Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), cho rằng, Nghị quyết mới ban hành của Chính phủ cho phép DNNN được thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư, để DN tập trung nguồn lực vào ngành, lĩnh vực kinh doanh chính, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của DN. DN phải thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng các khoản tổn thất đầu tư để bảo toàn vốn…
2 nhóm giải pháp đột phá
Bộ Tài chính được giao xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Theo ông, đâu là những giải pháp đột phá lần này?
Theo tinh thần dự thảo Nghị quyết mà Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ, trong 2 năm 2014 – 2015 sẽ tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính, đó là: công tác tổ chức triển khai và tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn nhà nước.
Về công tác tổ chức triển khai, các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng Cty nhà nước khi thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước thì phải xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)
Trường hợp không thực hiện được tiến độ công việc theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì Ban lãnh đạo doanh nghiệp (DN) được xác định là không hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, bộ trưởng các bộ quản lý ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chậm hoàn thành kế hoạch đã được phê duyệt theo quy định.
Về cơ chế, chính sách đẩy mạnh thoái vốn, lần này có các giải pháp bổ sung như: Được thoái vốn đầu tư dưới mệnh giá hoặc dưới giá trị sổ sách kế toán của DN sau khi đã trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư vốn theo quy định và trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định.
Khi chuyển nhượng các khoản đầu tư tại các Cty cổ phần chưa niêm yết có giá trị tính theo mệnh giá từ 10 tỷ đồng trở lên thì DN được lựa chọn thuê tổ chức tài chính trung gian để bán đấu giá hoặc tự tổ chức đấu giá tại DN, không nhất thiết phải bán đấu giá qua Sở giao dịch chứng khoán.
Trường hợp đấu giá không thành công thì báo cáo chủ sở hữu xem xét, quyết định bán thỏa thuận. Được chào bán ra công chúng số cổ phần mà DNNN đã đầu tư tại các công ty đại chúng có hoạt động sản xuất, kinh doanh thua lỗ trên cơ sở phương án thoái vốn đã được chủ sở hữu xem xét, quyết định…
Nghị quyết cho phép DNNN thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư. Vậy, ông có ngại mất vốn nhà nước trong những trường hợp này?
Về nguyên tắc, việc thực hiện thoái vốn phải bảo đảm công khai, minh bạch và theo giá thị trường. Trong thực tế sẽ có những trường hợp DN thoái vốn dưới giá trị sổ sách hoặc dưới mệnh giá. Tuy nhiên, xét hiệu quả tổng thể, việc thu hồi vốn đầu tư ngoài ngành để tập trung nguồn lực vào ngành, lĩnh vực kinh doanh chính sẽ phát huy hiệu quả hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, qua đó nâng cao sức cạnh tranh của DN.
Bên cạnh đó, việc thực hiện giải pháp này sẽ góp phần đảm bảo tiến độ tái cơ cấu DNNN theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo quy định hiện nay, DN phải thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng các khoản tổn thất đầu tư để bảo toàn vốn. Khi thực hiện thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất đầu tư thì đã hạn chế tổn thất đầu tư tương ứng với số đã trích lập dự phòng, chưa tính đến những lợi ích thu được trước đó của khoản đầu tư (nếu có). Do đó, các DN cần thực hiện nghiêm chế độ trích lập dự phòng để phòng ngừa rủi ro và hạn chế tổn thất đầu tư ở mức cao nhất.
Tính toán thời điểm thoái vốn hiệu quả nhất
Đối với việc thoái vốn ngoài ngành, lãnh đạo các tập đoàn, tổng Cty cho rằng, đối với những dự án đang hiệu quả hoặc đang đầu tư dang dở thì không nên chốt cứng đến cuối 2015 phải thoái vốn hết. Ý kiến của Bộ Tài chính ra sao?
