Hậu cổ phần hóa:

Nhiều doanh nghiệp thoát nguy cơ phá sản

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết 5 năm sắp xếp đổi mới DN ngành GTVT. Ảnh: Giao thông.
Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết 5 năm sắp xếp đổi mới DN ngành GTVT. Ảnh: Giao thông.
TP - Quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH), thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần nhiều thời gian để đánh giá. Tuy nhiên, DN thoát cảnh phá sản, chủ nợ không còn thuê đầu gấu đến đòi nợ.

Bức tranh trên phần nào thể hiện tại hội nghị Tổng kết 5 năm sắp xếp đổi mới DN ngành GTVT (những đơn vị tiên phong CPH) được tổ chức chiều 9/12.

Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng Cty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco) – đơn vị làm ăn bê bết, nhiều tai tiếng nhất của Bộ GTVT trước đây kể: Trước khi CPH, chủ nợ thuê cả đầu gấu, thương binh đến đòi nợ trấn áp lãnh đạo; lương công nhân 6, 7 tháng không trả được; không có đất đai, máy móc hết hạn sử dụng.

Sau CPH, Vinawaco đã trả hết nợ, trả lương đúng hạn, toàn bộ thiết bị máy móc đã đại tu, sửa chữa đi vào thi công, mua sắm nhiều thiết bị chuyên ngành. “Trước CPH, tôi đi đến đâu cũng bị đuổi vì làm ăn bê trễ, bùng nhùng; nay các dự án đã hoàn thành đúng chất lượng, tiến độ, lương công nhân tăng 15%”. Ông Tuấn là Chủ tịch Cty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển hạ tầng, mới bỏ ra 200 tỷ mua 61% cổ phần, nắm quyền chi phối Vinawaco. Hiện, Bộ GTVT đặt lộ trình thoái toàn bộ vốn tại tổng công ty này.

Một tên tuổi khác cũng thoát “chết” sau tái cơ cấu là Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (tiền thân là Tập đoàn Vinashin). Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên SBIC cho biết: Hiện SBIC đã hoàn thành tái cơ cấu 182 đơn vị, tương đương 73%. SBIC cũng đã tái cơ cấu trên 86.000 tỷ đồng nợ theo phương án đảo nợ, giãn nợ… “Tình hình tài chính của SBIC tương đối ổn định, các chủ nợ ít đến thăm” – ông Sự nói.

Ngoài hai đơn vị trên, Tổng Cty ĐSVN – một đơn vị lớn nhưng được coi là trì trệ nhất của ngành đã có những báo cáo khả quan tại hội nghị.

Nhà nước không nên “tranh” việc

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường nêu quan điểm về CPH của Bộ GTVT triển khai thời gian qua: “Nhà nước đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của DN. Nhà nước chỉ nắm giữ tại các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không làm được, không muốn làm và không được làm, còn lại là xã hội hóa triệt để”.

Đến nay, Bộ GTVT hoàn thành việc thoái vốn tại 106 DN, trong đó có 7 công ty mẹ - Tổng công ty và 99 DN thành viên thuộc các Tổng công ty với tổng số tiền thu về trên 4.243,3 tỷ đồng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các Tổng Cty cổ phần do Nhà nước đang chi phối cũng đề nghị tiếp tục thực hiện xu hướng chuyển vốn sang cho tư nhân. Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng GĐ Vietnam Airlines cho hay, đang cắt giảm, thoái vốn các công ty con; với tổng công ty sẽ thực hiện chọn xong nhà đầu tư chiến lược (dự kiến là hãng hàng không nước ngoài) vào tháng 1 năm 2016.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh hoan nghênh Bộ GTVT quyết liệt trong đổi mới quản lý DN (trong đó có việc CPH 137 DN, tăng 76 DN bổ sung ngoài phương án Thủ tướng phê duyệt). Phó Thủ tướng yêu cầu, các DN ngành GTVT tiếp tục tìm nhà đầu tư chiến lược, thoái vốn. Cá nhân Phó Thủ tướng cũng ủng hộ việc tái cơ cấu một cách quyết liệt các DN phục vụ công ích.

MỚI - NÓNG