Chia đôi que thử HIV, viêm gan B: Có thể bỏ sót nhiều trường hợp mắc bệnh

Chia đôi que thử HIV, viêm gan B: Có thể bỏ sót nhiều trường hợp mắc bệnh
TP - Liên quan vụ việc nhân viên Bệnh viện Saint Paul (Hà Nội) cắt đôi que thử HIV, viêm gan B để làm xét nghiệm cho bệnh nhân, GS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, cho rằng, những bệnh nhân này nên đi xét nghiệm lại để biết chính xác tình trạng sức khỏe bản thân.

GS Trí cho rằng, cần biết chính xác số lượng bệnh nhân và Bệnh viện Saint Paul nên chủ động hỗ trợ người dân đi xét nghiệm lại. Chuyên gia đầu ngành về huyết học nhận định: “Đây là một hành động cố tình làm sai. Việc này gây ra hậu quả về chuyên môn là hết sức nghiêm trọng. Chuyện này rất dễ gặp ở mọi labo nếu tham lam”. Theo quy định của nhà sản xuất, một thanh test cung ứng ra ngoài thị trường đã được tính toán chiều dài, chiều rộng và phải qua hàng vạn lượt thử nghiệm lâm sàng, nhờ có những thông số tiêu chuẩn, mới thấy được lượng kháng thể trong mẫu máu xuất hiện. Khi cắt đôi que test sẽ khiến cho xét nghiệm không còn chính xác, gây ra hiện tượng âm tính giả.

GS Trí nhìn nhận: “Việc làm này là rất nghiêm trọng, vì sẽ có nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh mà âm tính giả. Đối với một bệnh nhân mang virus viêm gan và HIV âm tính giả là vô cùng nguy hiểm. Điều này sẽ càng trở nên nghiêm trọng với căn bệnh HIV. Người bệnh không được phát hiện sẽ truyền bệnh sang những người khác”.

Về việc làm xét nghiệm có được phép trộn các mẫu máu với nhau hay không, GS Trí nói: “Đừng nhầm lẫn các xét nghiệm với nhau. Xét nghiệm trộn các mẫu máu chỉ được thực hiện trong xét nghiệm PCR (Polemerase Chain Reaction - phản ứng chuỗi polymerase. PCR là kỹ thuật khuếch đại gen lên vài chục triệu lần, sau đó sẽ chạy điện di. Trong xét nghiệm PCR, người ta sẽ trộn không chỉ 4 mẫu máu mà có thể lên tới 8 mẫu máu (bệnh phẩm). Còn xét nghiệm ELISA không có khuếch đại, nếu trộn 4 thì lượng kháng nguyên chỉ là 1/4 (25%), pha những mẫu máu này phối hợp với nhau hậu quả nghiêm trọng, khó có thể nói trước được”.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư nói rằng, hiện quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B bằng các sinh phẩm cần đảm bảo theo nguyên tắc sinh phẩm sàng lọc có độ nhạy cao, đặc hiệu, không chọn sinh phẩm có cùng nhược điểm âm tính giả hoặc dương tính giả trong cùng một phương pháp.

Dù vụ việc que xét nghiệm bị các nhân viên y tế cắt làm đôi tại Bệnh viện Saint Paul chưa có kết luận cuối cùng, nhưng từ những điều đã được phản ánh, chuyên gia đầu ngành về xét nghiệm khẳng định, các nhân viên y tế tại bệnh viện này có thể bỏ sót nhiều trường hợp đã mắc bệnh.

Buông lỏng quản lý

Đánh giá về vụ việc, ông Trí cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ công tác quản lý chất lượng, gồm hoạt động mua sắm trang thiết bị, sử dụng thiết bị, đánh giá kết quả sử dụng hàng ngày, buông thả ý thức chuyên môn… Trả lời câu hỏi, tại Việt Nam liệu từng xảy ra sự việc tương tự nhằm tiết kiệm ngân sách, GS Trí nói rằng, ông không phải là người điều tra nên không thể xác nhận được sự việc đó đã từng xảy ra hay chưa, nhưng ở khía cạnh nhà khoa học, ông nhận định, việc này rất dễ xảy ra nếu như con người hám lợi trước mắt.

Thanh tra Sở Y tế đã có tờ trình gửi Giám đốc Sở Y tế Hà Nội về việc thành lập đoàn thanh tra việc mua sắm, quản lý, sử dụng que xét nghiệm nhanh (test) HIV, viêm gan và xét nghiệm Elisa tại Bệnh viện Saint Paul từ ngày 1/1/2019 đến nay. Thời gian thanh tra là 30 ngày. Trong tờ trình, Sở Y tế Hà Nội đánh giá vụ việc cắt đôi que test viêm gan B, HIV tại Bệnh viện Saint Paul có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, tập thể, có thể ảnh hưởng xấu, gây bức xúc dư luận. Đoàn thanh tra sẽ báo cáo Giám đốc Sở Y tế và đưa ra các hướng xử lý các cá nhân, tập thể sai phạm theo quy định (nếu có).

MỚI - NÓNG