Nhiệm vụ cuối cùng của vị bộ trưởng bị thất sủng

Trước lối vào căn cứ Không quân Malmstrom ở tiểu bang Montana.
Trước lối vào căn cứ Không quân Malmstrom ở tiểu bang Montana.
Một trong những nhiệm vụ trọng yếu cuối cùng của ông Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trước khi quyết định từ chức vào cuối tháng 11 vừa qua, là xúc tiến việc tăng cường lực lượng hạt nhân chiến lược của Lầu Năm Góc, cùng khoản kinh phí lên tới hàng chục tỉ USD.

Trung tuần tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Chuck Hagel đã chủ trì một cuộc họp tại Căn cứ Không quân Minot ở tiểu bang North Dakota, quy tụ giới tướng lĩnh hàng đầu thuộc Bộ Tư lệnh Không quân chiến lược toàn cầu (AFGSC). Tuy nội dung cuộc họp được giữ kín, nhưng giới thạo tin thân cận với Lầu Năm Góc nhanh chóng xác định chủ đề là nhằm chấn chỉnh và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, sau một loạt các sự cố xảy ra trong AFGSC.

Theo Hãng AP, vào tháng 3/2014, Tư lệnh Sư đoàn Tên lửa hạt nhân số 1, trực thuộc AFGSC đã buộc phải đệ đơn từ chức, sau khi 9 sĩ quan trung cao cấp đang tại ngũ trong căn cứ Không quân Malmstrom ở tiểu bang Montana bị đình chỉ công tác, vì liên quan đến vụ bê bối giả mạo kết quả các bài kiểm tra đối với 91 quân nhân, những người chịu trách nhiệm trực tiếp đến sự sẵn sàng khai hỏa vũ khí tên lửa hạch tâm. Trong căn cứ này hiện được triển khai tới 150 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), chiếm 1/3 số lượng ICBM của quân đội Mỹ.

Còn trong năm 2013, viên Phó chỉ huy trưởng Bộ Tư lệnh AFGSC đã bị cách chức, vì để cho 19 quân nhân thuộc quyền tổ chức hoạt động cờ bạc và cá cược trong quân ngũ, vi phạm nghiêm trọng điều lệ và kỷ cương của quân đội.

Nhiệm vụ cuối cùng của vị bộ trưởng bị thất sủng ảnh 1 Hầm chứa tên lửa Minuteman-III trong căn cứ Malmstrom.
Vẫn theo Hãng tin AP, cuộc tổng kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu trong lực lượng hạt nhân chiến lược, được tiến hành vào cuối mùa thu vừa qua tại 3 căn cứ thuộc AFGSC đồn trú tại các tiểu bang North Dakota, Wyoming và Montana. Kết quả cho thấy trong cả 3 căn cứ chỉ được trang bị có một dụng cụ duy nhất, là thứ công cụ cần thiết cho việc thắt chặt bu lông gắn đầu đạn tên lửa hạch tâm Minuteman-III, cũng là loại ICBM chủ lực của quân đội Mỹ. Khi nơi nào cần đến dụng cụ đặc chủng này, thiết bị sẽ được căn cứ đang lưu giữ gửi tới theo đường chuyển phát nhanh của Hãng FedEx(!).

Sau đợt tổng kiểm tra, người phát ngôn Lầu Năm Góc George E. Little khẳng định: “Tuy kho vũ khí hạt nhân của quân đội Mỹ vẫn an toàn và tiếp tục có hiệu năng, nhưng chúng ta cần phải có hành động kịp thời để tân trang lực lượng này, phù hợp với các yếu tố mang tính quyết định trong tương lai. Mục đích cải tiến kho vũ khí hạt nhân là tối quan trọng, sao cho với kích thước nhỏ hơn nhưng lại linh hoạt hơn”.

Giới chuyên viên quân sự am hiểu đánh giá, muốn chấn chỉnh và nâng cấp lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược hiện thời, Lầu Năm Góc sẽ phải tiêu tốn  không dưới 30 tỉ USD. Trong khi cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, người vừa được Tổng thống Barack Obama đề cử thay thế Bộ trưởng Chuck Hagel, lên tiếng rằng: “Trong 10 năm tới, các loại vũ khí chiến lược như tên lửa, máy bay ném bom và tàu ngầm được chế tạo trong thế kỷ trước, sẽ kết thúc chu kỳ sử dụng và cần phải được thay thế.

Nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu đòi hỏi các khoản kinh phí lớn, chứ không thể có mức giá như bây giờ. Một nghiên cứu gần đây đã chính thức xác định rằng, khoản chi phí cho các kế hoạch tân trang vũ khí hạt nhân trong 30 năm kế tiếp vào khoảng 1.000 tỉ USD, bao gồm cả việc xây mới 8 nhà máy điện loại lớn, cũng như các phòng thí nghiệm và nghiên cứu sử dụng đội ngũ nhân viên hơn 40.000 người”.

Nhiệm vụ cuối cùng của vị bộ trưởng bị thất sủng ảnh 2 Một phân xưởng mới khánh thành thuộc Nhà máy Quốc phòng ở Kansas City, nơi tiến hành tân trang các tên lửa hạch tâm.
Nhà máy Quốc phòng ở Kansas City (tiểu bang Missouri) là một ví dụ tiêu biểu cho tham vọng cách tân tên lửa hạt nhân của Lầu Năm Góc. Từ một cơ sở sản xuất động cơ máy bay trong Thế chiến II, đến năm 1949 trở thành nhà máy quốc phòng chuyên sản xuất các bộ phận cơ khí và mạch điện trong các đầu đạn hạt nhân.

Tới giữa năm 2013, nhà máy buộc phải đóng cửa vì không có đơn hàng mới, thể theo tiến trình cắt giảm vũ khí hạch tâm “New Start”, được Tổng thống Mỹ Barack  Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev thỏa thuận vào tháng 4/2009 khi ông Obama mới bước vào Nhà Trắng.

Tháng 10 cùng năm, Ủy ban Nobel của Thụy Điển quyết định trao cho Tổng thống Obama giải Nobel hòa bình về hành động tích cực này. Thỏa thuận giữa Washington với Moskva nhanh chóng hình thành, khi cả 2 bên đều đồng ý cắt giảm vũ khí chiến lược xuống khoảng 30% trong thời hạn 7 năm. Nhưng theo các chuyên gia phân tích tình hình quân sự quốc tế, thì tuy kho vũ khí của Nga nay đã giảm, thậm chí còn thấp hơn con số đã thỏa thuận trong khi người Mỹ vẫn... “giậm chân tại chỗ”(?!).

Trung tuần tháng 10/2014, Nhà máy quân sự hạt nhân ở Kansas City lại được Lầu Năm Góc tái khánh thành, với đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật đủ chỗ làm cho 2.500 nhân viên, cùng mục tiêu hiện đại hóa tên lửa hạt nhân, trong đó bao gồm kế hoạch phát triển các thế hệ vũ khí ICBM đời mới.

“Việc cải tiến cấp bách nhằm bảo đảm sự duy trì chiếc ô hạt nhân của Mỹ đối với các đồng minh phương Tây, tạo cho họ cảm giác an toàn và tự tin hơn”, một nhà phân tích quân sự uy tín người Mỹ không muốn tiết lộ danh tính, kết luận.

Theo Quang Long
Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.