Về nguyên tắc, các tập đoàn kinh tế, tổng Cty nhà nước, DNNN phải thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính xong trước 31/12/2015 để đảm bảo mục tiêu theo Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo tinh thần Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 9/7/2012 của Chính phủ, đối với các lĩnh vực đầu tư có hiệu quả hoặc gặp khó khăn tạm thời thì xem xét, tạo điều kiện để phát triển và tính toán thời điểm thoái vốn sao cho có hiệu quả nhất, theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, các tập đoàn kinh tế, tổng Cty nhà nước cần rà soát, tính toán hiệu quả đối với từng dự án, từng khoản đầu tư, đồng thời xác định tỷ lệ vốn cần duy trì, nắm giữ theo tiêu chí, danh mục phân loại DNNN theo quy định để xây dựng phương án thoái vốn phù hợp, kể cả lộ trình thực hiện để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo kế hoạch cổ phần hóa đã được phê duyệt, trong hai năm 2014 - 2015 sẽ có khoảng 200.000 tỷ đồng giá trị vốn cổ phần từ các DNNN cổ phần hóa đưa ra thị trường. Với thị trường hiện nay, khả năng hấp thụ ra sao, chúng ta có giải pháp gì nếu thị trường không thuận lợi?
Kế hoạch là trong 2 năm 2014 - 2015 sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 DNNN, chưa kể số DN tiếp tục được rà soát, bổ sung sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4/3/2011 về tiêu chí, danh mục phân loại DNNN.
Việc cổ phần hóa các DN này không chỉ mang ý nghĩa thu hút các nguồn lực từ bên ngoài để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của DN mà còn góp phần thúc đẩy thị trường vốn, thị trường chứng khoán phát triển, đồng thời nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của DN.
Trong giai đoạn 2011- 2013, mặc dù tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN còn nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính thế giới cùng với khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước, nhưng chúng ta vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu cổ phần hóa DNNN và trong 2 năm 2014 - 2015 vẫn tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã được duyệt.
Có thể thấy, cổ phần hóa DNNN luôn gắn với yếu tố thị trường cùng với hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN sau khi cổ phần hóa. Do đó, trong điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn khó khăn, có thể trong một số trường hợp sẽ khó hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần lần đầu.
Tuy nhiên, nguồn thu từ cổ phần hóa không phải là mục tiêu duy nhất khi thực hiện cổ phần hóa DNNN mà cần xác định cổ phần hóa DNNN là để cơ cấu lại khối DN này, qua đó phân bổ và nâng cao năng lực quản lý nguồn lực của nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, việc thực hiện cổ phần hóa DNNN cũng sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu thị trường chứng khoán, phát triển thị trường vốn, qua đó hỗ trợ triển khai thực hiện Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và bảo hiểm theo Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Cảm ơn ông.
DN không được giữ hết vốn sau cổ phần hóa
Một số lãnh đạo địa phương và DN đề nghị vốn sau cổ phần hóa nên để lại cho DN tái đầu tư, thay vì nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. Quan điểm của Bộ Tài chính ra sao?
Theo Bộ Tài chính, cơ chế quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa hiện hành là phù hợp trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, trong đó đã hỗ trợ DN cổ phần hóa thanh toán chi phí cổ phần hóa, chi phí lao động dôi dư và để lại cho DN số tiền tương ứng với mệnh giá cổ phần phát hành thêm để sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Số tiền còn lại nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN cũng được sử dụng để phục vụ cho các DNNN khác như: chi giải quyết lao động dôi dư, xử lý tài chính… trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, chi bổ sung vốn điều lệ (bao gồm cả các DNNN thuộc địa phương), chi đầu tư các dự án quan trọng phục vụ phát triển kinh tế xã hội… Theo quy định tại Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính thấy rằng, nếu để lại tiền bán cổ phần cho DN thì sẽ phải ghi tăng vốn nhà nước đầu tư tại DN trong trường hợp cổ phần hóa theo hình thức bán bớt phần vốn nhà nước. Như vậy, sẽ không đạt được mục tiêu cổ phần hóa, không thu hút được vốn đầu tư của xã hội và DN. Bên cạnh đó, việc tập trung nguồn thu từ cổ phần hóa về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN còn để tập trung nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng khác của đất nước.