Thanh Hóa:

Nhiều Cây Di sản bất ngờ chết sau khi được vinh danh

Nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bỗng nhiên rụng lá, héo khô rồi chết bất thường trong sự nuối tiếc của người dân. Điều đáng nói, đa phần cây chết sau khi được phong “Cây Di sản Việt Nam”.

“Hồn làng” trút lá sau vinh danh không lâu

Cây gạo cổ thụ có tuổi đời khoảng gần 600 năm tuổi nằm ven dòng sông Chu của xã Phú Yên (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) mới đây đã trút lá, héo khô và đang dần mục ruỗng.

Được biết, cây cổ thụ này được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận “Cây Di sản Việt Nam” vào cuối năm 2015. Khi còn sống, cây có đường kính phần gốc khoảng 4m, chu vi gần chục người ôm mới xuể. Đây được coi là một trong những cây lớn nhất tại Việt Nam tại thời điểm được vinh danh, với chiều cao tới gần trăm mét, cao hơn hẳn thảm thực vật trong vùng.

Nhiều Cây Di sản bất ngờ chết sau khi được vinh danh ảnh 1 Cây gạo hàng trăm năm tuổi ở xã Thiệu Lý (huyện Thiệu Hóa) thời điểm được vinh danh.

Nhìn từ phía thị trấn huyện Thọ Xuân, nhiều người dễ dàng nhận ra một cây xanh cao vút, tỏa bóng rộng cả trăm mét vuông bên triền sông. Sử sách địa phương còn ghi lại: Nơi có cây gạo này chính là An Lãng trang và cách đây hơn 500 năm cũng là nơi dừng chân của Lê Lợi khi dẫn quân từ vùng núi Thanh Hóa tiến về đồng bằng đuổi giặc Minh xâm lược.

Dưới gốc cây gạo này, năm 1967 đã diễn ra lễ truy điệu sống một trung đội nữ dân quân trước giờ đi tháo bom nổ chậm máy bay Mỹ ném xuống phá đê sông Chu. Cạnh cây gạo là một ngôi đền cổ, nên cây được người dân địa phương phủ lên những câu chuyện linh thiêng, huyền bí và rất đỗi trân trọng.

Tuy nhiên, chỉ sau gần 2 năm khi được vinh danh Cây Di sản, cây gạo bỗng nhiên bị bệnh, héo dần rồi chết. Gần đây, cành cây mục rơi xuống nhiều nên xã Phú Yên từng phải ngăn đường, sợ gây tai nạn cho người đi qua. Một số cư dân địa phương đã châm lửa đốt cây để tránh nguy cơ những cành cổ thụ rơi xuống, gây tai họa.

Ông Lê Văn Phương (57 tuổi) nhà gần cây gạo, chua xót: “Tiếc lắm! Không những con em xã Phú Yên mà người dân nhiều xã trong vùng đều coi cây gạo này như một phần của quê hương, những người xa quê đều gợi nhớ cây gạo. Nhà tôi sống gần cây gạo, tuổi thơ thế hệ chúng tôi đã gắn bó với cây như người bạn. Những đêm sáng trăng, các thế hệ trẻ em vui đùa dưới gốc cây, người dân tập trung ngồi mát buổi trưa, chuyện trò vui vẻ. Khi đi xa về, đến thị trấn Sao Vàng cách đó gần chục cây số, tôi đã nhìn thấy tán cây gạo vươn cao, biết đó là làng quê mình. Gắn với mọi hoạt động của các thế hệ trong làng, người dân địa phương coi “cụ” như hồn làng”.

Cùng thời điểm với cây gạo ở xã Phú Yên trút lá, cây gạo cổ thụ tại thôn Hào Lương (xã Xuân Lam, cùng huyện Thọ Xuân) cũng chết không rõ nguyên nhân. Đi trên con đường liên xã từ xã Xuân Lam đến xã Xuân Thiên, người đi dễ nhận ra một cây cổ thụ cao vút toàn cành cụt, phần thân đã khô. Một cây gạo cổ thụ khác tại khu vực nghĩa trang Mậu Dịch ở xã Xuân Thiên gần đây cũng chết không rõ nguyên nhân.

Cũng tại huyện Thọ Xuân, đáng tiếc nhất có lẽ là sự “ra đi” của cây gạo đại thụ tại thôn Phú Cường, xã Xuân Yên, mà theo người dân địa phương, đường kính của cây lên tới 6 – 7m. Đứng tại vị trí cây chết, nay đã được mở rộng thành đường đi, anh Trịnh Đình Kiên, người dân địa phương chỉ cặn kẽ chỗ nào là gốc, đường kính cụ thể của gốc cây, phía các rễ lớn tỏa ra từ gốc...

