Nhiều chiêu kinh doanh chứng khoán bị phạt nặng

Ảnh: Hồng Vĩnh.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Liên tiếp trong thời gian gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố những quyết định xử phạt với “mức án” lên tới hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng cho một số trường hợp vi phạm trên thị trường. Một số nhà đầu tư cố tình không công bố thông tin khi giao dịch, mở hàng chục tài khoản khống tạo cung cầu giao dịch giả,  làm giá cổ phiếu thu lời bất chính…

Tạo cung - cầu giả

Ngày 1/9/2017, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Phan Sỹ Hải (địa chỉ: P103-Đ8 Vĩnh Hồ, Thịnh Quang, Hà Nội).

Theo công bố, nhà đầu tư này bị phạt 550 triệu đồng do đã sử dụng 28 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 25 tài khoản đứng tên người khác để mua, bán, tạo cung cầu giả tạo đối với Cổ phiếu của Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex (mã VMD-HOSE). Theo UBCKNN mức phạt này căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ.

Tuy nhiên, đây chưa phải là trường hợp xử phạt nặng nhất cho việc mở khống tài khoản giao dịch. Trước đó, ngày 10/8, UBCKNN đã ban hành quyết định xử phạt bà Trần Thị Minh Phượng (địa chỉ: số 15 Trường Chinh, Pleiku, Gia Lai) với số tiền bị phạt lên tới 600 triệu đồng. Theo UBCKNN, qua xác minh và điều tra, từ ngày 20/7/2015 đến ngày 1/4/2016, bà Phượng đã sử dụng 42 tài khoản, trong đó 3 tài khoản đứng tên mình và 39 tài khoản đứng tên người khác mở tại 16 công ty chứng khoán để giao dịch cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) nhằm tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu HNG.

Đáng chú ý, có một “tình tiết” lạ đó là địa chỉ của bà Trần Thị Minh Phượng trong công bố xử phạt “tình cờ” trùng với địa chỉ mà Trung tâm điều hành Tập đoàn HAGL vẫn công bố trên website. (Cùng “15 Trường Chinh, P. Phù Đổng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai”). Cũng tình cờ, trong cơ cấu tổ chức hiện thời của Tập đoàn HAGL (mã chứng khoán là HAG -công ty mẹ của HNG) có một nhân sự mang tên “Trần Thị Minh Phượng” thường xuất hiện trong các biên bản họp của HAG, với chức danh “thư ký”.

Tuy nhiên, “quán quân” lĩnh án phạt nặng nhất hơn 1 tỷ đồng đến nay vẫn thuộc về ông Hoàng Đức Dũng (Địa chỉ: Tổ 37, Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông Dũng mở nhiều tài khoản thao túng giá cổ phiếu. Theo đó, cách đây 1 năm, ông này mở 26 tài khoản để giao dịch và thao túng giá cổ phiếu Công ty Cổ phần Tài nguyên (mã: TNT). Riêng với lỗi thao túng giá, ông Dũng phải nộp 550 triệu đồng tiền phạt.

Có nhờn xử phạt?

Theo một quan chức UBCKNN, vụ việc bà Trần Thị Minh Phượng trên thực tế được Thanh tra UBCKNN phát hiện và phối hợp với cơ quan công an điều tra xử lý. Bà Phượng đúng là người của Tập đoàn HAGL. Theo vị quan chức này mức xử phạt 600 triệu đồng là do, các cá nhân mua bán mang tính nội bộ, cố tạo ra thanh khoản và giao dịch chứ thực chất không có nhà đầu tư bên ngoài nào bán mua thời điểm đó.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm 2017 tới nay, UBCKNN đã ban hành hơn 100 quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng, áp dụng cho 80 tổ chức và hơn 30 cá nhân với mức phạt thấp nhất là 5 triệu đồng, cao nhất là 600 triệu đồng. Chỉ tính riêng tháng 8/2017, hàng chục quyết định xử phạt đã được ban hành với tổng số tiền phạt lên đến cả tỷ đồng. Phần lớn các cá nhân bị phạt đều nắm giữ chức vụ lãnh đạo hoặc là cổ đông lớn của doanh nghiệp liên quan, hoặc là người nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Vậy phải làm gì để nhà đầu tư, doanh nghiệp không “nhờn” xử phạt? Theo chuyên gia chứng khoán Đinh Thế Hiển, việc UBCKNN “hậu kiểm” xử phạt là tốt nhưng hay hơn cả đó là phải tạo ra thị trường chuyên biệt. “UBCKNN không thể tìm ra được hết nếu chỉ nhìn vào giao dịch thị trường mà điều tra. Ở đây, mỗi sở giao dịch chứng khoán phải có công cụ giám sát phát hiện ra các giao dịch bất thường đó…”, ông Hiển nói.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.