Tiếng nổ chát chúa cùng đầu đạn bay như vãi thóc khắp thôn quê, hôm qua lực lượng chức năng thu gom lại lên tới 3,2 tấn. Một khung cảnh thảm khốc như trong thời chiến lại xảy ra giữa thời bình.
Nguyên do chỉ vì một ông “đồng nát” chuyên thu gom phế liệu đã “cõng” về làng tới 7 tấn đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 để tháo dỡ lấy kim loại. Đương nhiên, ông chủ kho phế liệu tử thần này đã bị khởi tố và bắt tạm giam về hành vi “Tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”.
Tuy nhiên, nếu chỉ một mình ông “đồng nát” hám lợi, bất chấp sự an toàn và tính mạng của người dân, liệu có “đủ sức” gây chuyện thảm khốc chấn động làng quê? Không, chắc chắn là không thể ! Bởi người mua thì phải có kẻ bán, một câu hỏi nhức nhối đặt ra, vậy ai đã bán tới 7 tấn “vũ khí quân dụng” này ra ngoài? Trách nhiệm của đơn vị quản lý loại vật liệu nổ nguy hiểm này ra sao một khi để lọt ra ngoài xã hội? Cho dù là đầu đạn cũ song sức công phá của nó đã kịp cướp đi 2 sinh mạng, ám ảnh đến suốt đời những người dân vô tội làng Quan Độ.
Còn nữa, hẳn chính quyền địa phương cũng không lạ gì ông chủ cơ sở phế liệu hành nghề lâu năm nói trên. Vậy trách nhiệm quản lý chủ cơ sở kinh doanh phế liệu này thuộc về phòng ban, sở ngành nào? Cả chục năm qua, từ vụ nổ thứ nhất cũng tại cơ sở này (nghe nói có 1 người chết) đến nay, có ai kiểm tra rà soát gì không? 7 tấn đạn ngang nhiên chở về làng mà chính quyền sở tại không hề hay biết là sao?
Bỗng giật mình tự hỏi, cả nước hiện còn bao nhiêu cơ sở buôn bán, thu gom phế liệu tương tự như ở làng Quan Độ? Liệu còn bao nhiêu vật liệu cháy nổ, nguy hiểm đang tồn tại dưới dạng phế liệu giữa các khu dân cư?
Vụ nổ thảm khốc ở Quan Độ không chỉ đơn thuần là một vụ tai nạn. Không những để lại một nỗi đau khôn nguôi cùng cái hố sâu toang hoác giữa làng quê, vụ việc còn phát lộ ra cả một khoảng trống không nhỏ trong quản lý các làng nghề thu gom phế liệu. Những bộ ngành nào chịu trách nhiệm quản lý lĩnh vực này? Rất cần một cuộc tổng kiểm tra và rà soát để bịt ngay khoảng trống “chết người” này, trên phạm vi cả nước.