Nhiều hình thức hỗ trợ hàng Việt lan toả

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh thành phố thực hiện xây dựng nhiều điểm bán Tự hào hàng Việt Nam, “Đưa hàng Việt về nông thôn", "Phiên chợ hàng Việt"... nhân rộng các điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại các địa phương.

Trong thời gian qua, nhiều mô hình, cách tổ chức mới để tạo sự hấp dẫn, lan toả giúp đưa hàng Việt đến với người dân, doanh nghiệp đã được các cơ quan, tổ chức chính trị và các địa phương phối hợp với Bộ Công Thương triển khai thực hiện.

Thông tin từ Sở Công Thương Đồng Nai cho biết, từ nguồn hỗ trợ kinh phí từ UBND tỉnh và vốn ngân sách, Đồng Nai đến nay đã xây dựng được tổng cộng 31 điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt”. Trong đó có 29 điểm được triển khai từ nguồn kinh phí của tỉnh, với mức hỗ trợ 85 triệu đồng/điểm bán.

Với việc kiên trì tổ chức và duy trì các điểm bán 100% hàng Việt, đến nay, các điểm bán này đang góp phần không nhỏ trong việc nâng tầm, mở rộng thị phần cho hàng Việt, thu hút ngày càng người tiêu dùng quan tâm và sử dụng hàng trong nước. Kết quả về kinh doanh cũng cho thấy, các điểm bán “Tự hào hàng Việt” tại Đồng Nai đang hoạt động khá tốt với mức tăng trưởng đạt từ 20 đến 30%/năm.

Không chỉ có mặt tại các khu đô thị, thành phố, các điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt” cũng đã lan toả đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống.

Còn tại tỉnh Tiền Giang, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với sự tham gia quyết liệt của các tổ chức đã tạo được sức lan tỏa, thu hút ngày càng nhiều tổ chức, người dân ủng hộ hàng Việt thông qua các hoạt động mua sắm, sử dụng hàng Việt, sử dụng hàng, dịch vụ của nhau giúp nâng tỉ lệ tiêu thụ hàng Việt trên địa bàn, thúc đẩy nâng cao chất lượng, dịch vụ của doanh nghiệp.

Đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh đã nhân rộng 25 điểm và hơn 30 chợ bán hàng Việt có số lượng hàng hóa lớn, trong đó, tập trung nhiều ở thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, huyện Cái Bè. Nhiều đơn vị cấp xã có 70-80% người dân thường xuyên dùng hàng Việt. Trong khi đó, tại Quảng Ninh, các hội chợ, phiên chợ hàng Việt được đông đảo người dân tham quan, mua sắm, góp phần đẩy mạnh thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt chất lượng cao gần hơn với người tiêu dùng.

Nhiều hình thức hỗ trợ hàng Việt lan toả ảnh 1

Hàng Việt ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng nhờ nâng cao chất lượng

Với tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết, việc các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng hàng hoá của nhau trong mua sắm đã góp phần không nhỏ trong việc tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ, hàng hoá của doanh nghiệp Việt. Nhiều doanh nghiệp, sau một thời gian nỗ lực, đến nay đã có những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Nhiều sản phẩm không chỉ được biết tiếng trên địa bàn tỉnh, mà còn là sản phẩm vươn tầm xuất khẩu thế giới, sang các thị trường có tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới.

Nhiều các mô hình thành công về phát triển hàng Việt, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng tại Biên Hòa, Đồng Nai cũng đang khá thành công sau khi được sự tiếp sức từ các cơ quan chính quyền cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp.

Để “trợ lực” cho hàng Việt, thời gian qua, Biên Hòa đã ưu tiên, khuyến khích các cửa hàng, trung tâm thương mại bán các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao. Đặc biệt, những cửa hàng đồng thuận, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thông qua việc bày bán phần lớn các sản phẩm hàng hàng hóa made in Việt Nam… sẽ nhận được những ưu đãi lớn về nhiều mặt, tạo sự thuận lợi trong kinh doanh, buôn bán.

Kết quả khảo sát mới đây của Ban vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Biên Hòa cho thấy, có 94% người tiêu dùng thành phố được hỏi “rất quan tâm” và “quan tâm” đến Cuộc vận động; 77% số người tiêu dùng “tự xác định khi mua hàng hoá sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; 48,5% người tiêu dùng “khuyên người thân trong gia đình, bạn bè, người quen biết mua hàng Việt Nam”.

Theo đánh giá, các điểm bán hàng Việt đang đối mặt khó khăn trong cạnh tranh giá bán với các cửa hàng thông thường, giữa hàng Việt và hàng ngoại…Điều này khiến nhiều điểm kinh doanh hàng Việt lo lắng. Để hỗ trợ các doanh nghiệp và hàng Việt vươn lên, các cơ quan chức năng cần tăng kiểm tra, kiểm soát thị trường xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ để nâng uy tín cho hàng Việt trên thị trường.

Về hành trình lan toả hàng Việt, đưa hàng Việt vươn lên, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho hay, sự phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã giúp ngành Công Thương có được một nền tảng khá vững chắc trong xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại, phát triển các chương trình thương mại nội địa như Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình Đưa hàng Việt về nông thôn, Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam…

Theo bà Nga, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai những giải pháp như phối hợp các cơ quan liên quan để tiếp tục triển khai các chương trình trọng điểm và tăng cường triển khai Cuộc vận động trong tình hình mới.

“Trong thời gian tới, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cần được tiếp tục đẩy mạnh và có chiều sâu hơn nữa, một tầm cao hơn nữa về cách thức triển khai cũng như chất lượng triển khai Cuộc vận động này. Chúng ta sẽ vận động làm sao để hàng Việt Nam chinh phục được người Việt Nam, hàng Việt Nam thắng trên sân nhà, giữ vững được thị phần cho hàng hóa sản xuất trên lãnh thổ của Việt Nam”, bà Nga nói

MỚI - NÓNG