Nhiều doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, lương vẫn cao vút

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
TPO - Đó là nhận xét của Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai tại buổi họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề cập một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, bà Trương Thị Mai cho rằng điều 34, 35 của Dự thảo luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh chưa phù hợp Bộ Luật lao động. Đối với vấn đề tiền lương, tiền thưởng phải trên nguyên tắc cơ bản của Bộ Luật lao động. Nếu quy định thêm phải quy định có điều gì khác hơn, cơ sở nào để tiền lương, tiền thưởng khác với bộ phận khác.

Dẫn Điều 90 của Bộ Luật Lao động, bà Trương Thị Mai cho rằng, tiền lương là khoản phải trả theo thỏa thuận, chính là hợp đồng giữa người sử dụng lao động và người lao động. Mức lương theo công việc, chức danh, phụ cấp và các khoản khác…, và không thấp hơn mức lương tối thiểu.

"Thực tế hiện nay các Doanh nghiệp Nhà nước trả lương cao hơn quy định cho phép, nhiều doanh nghiệp làm ăn tầm bậy, tầm bạ, không có lợi nhuận, nhưng lương lại cao vút. Điều này từ lâu đã gây bức xúc trong xã hội", bà Mai nói.

Nêu ví dụ lương khủng tại SCIC, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, tinh thần cơ bản phải theo Bộ Luật lao động.

Sẽ lập cơ quan độc lập giám sát vốn nhà nước

Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội, một số ý kiến đề nghị xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản; nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý nhà nước.

Cũng có ý kiến đề nghị trước mắt nên lựa chọn mô hình hỗn hợp, điều phối chức năng tùy thuộc vào quy mô và tầm quan trọng của doanh nghiệp nhà nước.

Cơ quan soạn thảo đề xuất giữ nguyên mô hình như hiện nay, theo đó Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác.

Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ không khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề xuất phương án quy định thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp - Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra dự án luật phân tích thêm, khi thành lập cơ quan độc lập, các cơ quan quản lý nhà nước chỉ tập trung việc xây dựng thể chế, chính sách để các doanh nghiệp hoạt động, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, phải nêu cụ thể lĩnh vực đầu tư của Nhà nước chứ không thể chung chung. Doanh nghiệp Nhà nước cần đầu tư để phát triển hạ tầng xã hội tại vùng sâu vùng xa; đối với công nghiệp quốc phòng, an ninh…

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước chỉ ra dự thảo Luật vẫn còn chung chung, mà nếu còn chung chung thì không thể thành luật.

Ông Ksor Phước nhận xét, mô hình quản lý Doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay là không ổn, gây nhiều bức xúc. Đặc biệt, trong cơ chế quản lý vốn Nhà nước phải có đầu mối chịu trách nhiệm, vì đây là ngân sách, tiền thuế của nhân dân. Vì thế, Quốc hội phải quyết định cơ quan nào thay mặt cho tôi quản tiền ngân sách.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho biết, hiện nay, số lượng doanh nghiệp lớn nhưng không mạnh vì nguồn vốn bị phân tán. Vì vậy, trên cùng một lĩnh vực, một sản phẩm lại cạnh tranh nhau mà không đủ sức vươn ra ngoài. Ví dụ nhà máy mía đường, nhà máy xi măng… cạnh tranh ở ngoài thì thua, mà lại cạnh tranh với nhau.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đặt vấn đề về giám sát Doanh nghiệp Nhà nước chưa rõ ràng, vì chỉ nêu nội dung giám sát mà chưa cụ thể “cơ quan giám sát là ai, chức năng quyền hạn là gì, hậu giám sát ra sao?”

Kết thúc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chọn mô hình nào để thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp mà khắc phục được tồn tại yếu kém trong quản lý vốn nhà nước hiện nay cần nghiên cứu thêm và cần có thêm thông tin để giải trình với Quốc hội.

MỚI - NÓNG