Người bệnh viêm gan B nhất định phải biết những điều này khi tiêm vắc xin phòng COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Những người mắc bệnh mạn tính nói chung và viêm gan B, C nói riêng, có thể có nguy cơ cao gặp các triệu chứng nghiêm trọng do COVID-19. Các chuyên gia khuyến cáo, người mắc bệnh viêm gan B nên trao đổi với bác sĩ điều trị bệnh gan của mình trước khi tiêm phòng vắc xin COVID-19.

Viêm gan B là một trong các bệnh tương đối thường gặp trong cộng đồng khi số lượng người mang virus không biểu hiện triệu chứng còn khá cao.

Thông thường, khi nhiễm virus viêm gan B từ dịch tiết và máu của người bệnh với một số lượng đủ để gây bệnh, một người lành lặn sẽ biểu hiện thành ba thể khác nhau: Thể viêm gan B cấp tính; Thể viêm gan B mạn tính và thể viêm gan B không hoạt động (thể ngủ).

Những người mắc bệnh mạn tính nói chung và viêm gan B, C nói riêng, có thể có nguy cơ cao gặp các triệu chứng nghiêm trọng do COVID-19.

Các chuyên gia khuyến cáo, người mắc bệnh viêm gan B nên trao đổi với bác sĩ điều trị bệnh gan của mình trước khi tiêm phòng.

Theo TS Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và tư vấn tiêm chủng vắc xin thuộc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, người nhiễm viêm gan B thể ngủ tức là không có hiện tượng hủy hoại tế bào gan hoặc tăng men gan.

Trường hợp này không thuộc nhóm chống chỉ định, vì vậy, vẫn có thể tiêm vắc xin COVID-19. Sau khi tiêm vắc xin, người tiêm cần nghỉ ngơi, theo dõi sát các phản ứng phụ sau tiêm và báo cho nhân viên y tế nếu cơ thể có phản ứng bất thường để được xử trí kịp thời.

Tất cả những người bệnh mắc bệnh gan mạn tính đều phải được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Nếu bệnh viêm gan B được kiểm soát tốt và điều trị ổn định, người dân vẫn được tiêm vắc xin COVID-19 bình thường. Người được tiêm cũng không phải dừng thuốc kháng virus viêm gan B trước hay sau tiêm vắc xin.

Sau ghép gan, nếu chức năng gan ổn định vẫn có chỉ định tiêm vắc xin COVID-19, chỉ trì hoãn tiêm khi người bệnh đang trong giai đoạn thải ghép cấp.

PGS.TS.Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội gan mật Việt Nam - cho biết riêng đối với bệnh nhân đang bị viêm gan cấp, có biểu hiện mắt vàng, tăng men gan, suy gan, tiểu cầu giảm thì nên trì hoãn tiêm vắc xin, đợi đến khi điều trị bệnh viêm gan cấp ổn định sẽ có chỉ định sau.

Nguyên nhân gây bệnh viêm gan B

Viêm gan B gây ra do virus HBV (Hepatitis B Virus). Đây là loại virus có hình cầu, vỏ bao quanh của HBV là lipoprotein có chứa kháng nguyên bề mặt HBsAg. Cho đến nay, virus HBV được xác định có 8 tuýp kháng nguyên khác nhau.

Virus HBV có thời gian ủ bệnh từ 3 đến 6 tháng. Giai đoạn đầu hoạt động, virus gây bệnh viêm gan B cấp tính. Sau 6 tháng, nếu cơ thể không thể tự miễn dịch được với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan và có thể chịu nhiều gánh nặng bệnh tật suốt đời.

Đường lây nhiễm của bệnh viêm gan B

Lây qua đường máu

Viêm gan B có thể lây qua khi tiếp xúc với đường máu của người nhiễm bệnh. Việc này bao gồm:

  • Để vết thương hở tiếp xúc với máu của người nhiễm bệnh.
  • Lây nhiễm qua việc dùng chung bàn chải đánh răng hay dao cạo râu.
  • Dùng lại kim chích để xăm mình, xỏ lỗ tai hay chích ma túy.
  • Dùng lại kim chích, ống chích y tế.
  • Do sự cố y tế truyền máu của người nhiễm viêm gan B cho người không mắc bệnh.

Lây từ mẹ sang con

Khi thai phụ bị nhiễm virus viêm gan B, khả năng lây nhiễm viêm gan B cho thai nhi là rất cao. Tỷ lệ lây nhiễm tăng cao dần cùng với thời gian bé phát triển cho đến lúc trẻ ra đời. Trong 3 tháng đầu, tỷ lệ lây nhiễm ở trẻ sơ sinh là 10% và tăng lên khoảng 60-70% ở 3 tháng cuối. Có đến 50% số trẻ này có thể bị viêm gan B mãn tính, đe dọa nguy cơ bị xơ gan lúc trưởng thành.

Lây qua đường tình dục

Virus HBV có thể gây lây nhiễm cho đối phương qua các vết xước nhỏ trong quá trình quan hệ tình dục. Chính vì vậy hãy chắc chắn rằng, mình đã sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục như: không quan hệ bằng miệng, không sử dụng các dụng cụ hỗ trợ kém vệ sinh…

Triệu chứng nhận biết bệnh viêm gan B

Viêm gan B gồm thể cấp và thể mãn tính. Ở thể cấp, các dấu hiệu có thể nhận biết dễ dàng hơn, trong khi đó, thể mãn tính diễn tiến vô cùng âm thầm, dễ bị bỏ qua. Thông thường, giai đoạn nhiễm trùng cấp tính, viêm gan B không xuất hiện triệu chứng gì đặc biệt. Tuy nhiên, trên thực tế đã ghi nhận một số trường hợp trải qua giai đoạn cấp tính với các triệu chứng kéo dài vài tuần như: vàng da và mắt (bệnh vàng da), nước tiểu đậm màu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn và đau bụng.

Ở thể mãn tính, cách phát hiện duy nhất là xét nghiệm máu. Thể này, người bệnh sẽ có triệu chứng như mệt mỏi, đau tức vùng gan, ăn kém, ngứa, da vàng, mắt vàng do virus tấn công vào gan khiến gan to, xơ, men gan tăng cao, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư gan. Mặc dù vậy, một số trường hợp vẫn không có triệu chứng, chỉ phát hiện khi đi kiểm tra sức khoẻ.

MỚI - NÓNG