chủ yếu nằm ở khu vực 1 và khu vực 2. Theo đó, giá đền bù được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt từ 1,711 triệu đồng/m2 đến 10,246 triệu đồng/m2, tùy từng khu vực và vị trí đất.

Đất nông nghiệp (đất trồng cây lâu năm, đất trồng cây hàng năm) tại xã Châu Pha và xã Tóc Tiên được phê duyệt giá bồi thường từ 905.000 đồng/m2 đến 3,252 triệu đồng đồng/m2.

Đất nông nghiệp thuộc phường Mỹ Xuân và phường Hắc Dịch có giá đền bù thấp nhất là 945.000 đồng/m2 và cao nhất là 3,989 triệu đồng/m2.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng gần 18.000 tỷ đồng. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu 2023 và cơ bản hoàn thành trong năm 2025.

Nhiều người nhận tiền tỷ bồi thường làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu ảnh 3
MỚI - NÓNG
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
Thành lập TP. Huế trực thuộc Trung ương: Nhiều thách thức nhưng cơ hội rất lớn
TPO - Dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại TP. Huế, ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương - cho biết, sắp tới khi Trung ương cho chủ trương, Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng có cơ hội rất lớn cho Thừa Thiên - Huế.