Nhiều người mắc viêm gan B chưa được phát hiện

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Tuy nhiên, tỉ lệ người bệnh được phát hiện và quản lí còn rất hạn chế.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) nhận định, nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.

Hằng ngày, Trung tâm Bệnh nhiệt đới ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám và nhập viện nhưng không biết mình bị nhiễm virus viêm gan B, C vì đa số có triệu chứng âm thầm, kín đáo. Nhiều trường hợp đến bệnh viện đã có biến chứng xơ gan thậm chí ung thư gan. Có một thực tế, nhiều bệnh nhân viêm gan hiện nay đều được phát hiện, quản lí và theo dõi định kì tại phòng khám chuyên khoa hoặc được uống thuốc theo chương trình bảo hiểm y tế nhưng một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc thấy đỡ đã tự ý bỏ thuốc dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan mất bù, ung thư gan,...

Nhiều người mắc viêm gan B chưa được phát hiện ảnh 1

PGS.TS Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân mắc viêm gan B

Điển hình là bệnh nhân Nguyễn Văn K. (64 tuổi, Hà Nam) vào viện ngày 21/7 với triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da. Bệnh nhân phát hiện xơ gan - viêm gan mạn cách đây 1 năm, điều trị thuốc kháng virus tại tuyến tỉnh thấy có đỡ, tuy nhiên sau đó bệnh nhân bỏ thuốc 6 tháng nay. Theo lời kể của người nhà, 1 tuần nay bệnh nhân mệt mỏi, ăn ngủ kém, đầy bụng. Bệnh nhân đang điều trị tiểu đường nên vào Bệnh viện Nội tiết khám, xét nghiệm thấy men gan tăng cao nên được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai). Bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan mạn, biến chứng xơ gan, suy gan, tiên lượng bệnh rất khó khăn.

Viêm gan B do virus HBV (Hepatitis B Virus) gây ra. Sau khi lây nhiễm vào cơ thể, virus có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng, nếu sau 6 tháng, cơ thể người bệnh không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và nhiễm virus HBV suốt đời.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Nguyễn Phương N. (47 tuổi, Yên Bái) phát hiện viêm gan B từ 4 năm trước, điều trị thuốc kháng virus nhưng đã tự ý bỏ thuốc 2 tháng nay. Trước khi nhập viện 1 tháng, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, cảm giác đầy bụng, vàng da vàng mắt. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân được chẩn đoán xơ gan, men gan cao, suy gan và có chỉ định lọc máu.

PGS.TS Đỗ Duy Cường cho biết: “Điều trị viêm gan B là điều trị suốt đời nên bệnh nhân cần được theo dõi, quản lí chặt chẽ bởi bác sĩ chuyên khoa. Nếu ngừng thuốc, bỏ thuốc thì virus sẽ bùng lên dẫn tới suy gan cấp. Rất nhiều bệnh nhân đến Trung tâm do bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị với các triệu chứng vàng da, vàng mắt, biểu hiện xơ gan, men gan cao và suy gan”.

Bác sĩ Cường khuyến cáo: “Phụ nữ trước khi kết hôn hoặc khi có thai nên được sàng lọc xem có bị nhiễm virus viêm gan B hay không để theo dõi, quản lí và điều trị dự phòng lây truyền mẹ sang con. Hiện nay tỉ lệ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con vẫn rất lớn, đa số là do phụ nữ có thai không được sàng lọc viêm gan B và khi trẻ sinh ra không được tiêm kháng huyết thanh và vắc xin viêm gan B. Hậu quả là trẻ sẽ bị nhiễm virus từ lúc còn nhỏ để lại gánh nặng bệnh tật rất lớn sau này”.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế, tiêm vắc xin phòng viêm gan B là biện pháp phòng bệnh hiệu quả và nên tiêm càng sớm càng tốt. Cần tiêm cho tất cả trẻ em trong vòng 24h sau sinh và các mũi tiếp theo lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu nồng độ kháng thể trong máu thấp (nhỏ hơn 10 đơn vị quốc tế/ml) cần tiêm đủ 3 mũi, trong 3 tháng, sau đó nhắc lại).

MỚI - NÓNG