Nhiều dự án nghĩa trang vướng mắc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều dự án xây dựng nghĩa trang tại Hà Nội đang gặp những vướng mắc cần tháo gỡ.

Theo phản ánh của một số hộ dân tại thôn Phú Mỹ A (xã Phú Sơn, huyện Ba Vì), dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng trên địa bàn chậm trễ cả chục năm khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề.

Nhiều dự án nghĩa trang vướng mắc ảnh 1

Người dân sống bất an trong quy hoạch Dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng, huyện Ba Vì

Bà Trần Thị Mộc (85 tuổi), người dân thôn Phú Mỹ A cho biết, mặc dù đất đã được kiểm đếm, ký hỗ trợ nhưng sau 10 năm nhà bà và hàng chục hộ dân vẫn chưa được nhận tiền đền bù, hỗ trợ.

Ngoài ra, năm 2017, chủ đầu tư là Cty cổ phần Tập đoàn xây dựng Bình Minh tự ý san lấp mặt bằng khi chưa đền bù hỗ trợ, khiến cho công trình trên đất bị phá hỏng, mặt bằng sụt lún... dẫn đến việc ngập lụt liên tục tại thôn. Một số người dân không thể sinh hoạt trên mảnh đất của mình, buộc phải đi ở nhờ suốt 5 năm nay.

Được biết, dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng có quy mô khoảng 203 ha. Ngày 29/9/2016, UBND Thành phố ban hành Quyết định số 5444/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ đầu tư thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư giải phóng mặt bằng theo quy hoạch dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ (giai đoạn 1) và dự án xây dựng thao trường huấn luyện mới cho Trường Trung cấp Kỹ thuật Công Binh phục vụ dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ…

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện UBND huyện Ba Vì cho biết, Cty cổ phần Tập đoàn xây dựng Bình Minh là chủ đầu tư dự án thực hiện các thủ tục liên quan đến công tác đầu tư bao gồm cả việc thực hiện bản đồ đo đạc địa chính 1/500 và các mốc giới. Tuy nhiên, trong suốt quá trình làm việc từ năm 2017 đến nay, chủ đầu tư không thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và đề nghị tách các mốc giới ra khỏi dự án nghĩa trang.

Bên cạnh đó, do dự án kéo dài nên chế độ, chính sách bồi thường có nhiều thay đổi, hồ sơ quản lý đất đai không đầy đủ nên việc xác nhận nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn. Dự án liên quan đến 90 hộ gia đình có đất ở phải bố trí tái định cư nhưng khu tái định cư vẫn chưa thực hiện xong.

Nhiều dự án nghĩa trang bị phản đối

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014, đến năm 2030 Hà Nội dành 24.000 tỷ đồng để đóng cửa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và xây mới một số nghĩa trang. Trong đó, xây dựng mới nhà tang lễ quốc gia. Dự báo đến năm 2050, quỹ đất dành cho xây dựng nghĩa trang thành phố sẽ là 1.247 ha.

Trên thực tế, các nghĩa trang xây dựng hầu hết đều gặp sự phản đối của người dân. Đơn cử như Dự án Công viên tưởng niệm Thiên đường Thanh Tước giai đoạn 1 (huyện Mê Linh) không thể triển khai do vấp phải sự phản đối của người dân. Người dân còn căng lều bạt, tập trung ngay trước cửa nghĩa trang Thanh Tước và khu vực xung quanh trên đường 100 nhằm ngăn cản chính quyền, đơn vị thi công triển khai các công việc liên quan đến dự án.

Mặc dù UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản khẳng định: “Việc triển khai quy hoạch, lập dự án nêu trên là phù hợp với định hướng quy hoạch chuyên ngành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh được duyệt”, thế nhưng trước sự phản đối của người dân dự án “bất động”.

Năm 2011, dự án xây dựng Nghĩa trang tập trung Minh Phú (huyện Sóc Sơn) được khởi công xây dựng một số hạng mục hạ tầng. Mặc dù các sở ngành đã có các văn bản trả lời thắc mắc của người dân nhưng dự án vẫn không được triển khai. Theo đại diện UBND xã Minh Phú, từ năm 2011 đến nay dự án vẫn “dậm chân tại chỗ” vì sự phản đối của người dân quanh dự án. Xã đã gửi kiến nghị đến huyện Sóc Sơn, huyện cũng đã có đề nghị điều chỉnh quy hoạch dự án nghĩa trang tới UBND thành phố Hà Nội, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Đối với dự án Công viên nghĩa trang Yên Kỳ, đại diện UBND huyện Ba Vì cho biết, để đảm bảo quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn, cũng như nhu cầu cấp thiết an táng của thành phố, UBND huyện Ba Vì đề nghị UBND thành phố cho phép gia hạn thời gian thực hiện dự án, bổ sung vốn cho dự án xây dựng khu tái định cư. Ngoài ra, huyện Ba Vì đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện trách nhiệm của nhà đầu tư, trong đó có nhiệm vụ cung cấp bản đồ đo đạc địa chính 1/500 và các mốc giới. Cùng với đó, chủ đầu tư cần bố trí nguồn kinh phí để chi trả cho các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đã có quyết định thu hồi đất phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc dự án mở rộng Công viên nghĩa trang Yên Kỳ.

MỚI - NÓNG