“Từng được coi là cây lớn nhất tỉnh, khi chết đi, người dân địa phương đều cảm thấy tiếc nuối. Từ các cụ già đến hậu thế như chúng tôi coi cây như “linh vật” che chở dân làng” – anh Trịnh Đình Kiên khẳng định.

Một cây gạo cổ thụ khác với “tuổi đời” khoảng 600 năm tại làng Cẩm Bào, xã Vạn Hòa (Nông Cống) cũng chết “tức tưởi” sau khi được gắn biển vinh danh Cây Di sản Việt Nam vào năm 2013. Phần thân cây còn lại vẫn cao khoảng chục mét, hiện đã mục rỗng, các cây ký sinh bám đầy, phủ xanh.

Nhiều Cây Di sản bất ngờ chết sau khi được vinh danh ảnh 2 Hình ảnh cây gạo 600 năm tuổi ở Nông Cống bị chết khô sau khi được vinh danh không lâu.

Từng được coi là biểu tượng cho sự trường tồn, là “hồn làng”, cây gạo cổ thụ của làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa) cũng đã chết vào năm 2015, nay chỉ còn dấu tích là phần gốc mục. Đây cũng là Cây Di sản Việt Nam, được phong danh hiệu vào năm 2012.

Các thế hệ trẻ em trong làng thường chạy chơi trốn tìm trong các hốc rễ cây "khổng lồ". Gắn với ngôi đình Hổ Đàm linh thiêng, cây cổ thụ này được người dân địa phương ra sức bảo vệ.

Người dân vẫn không khỏi thắc mắc, những cây đã trường tồn qua bão tố, thiên nhiên khắc nghiệt, rồi bom đạn chiến tranh... hàng trăm năm, tại sao nay lại chết bất thường, nhất là sau khi được vinh danh Cây Di sản?

Do thiên nhiên hay con người?

Hiện tượng nhiều Cây Di sản Việt Nam, cây cổ thụ lần lượt chết trong ít năm gần đây khiến dư luận hoang mang. Tuy nhiên, chưa có một cơ quan chức năng nào vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân cây chết. Thậm chí, khi cây đã chết hoặc vào giai đoạn không thể vực dậy, người dân mới báo chính quyền địa phương...

Nhiều Cây Di sản bất ngờ chết sau khi được vinh danh ảnh 3 Gốc cây đại thụ ở xã Phú Yên (Thọ Xuân) thời điểm cây đã chết.

Được biết, sau khi được vinh danh Cây Di sản, người dân địa phương đã đóng góp kinh phí, đào quanh gốc cây để xây móng vây xung quanh kiểu như một chậu cảnh lớn để cây được đứng ở vị trí “trang trọng” hơn.

Nhiều người dân còn cho biết, trong quá trình chăm sóc cây, người dân địa phương còn bón nhiều phân lân, phân hóa học nên nhiều khả năng, cây bị “bội thực” dinh dưỡng.

Ông Đậu Tam Thân, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Cẩm Bào, còn cho rằng: “Thời điểm cây chết, một nhà máy gần đó liên tục xả thải ra sông, nước sông đen kịt, bốc mùi hóa chất khó chịu. Cây gạo di sản này nằm ở triền sông, nhiều rễ đâm xuống mép nước, nên rất có khả năng cây hút phải nước có độc tố mà chết. Một nguyên nhân khác là khi xây dựng nhà văn hóa làng Cẩm Bào và tuyến đường đi qua, đã đổ bê tông đè lên nhiều phần rễ của cây, có thể gây yếm khí và “nóng” khiến cây chết”.

Với người dân thôn Phú Cường, xã Phú Yên (Thọ Xuân), “báu vật” của làng chết là do một loại sâu lụy màu trắng, đục chi chít vào thân cây. Khi cây đã héo úa, rụng lá, người dân đã kêu gọi nhau, góp phân chuồng bón vào rễ cây. Đến năm 2017, Cây Di sản này chết, tuy nhiên đến nay, nguyên nhân chính vẫn chưa được tìm ra.

Tương tự Cây Di sản tại làng Hổ Đàm, xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa), khi xây tường bao nhà văn hóa thôn, người ta đã chặt đi nhiều rễ của cây. Con đường bê tông hiện nay chạy qua cũng làm ảnh hưởng đến nhiều rễ khác của “lão mộc” này.

Ông Nguyễn Đình Tuyên, một người dân có nhà ở gần cây gạo, cho rằng: "Với một cây cổ thụ như vậy, việc chặt đi một số rễ chắc chưa ảnh hưởng gì nhiều. Thời điểm cây chết, có loại sâu lụy màu trắng đục thân cây, có thể đây mới là nguyên nhân chính...".

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.