Nhiều kho phế liệu 'tử thần' giữa khu dân cư

Đại lý phế liệu đang hoạt động giữa khu dân cư đông đúc trên đường Nguyễn Tất Thành, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, TT-Huế.
Đại lý phế liệu đang hoạt động giữa khu dân cư đông đúc trên đường Nguyễn Tất Thành, phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy, TT-Huế.
TP - Tại TT-Huế từng có những vụ cháy lớn trong khu dân cư đông đúc bùng phát từ những kho chứa phế liệu, gây thiệt hại nặng về tài sản, uy hiếp tính mạng con người. Tuy nhiên, ở tỉnh này hiện còn hàng chục điểm kinh doanh, thu gom, tập kết phế liệu “nhồi” giữa khu dân cư chưa được di dời, giải tỏa.

Cháy nổ rình rập

Dọc Quốc lộ 1 qua địa bàn thị xã Hương Thủy, tỉnh TT-Huế, từ hàng chục năm nay không khó để người đi đường bắt gặp những vựa phế liệu chất cao ngất ngưởng, chen giữa khu dân cư đông đúc, với nhiều ẩn hỏa cháy, nổ rình rập tính mạng con người. Tại những vựa kinh doanh phế liệu này, bên cạnh nhiều thứ được gom về chất đống cao là đồ điện tử hỏng, tôn kẽm gỉ sét, nhựa phế thải, thùng giấy, túi nylon… trước đây, lắm lúc còn có cả vỏ đạn, rồi bình gas cũ, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao.

Vựa phế liệu bị cháy nổ vì thế cũng không còn là chuyện lạ. Rạng sáng một ngày cách đây chưa lâu, tại một kho chứa phế liệu dùng tái chế kim loại ở phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) bỗng phát hỏa, sau đó là những tiếng nổ lớn. Vụ hỏa hoạn gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Năm 2012, cũng tại phường Thủy Châu xảy ra vụ cháy kho phế liệu rộng 400m2 đóng trên đường Võ Trác. Sau khi ngọn lửa được dập tắt, nhiều người giật mình phát hiện trong đống tro tàn lộ ra nhiều vỏ bom to tướng. Anh N.X.L, một người dân Hương Thủy, nhớ lại: “Vụ hỏa hoạn làm lộ vỏ bom hồi đó tại Thủy Châu rất lớn, kéo dài suốt nửa ngày mới dập tắt xong”. Rất may, những vụ cháy kể trên đều không gây thiệt hại về người.

Không riêng Thủy Châu - nơi được xem là thủ phủ nghề kinh doanh phế liệu của TT-Huế - hỏa hoạn cũng từng ghé thăm vựa chứa phế liệu khác ở thành phố Huế. Cho đến giờ, nhiều người dân ngụ trên đường Trần Quý Kháng (phường Hương Sơ, Huế) vẫn chưa quên vụ cháy dữ dội kho phế liệu vào cuối hè năm 2016. Vụ cháy xảy ra vào đầu giờ sáng, ngay thời điểm phân loại phế liệu khiến nhiều công nhân hốt hoảng “bỏ của chạy lấy người”, hàng xóm xung quanh cũng một phen hoảng loạn, buộc di tản trẻ em, người già, cùng đồ đạc có giá trị ra nơi xa để phòng tránh thiệt hại.

Nhiều kho phế liệu 'tử thần' giữa khu dân cư ảnh 1 Một vụ cháy lớn kho phế liệu lộ ra vỏ bom tại phường Thủy Châu vài năm trước.

Chưa thể di dời

Trở lại thủ phủ chuyên kinh doanh phế liệu phường Thủy Châu (thị xã Hương Thủy) trong một ngày mới đây, các vựa phế liệu dễ cháy, nổ vẫn hoạt động tấp nập giữa khu dân cư đông đúc, chưa được di dời đến khu quy hoạch, dù UBND thị xã Hương Thủy có đề án từ những năm trước. Theo tìm hiểu, tại Hương Thủy hiện có 53 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, trong đó, có đến 24 cơ sở buôn bán phế liệu (chiếm 45,3%). Riêng phường Thủy Châu có 15 điểm thu gom, kinh doanh phế liệu.

Được biết, từ năm 2012, UBND thị xã Hương Thủy từng phê duyệt Đề án di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư có nguy cơ ô nhiễm đến địa điểm hoạt động an toàn theo quy hoạch. Tuy nhiên, khu quy hoạch tập trung rộng hơn 10ha nằm dọc Quốc lộ 1 (nhánh tránh Huế), cách trung tâm Huế 11 km về phía tây thuộc phường Thủy Châu, hiện vẫn chưa có bất kỳ cơ sở kinh doanh phế liệu nào di dời tới.

Trao đổi với chúng tôi, một số chủ kinh doanh phế liệu tại Hương Thủy nại lý do họ vẫn cố thủ tại điểm thu mua cũ do thiếu điều kiện tài chính để đầu tư cơ sở mới trong khu quy hoạch, hoặc không đủ khả năng trả tiền thuê mặt bằng nhà xưởng tại khu công nghiệp, làng nghề tập trung. “Tui mua bán phế liệu tại chỗ ni hàng chục năm rồi, có cháy nổ chi mô. Đây là nơi đông người lui tới, chừ mà chuyển lên khu quy hoạch trên đường tránh Huế sẽ gặp khó khăn, không thuận lợi, khách đến nhập hàng đi lại trái đường. Rồi nhà mình ở đây, lên về bất tiện lắm”, một người làm nghề phế liệu tại Thủy Châu nêu lý do.

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Minh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy, cho biết: Khu quy hoạch dành cho nghề mua bán phế liệu trên toàn địa bàn thị xã hiện trong giai đoạn hoàn thiện, chỉ còn thiếu điện sinh hoạt. Sắp tới, chính quyền sẽ vận động và hỗ trợ các hộ kinh doanh phế liệu di dời về đây.

MỚI - NÓNG